Tăng khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng đến mọi người dân

Ngày 10-9, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch hành động ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh phát biểu tại hội nghị
Tài chính toàn diện (Financial Inclusion) hay còn gọi là tài chính bao trùm, được hiểu khái quát là các dịch vụ tài chính được cung ứng tới mọi thành viên trong xã hội, đặc biệt là đối với nhóm người dễ bị tổn thương, theo cách thức thuận tiện và phù hợp với nhu cầu, nhằm thông qua đó góp phần tạo cơ hội sinh kế, luân chuyển dòng vốn đầu tư và tiết kiệm trong xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững. 
Tài chính toàn diện được coi là một trong những trụ cột quan trọng trong phát triển bền vững. Ngày 22-1, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 149/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đến nay, hơn 60 quốc gia đã xây dựng và triển khai thực hiện chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.

Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh, chiến lược tài chính toàn diện quốc gia hướng đến tương lai, mọi người dân và doanh nghiệp Việt Nam đều sẽ “được tiếp cận và sử dụng an toàn, thuận tiện các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, do các tổ chức được cấp phép cung ứng một cách có trách nhiệm và bền vững”.

Đây cũng đồng thời là cơ sở quan trọng cho sự phát triển lành mạnh, hiệu quả, an toàn và bền vũng của hệ thống tài chính nói chung và hệ thống các tổ chức tín dụng nói riêng. Nhiều quốc gia đã đưa ra các giải pháp đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ tài chính, tập trung vào việc giảm chi phí, nâng cao tính an toàn và thuận tiện của các dịch vụ tài chính, góp phần nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ cho người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là những người chưa từng được các ngân hàng phục vụ.

Việc triển khai thực hiện tài chính toàn diện đã đóng góp không nhỏ vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, tăng sinh kế cho người dân và phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ ổn định tài chính và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.

Bàn về giải pháp, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN) nhấn mạnh đến vai trò của việc mở rộng số lượng người tiếp cận tài chính toàn diện với chi phí hợp lý, dịch vụ đáng tin cậy. “Để làm được điều đó, mọi dịch vụ ngân hàng đều được làm trên chiếc điện thoại di động. Chừng nào chúng ta không làm được điều đó có nghĩa là chúng ta chưa phổ cập được tài chính toàn diện”, ông Dũng nói.

Tin cùng chuyên mục