Tăng giờ làm thêm tối đa và tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang xin ý kiến dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Thời gian lấy ý kiến hạn đến 5-5-2019. 

Trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) có một số thay đổi chú ý như: sẽ tăng giờ làm thêm cho người lao động trong một số ngành nghề nhất định, điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình… Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào kỳ họp thứ 7 và thông qua tại kỳ họp thứ 8.

Tăng giờ làm thêm tối đa và tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình ảnh 1 Dự thảo bộ luật lao động (sửa đổi) đề xuất hai phương án điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu
 Mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa

Dự thảo bộ luật lao động sửa đổi đề xuất mức mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong các trường hợp đặc biệt sẽ tăng thêm 100 giờ/năm so với hiện hành: từ tối đa 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm. Chính phủ sẽ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành việc tổ chức làm thêm quá 200 giờ trong một năm trong Nghị định theo nguyên tắc:

(1) doanh nghiệp phải thông báo và được chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh;

(2) doanh nghiệp không được huy động người lao động làm thêm giờ trong thời gian dài liên tục và phải bố trí thời gian nghỉ giải lao hợp lý cho người lao động khi làm thêm giờ;

(3) quy định một số ngành nghề được mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ trong trường hợp đặc biệt như đối với một số ngành nghề gia công, dệt, may, da, giày, chế biến, chế tạo, lắp ráp, công nghệ thông tin và các ngành nghề sản xuất có tính thời vụ như chế biến nông, lâm, thủy sản.

Điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu

Dự thảo bộ luật lao động (sửa đổi) đề xuất hai phương án điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu: 

Phương án 1: Kể từ ngày 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Phương án 2: Kể từ ngày 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Ngoài ra, dự thảo cũng quy định:

- Quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt.

- Quyền nghỉ hưu muộn hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề xuất bổ sung 1 ngày nghỉ lễ là Ngày Thương binh, liệt sĩ (27-7 dương lịch). Việc chọn ngày 27-7 là ngày nghỉ lễ sẽ nâng tầm của ngày Thương binh, liệt sỹ, với ý nghĩa tri ân tất cả những người có công với đất nước, với cách mạng, với các bậc tiền bối, với cha mẹ, người sinh thành, nuôi dưỡng và tôn vinh giá trị văn hóa Việt Nam.   

Tin cùng chuyên mục