Tăng cường thu hút các nhà giáo, chuyên gia biên soạn sách giáo khoa

Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đề nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu kỹ lưỡng các ý kiến của nhà giáo, chuyên gia; hàng năm có đánh giá tổng kết chương trình, để có những giải pháp định hướng kịp thời đảm bảo chất lượng việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới.  

Ngày 20-8, Bộ GD-ĐT phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết một năm thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông (GDPT).

Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, năm học vừa qua là năm đầu tiên triển khai chương trình, SGK mới đối với lớp 1. Kết quả học tập của học sinh lớp 1 năm vừa qua cho thấy, 100% hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch. Chất lượng học tập đảm bảo chuẩn đầu ra theo yêu cầu cần đạt của chương trình.

Đặc biệt, học sinh lớp 1 năm học 2020-2021 có một số năng lực nổi trội hơn so với các khóa học trước thực hiện chương trình GDPT hiện hành. Tỷ lệ học sinh lớp 1 cả nước hoàn thành tốt chương trình môn tiếng Việt và Toán lớp 1 năm học 2020-2021 đều cao hơn năm học 2019-2020; tỷ lệ chưa hoàn thành giảm.

Tăng cường thu hút các nhà giáo, chuyên gia biên soạn sách giáo khoa ảnh 1 Hội nghị tổng kết một năm thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 

Phát biểu tại hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh ghi nhận những kết quả đạt được trong xây dựng chương trình, xã hội hoá SGK, dạy học lớp 1. Chương trình mới đã được xây dựng với quy trình đảm bảo tính khoa học, khả thi; khung chương trình cơ bản đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; chương trình đảm bảo tính toàn diện, bài bản, tiến bộ… 

Tuy nhiên, quá trình giám sát thực tế, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng nhận được phản ánh của cử tri, dư luận về chất lượng, giá thành SGK, việc phân phối thời lượng chương trình ở bậc tiểu học và cấu trúc chương trình ở bậc trung học đối với các môn tích hợp.

Do đó, Ủy ban đề nghị Bộ GD-ĐT nghiên cứu kỹ lưỡng các ý kiến của nhà giáo, chuyên gia; hàng năm có đánh giá tổng kết chương trình, để có những giải pháp định hướng kịp thời đảm bảo chất lượng việc thực hiện chương trình, SGK mới.  

Ý kiến các địa phương cho thấy triển khai chương trình mới vẫn gặp khó khăn về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất...

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, việc triển khai đổi mới chương trình GDPT bắt đầu với lớp 1 trong năm học vừa qua đã nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Các địa phương đã vào cuộc rất trách nhiệm. Đặc biệt là sự dốc sức của những người triển khai trực tiếp là đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục.

Về nhiệm vụ sắp tới, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đề nghị toàn ngành kiên trì trong tư tưởng, quan điểm đổi mới; bám sát, bám chắc mục tiêu và triết lý đổi mới. Đổi mới để chuyển mạnh từ trang bị kiến thức, truyền thụ bị động, sang tăng cường sự sáng tạo, năng động của cả thầy và trò, từ đó phát triển năng lực, phẩm chất, kỹ năng của người học.

Lấy mục tiêu ưu tiên số 1 của GDPT là dạy người, dạy thái độ sống, kỹ năng sống, trách nhiệm xã hội, năng lực tự học, đi cùng với các năng lực khác về nhận thức, về tư duy…, làm nền tảng để tạo dựng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Để đáp ứng yêu cầu đổi mới, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị trên phương diện quản lý nhà nước và cơ chế chính sách, Bộ GD-ĐT cần phải đổi mới thêm một bước. Tăng cường thu hút các nhà giáo, chuyên gia có chuyên môn tốt tham gia biên soạn SGK, để bảo đảm có được chất lượng bản thảo sách tốt nhất.

Chất lượng bản thảo phải là khâu then chốt. Việc thẩm định, chọn sách, phát hành bảo đảm cạnh tranh lành mạnh dựa trên tiếng nói chuyên môn của các nhà giáo, cơ sở giáo dục và tinh thần không có học sinh thiếu SGK.

Với một số nhóm vấn đề được địa phương trao đổi tại hội nghị như về giáo viên; SGK, học liệu; cơ sở vật chất, tài chính…, Bộ trưởng cho biết, Bộ GD-ĐT sẽ có kế hoạch tháo gỡ, nhưng rất cần sự phối hợp giữa trung ương và địa phương trong thực hiện.

Riêng về đội ngũ giáo viên, Bộ GD-ĐT sẽ làm việc với hệ thống các trường đại học sư phạm để trao đổi về các nội dung tập huấn, bồi dưỡng giáo viên; cũng như phát triển các ngành nghề đào tạo thuộc nhóm sư phạm để bảo đảm cung cấp đủ giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới GDPT những năm tiếp theo.

Năm học mới, ngành giáo dục sẽ thực hiện SGK lớp 2, lớp 6 mới, lại diễn ra trong bối cảnh nhiều thách thức do dịch bệnh, do đó, Bộ trưởng đề nghị các địa phương, cơ sở giáo dục, các thầy cô giáo, cán bộ quản lý phải quyết tâm hơn nữa, năng động và sáng tạo hơn nữa, vượt qua mọi khó khăn thách thức, hoàn thành tốt các mục tiêu đổi mới.

Tin cùng chuyên mục