Tăng cường quản lý đối với hoạt động tổng thầu EPC của Trung Quốc

Điều đáng nói là những ảnh hưởng của nguồn vốn từ Trung Quốc lại đến từ hình thức tổng thầu (EPC), tiêu biểu nhất trong lĩnh vực năng lượng và cơ sở hạ tầng, gây ra những lo lắng có cơ sở.

 

 

 


TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR trình bày báo cáo nghiên cứu
TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR trình bày báo cáo nghiên cứu

Chiều 22-7, tại cuộc hội thảo công bố kết quả nghiên cứu “Một số nhận định về vốn đầu tư Trung Quốc tại Việt Nam” do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) tổ chức tại Hà Nội, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR nhận định, dòng vốn FDI của Trung Quốc chảy vào Việt Nam tăng qua từng năm, song còn chiếm tỉ trọng tương đối nhỏ so với các nhà đầu tư tới từ Nhật Bản, Hàn Quốc. “Ở “sân” Việt Nam, Trung Quốc là người đến sau, vốn rót vào tăng khá nhanh nhưng không có gì quá đặc biệt. Họ “rải” đầu tư khá đều cả về địa bàn phân bổ cũng như ngành nghề. Tuy nhiên, điều đáng nói là những ảnh hưởng của nguồn vốn từ nền kinh tế này lại đến từ hình thức tổng thầu (EPC), tiêu biểu nhất trong lĩnh vực năng lượng và cơ sở hạ tầng, gây ra những lo lắng có cơ sở”, ông Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh.

Tiếp tục cụ thể hoá tác động của hình thức tổng thầu EPC, TS Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR, đồng tác giả báo cáo nghiên cứu nói trên cho biết, các khoản vay và dự án thực hiện dưới hình thức EPC của Trung Quốc trên thực tế có gây ra một số hệ quả về môi trường, xã hội, thị trường lao động, hiệu quả kinh tế…

Ông Phạm Sĩ Thành cho biết, tiến hành so sánh các nhà máy điện than trong cùng khu vực, công suất tương đương (như dự án nhà máy điện than Na Dương do nhà đầu tư Nhật Bản thực hiện với dự án Cẩm Phả do Trung Quốc thực hiện theo hình thức EPC…) cho thấy kể từ khi vận hành vào năm 2011, nhà máy Cẩm Phả đã xảy ra nhiều sự cố với hậu quả kinh tế nghiêm trọng…

Trường hợp các nhà máy điện Vĩnh Tân 1, Vĩnh Tân 2 cũng đã được “mổ xẻ” tỉ mỉ. Theo đó, Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 vi phạm nhiều quy định về bảo vệ môi trường như không thực hiện biện pháp che phủ bụi than đúng tiêu chuẩn, gây ô nhiễm môi trường; quá trình vận chuyển chất thải không đúng quy trình; vận hành hệ thống xử lý nước thải sai quy định, thiếu các ghi chép về quy trình bảo vệ môi trường và xử lý chất thải nguy hại. Nhà máy này xây dựng gần khu dân cư, khí thải từ ống khói nhà máy trực tiếp tác động tới người dân. Tổng thầu chậm trễ trong việc thanh toán tiền phạt và tiếp tục không đạt các yêu cầu trong các đợt thanh tra về môi trường sau đó. Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 cũng xảy ra hàng loạt sai phạm về môi trường (xả thải trước khi được cấp phép; khai thác và sử dụng nước biển, xả nước làm mát ra biển khi chưa có sự cho phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường; không thường xuyên giám sát hoạt động tái sử dụng nước thải để làm ẩm tro xỉ… Nhà máy vận hành và phát sinh tro xỉ từ tháng 4-2018 nhưng đến 12-2018 chủ đầu tư mới hoàn thành và phê duyệt đề án xử lý tro xỉ. Đặc biệt là việc xây dựng “chui” 11 hạng mục công trình tại khu dịch vụ cho chuyên gia và người lao động của nhà máy…

Từ đó, thời gian tới, các chuyên gia VEPR đặc biệt khuyến nghị việc tăng cường công tác quản lý đối với các hoạt động đầu tư và hoạt động khác liên quan (môi trường, lao động di cư, bảo vệ môi trường, khai thác các nguồn tài nguyên một cách bền vững…).

Tin cùng chuyên mục