Tăng cường quản lý để bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Ngày 10-1, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, Ủy ban đã đưa ra hàng loạt các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả hơn quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với 19 tập đoàn, tổng công ty được giao quản lý. 
Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tăng cường công tác quản lý
Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái yêu cầu Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tăng cường công tác quản lý

Mục tiêu năm 2022 đặt ra là tổng giá trị vốn nhà nước của các doanh nghiệp sẽ được bảo toàn, phát triển; các tập đoàn, tổng công ty lớn sẽ tiếp tục thể hiện rõ vai trò chủ lực trong nền kinh tế.

Trong  đó, một giải pháp quan trọng được đưa ra là, Ủy ban sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các tập đoàn, tổng công ty, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính và đầu tư. Để làm được việc này, Ủy ban sẽ áp dụng các cơ chế và công cụ quản lý hiện đại trong việc giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư và tình hình tài chính của các doanh nghiệp nhằm đưa ra những quyết định quản lý và cảnh báo rủi ro sát thực và kịp thời, phù hợp.

Đối với các tập đoàn, tổng công ty, Ủy ban sẽ chỉ đạo các đơn vị khẩn trương đổi mới, hiện đại hóa quản trị doanh nghiệp theo cơ chế kinh tế thị trường và các nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế. Các doanh nghiệp sẽ kiện toàn hệ thống kiểm soát nội bộ để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật; nâng cao tính minh bạch, công khai và trách nhiệm giải trình, đặc biệt là về tài chính, đầu tư, mua sắm, sử dụng vốn nhà nước.

Theo đại diện Ủy ban, hiện vẫn còn có một số quy định pháp luật còn bất cập hoặc chưa rõ ràng, đồng bộ, thống nhất nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung. Theo đó, Ủy ban đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, cơ quan theo thẩm quyền cơ chế triển khai và phân định trách nhiệm giữa cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước và bộ quản lý nhà nước chuyên ngành trong việc quản lý đầu tư dự án sử dụng vốn đầu tư công, giao dự toán bảo trì tài sản công tại một số doanh nghiệp đang được giao quản lý, khai thác các tài sản kết cấu hạ tầng quốc gia (đường sắt, đường cao tốc,…); cơ chế sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ chính trị - xã hội trong điều kiện bảo đảm nguyên tắc bảo toàn và phát triển vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp…

Tại Hội nghị tổng kết năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Ủy ban vừa diễn ra, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã yêu cầu đơn vị này khẩn trương hoàn thành Chiến lược tổng thể đầu tư phát triển của các tập đoàn, tổng công ty thuộc thẩm quyền. Phó Thủ tướng giao ủy ban tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với cấp có thẩm quyền việc hoàn thiện, phát triển mô hình tổ chức và cơ chế hoạt động của Ủy ban để thực hiện tốt hơn chức năng cơ quan chuyên trách, chuyên nghiệp thực hiện thống nhất chức năng đại diện chủ sở hữu vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp.

Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban cần thực hiện tốt nhiệm vụ cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo xử lý các dự án, doanh nghiệp thua lỗ, kém hiệu quả ngành công thương, đẩy mạnh giải quyết dứt điểm các khó khăn vướng mắc còn tồn đọng.

Trước đó, theo báo cáo của Ủy ban, tổng doanh thu của 19 tập đoàn, tổng công ty  trực thuộc đạt 99% kế hoạch với 821.295 tỷ đồng, bằng 108% so với năm 2020. Trong số các đơn vị hoàn thành và vượt kế hoạch về doanh thu, có một số tập đoàn, tổng công ty đã có nhiều nỗ lực, đạt lợi nhuận và nộp ngân sách vượt trội so với những năm trước. Điển hình là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam; Tập đoàn Bưu chính Viễn thông; Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước…

Về đầu tư phát triển, trong năm 2021, một số tập đoàn, tổng công ty có giá trị đầu tư thực hiện khá lớn. Trong đó, nổi bật là việc triển khai các dự án trọng điểm về năng lượng, như: Dự án nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng, Thủy điện Ialy mở rộng, Nhiệt điện Quảng Trạch I. Một số dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không cũng đang được triển khai như sân bay Long Thành, nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất, nhà ga hành khách T2 Cát Bi, mở rộng sân bay Điện Biên.

Năm 2022, các tâp đoàn, tổng công ty tiếp tục được yêu cầu chuẩn bị tốt công tác đầu tư và giải ngân kịp thời để đẩy nhanh tiến độ các dự án quan trọng, có tính kết nối, lan tỏa, tạo động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là các dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng, các dự án lớn, có ý nghĩa quan trọng nhiều mặt cả về kinh tế, chính trị và an ninh quốc phòng, an ninh năng lượng.

Tin cùng chuyên mục