Tăng cường lòng tin, thúc đẩy hợp tác

Chiều 19-11, hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 13 đã bế mạc tại Hà Nội. Qua hai ngày làm việc với 8 phiên thảo luận, đã có nhiều đề xuất được nêu tại hội thảo, hướng tới tương lai tươi sáng hơn tại Biển Đông.

UNCLOS là cơ sở pháp lý toàn diện và duy nhất

Các chuyên gia nhận định, trong bối cảnh quan hệ quốc tế có những bất ổn khó lường do hậu quả của đại dịch Covid-19 và cạnh tranh nước lớn, thời gian qua tình hình tại Biển Đông và khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp và thu hút sự quan tâm của dư luận với sự gia tăng của hành vi đơn phương trên biển, xu hướng quân sự hóa, sử dụng các lực lượng bán quân sự, xu hướng tập hợp lực lượng trong khu vực (QUAD, AUKUS) và sự chuyển hướng chiến lược của các nước và tổ chức quốc tế về khu vực…

Trong bối cảnh đó, nhiều đại biểu cho rằng ASEAN phải tiếp tục định hướng chính sách rõ ràng để tăng cường lòng tin trong nội khối, cũng như khẳng định vai trò trung tâm trong xử lý quan hệ với các nước lớn, quản lý khủng hoảng và thúc đẩy hợp tác trong khu vực.  

Tăng cường lòng tin, thúc đẩy hợp tác ảnh 1 Đại sứ, đại diện đại sứ quán các nước, các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: TTXVN

Các học giả tham dự hội thảo đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng trật tự trên Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế. Nhiều học giả cho rằng cuộc tranh luận công hàm giữa các quốc gia về Biển Đông cho thấy đa số các nước ủng hộ việc sử dụng UNCLOS là cơ sở pháp lý toàn diện và duy nhất để xác định các yêu sách biển và thực thi quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia. 

Từ góc độ lịch sử, các chuyên gia từ Trung Quốc, Anh, Pháp và Việt Nam đã có thảo luận thẳng thắn và thực chất về các sự kiện và bằng chứng lịch sử liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông và ý nghĩa của các dữ kiện lịch sử này với chủ quyền đối với Trường Sa và Hoàng Sa.

Đặc biệt, năm 2021 là tròn 70 năm ký kết Hiệp ước Hòa bình San Francisco năm 1951, các học giả đã chia sẻ những nghiên cứu khẳng định hiệp ước không làm thay đổi hay tác động tiêu cực đến chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa và Trường Sa. 

Sử dụng công nghệ vào mục đích hòa bình

Đánh giá về tác động của đại dịch Covid-19 đối với vận tải hàng hải nói chung và vận tải hàng hải qua Biển Đông nói riêng, các học giả nhấn mạnh đến nhiều yếu tố gây ra đứt gãy chuỗi cung ứng, chi phí tăng cao, thiếu hụt lao động và các quy định về nhập cảnh, dịch tễ.

Trong thời gian tới, chuỗi cung ứng ở khu vực và trên thế giới vẫn có nguy cơ tắc nghẽn nghiêm trọng và tình trạng này có thể kéo dài đến năm 2023 do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, căng thẳng gia tăng tại eo biển Đài Loan và Biển Đông, giá dầu tăng cao và cơ sở hạ tầng và logistic giữa các quốc gia còn yếu và thiếu đồng bộ.

Các đại biểu cũng thảo luận về những giải pháp để đảm bảo khả năng phục hồi tuyến đường biển trong thời gian tới như tăng độ phủ vaccine, thay đổi chính sách đối phó với đại dịch, thống nhất các quy định phòng chống dịch giữa các tổ chức quốc tế, giữa các quốc gia; đơn giản hóa thủ tục; đẩy mạnh chuyển đổi số; tăng cường đối thoại chiến lược giữa các nước để giảm căng thẳng; đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải và sự thông suốt trên biển.  

Ngoài ra, xu hướng ngày càng phổ biến và phát triển của công nghệ giám sát (như hệ thống nhận dạng tự động - AIS, thiết bị giám sát hành trình - VMS và viễn thám) cũng được đề cập tại hội thảo. Việc áp dụng các công nghệ này giúp các nước có thể phát hiện và xử lý các hành vi đánh bắt cá IUU, bảo vệ môi trường biển và quản lý thủy sản; đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải; giúp phát hiện cảnh báo các nguy cơ có thể diễn ra trên biển.

Các học giả đồng thời nhấn mạnh việc sử dụng công nghệ vào mục đích hòa bình; nâng cao tính minh bạch thông qua hệ thống thông tin đầy đủ, toàn diện, được đối chiếu và kiểm chứng từ nhiều nguồn khác nhau.

Tin cùng chuyên mục