Tăng cường kiểm tra đột xuất việc pha chế rượu bằng hoá chất cấm ​

Bộ Công Thương cho biết đề xuất sẽ kiểm tra đột xuất đối với các đối tượng có dấu hiệu sử dụng hóa chất, cồn công nghiệp và methanol trong bảo quản, chế biến thực phẩm, đặc biệt là pha chế rượu bằng cồn công nghiệp.  
Tang vật của một vụ làm rượu giả bằng hoá chất không an toàn
Tang vật của một vụ làm rượu giả bằng hoá chất không an toàn
Trước phản ánh của cử tri Hà Nội về tình trạng vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rượu, Bộ Công Thương vừa có văn bản trả lời gửi đến các vị ĐBQH.
Năm 2017, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý trên 1.000 vụ vi phạm; xử phạt trên 2 tỷ đồng, trị giá vi phạm trên 1,8 tỷ đồng, tạm giữ trên 57.000 lít,  gần 3.000 chai rượu và 2.000 vỏ chai rượu các loại…
Theo đó, bộ này công nhận, dù đã có những chuyển biến nhất định thời gian qua, song tình trạng vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rượu vẫn còn diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Qua tăng cường kiểm tra, kiểm soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu nấu thủ công, đặc biệt là ở những địa bàn trọng điểm như: Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Phú Thọ, Hưng Yên, Hải Dương, Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ và TPHCM…, năm 2017, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý trên 1.000 vụ vi phạm; xử phạt trên 2 tỷ đồng, trị giá vi phạm trên 1,8 tỷ đồng, tạm giữ trên 57.000 lít,  gần 3.000 chai rượu và 2.000 vỏ chai rượu các loại…

Bộ Công Thương cũng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 105/2017/NĐ-CP ngày 14-9-2017 về kinh doanh rượu, trong đó đưa nội dung quản lý đối với rượu dân tự nấu để giảm thiểu nguy cơ ngộ độc rượu, đồng thời quy định cụ thể các điều kiện đối với thương nhân phân phối, bán buôn, bán lẻ; đặc biệt là đối với hoạt động bán rượu tiêu dùng tại chỗ. Đến nay, Nghị định đã và đang được triển khai rộng khắp từ Trung ương đến địa phương theo đúng quy định.

Trong số những giải pháp được tập trung thực hiện thời gian tới, Bộ Công Thương cho biết sẽ chỉ đạo, đôn đốc lực lượng Quản lý thị trường thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 02/CT-BCT về việc tăng cường quản lý an toàn thực phẩm đối với sản xuất, kinh doanh rượu; Chỉ thị số 03/CT-BCT về việc tăng cường quản lý hóa chất độc hại bị lạm dụng trong bảo quản, chế biến thực phẩm; chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý địa bàn; tăng cường trinh sát.

Ngoài ra, bộ còn đề xuất sẽ kiểm tra đột xuất đối với các đối tượng có dấu hiệu sử dụng hóa chất, cồn công nghiệp và methanol trong bảo quản, chế biến thực phẩm, đặc biệt là pha chế rượu bằng cồn công nghiệp và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm bảo vệ sức khỏe, an toàn tính mạng người tiêu dùng.

Bên cạnh đó tăng cường công tác tuyên truyền hướng dẫn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh nâng cao trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh hóa chất và nhận thức của cộng đồng về tác hại của việc lạm dụng hóa chất, cồn công nghiệp và methanol, các chất phụ gia, chất hỗ trợ chế biến trong bảo quản, chế biến thực phẩm không được phép sử dụng. 

Tin cùng chuyên mục