Tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp nội và ngoại

Ngày 1-12, Sở Công thương TPHCM phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức khai mạc Triển lãm Sản phẩm Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VSIF) năm 2022 và Triển lãm quốc tế Sản phẩm ngũ kim và Dụng cụ cầm tay (VHHE) năm 2022.
Các doanh nghiệp tìm kiếm đối tác tại triển lãm. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Các doanh nghiệp tìm kiếm đối tác tại triển lãm. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Xúc tiến giao thương

Đây là cơ hội để hơn 200 doanh nghiệp trong và ngoài nước tăng cường xúc tiến giao thương và tìm kiếm cơ hội để gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu. Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết, VSIF và VHHE với quy mô chung khoảng 255 gian hàng của 208 doanh nghiệp trong nước và ngoài nước cùng nhiều thương hiệu uy tín đến từ 12 quốc gia. Chuỗi triển lãm góp phần nâng cao sức cạnh tranh, mở ra những cơ hội mới cho doanh nghiệp trong và ngoài nước thúc đẩy liên kết hoạt động sản xuất công nghiệp.

Triển lãm có sự tham gia đa dạng của doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực sản xuất như dụng cụ, máy công cụ, thiết bị gia cố, sản phẩm ngũ kim. Đây là nhóm ngành hàng có tính ứng dụng rộng rãi trong nhiều ngành công nghiệp từ chế tạo, sản xuất, sửa chữa, lắp ráp, xây dựng cho đến tiêu dùng của nhiều thương hiệu nổi bật như Spear & Jackson, Onishi, Snap-on, Milwaukee, EGA Master, Knipex, Minh Hòa, Naniwa, Elora, Stabila...

Đại diện đoàn doanh nghiệp Hồng Công (Trung Quốc) cho biết, đã đưa đến triển lãm hơn 100 trang thiết bị điện tử gia dụng như bàn ủi, máy pha cà phê, bếp điện, máy xay sinh tố… Theo nhiều doanh nghiệp, Việt Nam đang trở thành thị trường hấp dẫn nhất Đông Nam Á không chỉ vì quy mô dân số đạt trên 100 triệu người, mà còn đang vươn lên là nước dẫn đầu khu vực về kim ngạch xuất khẩu. Đoàn doanh nghiệp Nhật Bản lại kỳ vọng sẽ kết nối để gia tăng đầu tư trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, chế biến lương thực thực phẩm, chế tạo và sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

Với doanh nghiệp Việt Nam, triển lãm góp phần tạo sức hấp dẫn của thị trường trong nước để thu hút đầu tư, chuyển giao công nghệ, hợp tác xây dựng chuỗi liên kết cung ứng toàn cầu thông qua sự tham gia của các thương hiệu quốc tế. Ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM, cho rằng, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh 9.000-11.000 tấn/ngày tại TPHCM sẽ là dư địa để các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư hoặc liên kết đầu tư xử lý, nhất là trong bối cảnh TPHCM đang hướng đến phát triển kinh tế xanh, trong đó phải chuyển đổi công nghệ xử lý rác thải từ chôn lấp sang đốt phát điện sạch.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Phương Đông, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS), cho rằng, triển lãm trên là cơ hội để hệ thống đơn vị của công ty tăng thêm lượng khách hàng. Trước đó, CNS đã đầu tư 340 tỷ đồng để đổi mới dây chuyền sản xuất của đơn vị thành viên là Công ty Cơ khí chính xác CNS Amura. Hiện công ty đã trở thành nhà cung ứng cấp 1 cho Tập đoàn Samsung và triển lãm này là cơ hội để công ty có thể đa dạng đơn hàng, khách hàng, hướng đến đạt mục tiêu nâng doanh thu đạt được khoảng 220 tỷ đồng vào năm 2023, tăng 10% so với năm 2022.

Giảm thời gian làm thủ tục

Trong những năm qua, TPHCM luôn quan tâm, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và đầu tư nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm, mở rộng thị trường. Ông Đào Minh Chánh, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM, cho biết cụ thể, thành phố có 17 khu công nghiệp, 2 khu chế xuất đi vào hoạt động với tổng quy mô diện tích khoảng 4.000ha. Thành phố có 1 khu công nghệ cao khoảng 913ha, thu hút nguồn vốn FDI khoảng 5,4 tỷ USD với nhiều doanh nghiệp uy tín toàn cầu như Intel, Samsung, Nidec.

Thành phố hiện có 11.219 dự án FDI còn hiệu lực, chiếm khoảng 1/3 tổng dự án FDI cả nước, với tổng vốn đầu tư là 79,25 tỷ USD. Trong thời gian tới, TPHCM chủ trương thu hút đầu tư theo hướng chọn lọc, bền vững. Trong đó, ưu tiên đầu tư từ các tập đoàn công nghệ đứng đầu các chuỗi sản xuất, các đối tác đầu tư có sử dụng công nghệ cao, có tài chính mạnh, công nghệ mới với hàm lượng chất xám cao, thân thiện môi trường. Đặc biệt là các tập đoàn có thế mạnh trong lĩnh vực nghiên cứu, đổi mới sáng tạo có khả năng tham gia hỗ trợ các nhà sản xuất lớn trong chuỗi cung ứng trong nước. Những lĩnh vực được khuyến khích đầu tư, tập trung vào các ngành như thương mại điện tử, logistic, hàng tiêu dùng, năng lượng sạch, công nghiệp điện tử, công nghiệp Internet Vạn vật (IoT) và thúc đẩy các ngành công nghiệp hỗ trợ và các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao…

Để có thể tăng sức hấp dẫn môi trường đầu tư, thành phố sẽ cắt giảm 30% thời gian giải quyết các thủ tục đăng ký đầu tư so với tổng thời gian theo luật định. Cấp mới dự án còn 10 ngày so với 15 ngày, điều chỉnh dự án còn 7 ngày so với 10 ngày, thông báo góp vốn/mua cổ phần/phần vốn góp còn 10 ngày so với 15 ngày, nộp trực tuyến được giảm còn 8 ngày. Định kỳ hàng năm, thành phố tổ chức diễn đàn trao đổi với doanh nghiệp để lắng nghe ý kiến, từ đó có giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp kịp thời, tích cực áp dụng công nghệ thông tin vào việc giải đáp các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp.

Trong thời gian tới, TPHCM còn áp dụng đồng bộ 4 giải pháp ưu đãi cho doanh nghiệp. Cụ thể, thực hiện ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp; miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu; miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất và cuối cùng là ưu đãi khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế.

Tin cùng chuyên mục