Tăng cường giám sát thực thi cơ chế đặc thù

Trong báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, một trong những đề nghị đáng chú ý mà Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đưa ra, đó là Quốc hội cùng với Chính phủ xem xét tháo gỡ những vướng mắc về pháp luật bằng các hình thức phù hợp, như ban hành một luật sửa nhiều luật, hoặc ban hành các nghị quyết cho thí điểm đối với những vấn đề chưa được quy định, góp phần giải phóng nguồn lực trong bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra đối với nền kinh tế và người dân.

Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, trong điều kiện không bình thường mà chúng ta vẫn áp dụng cơ chế, chính sách như bình thường thì sẽ không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Đơn cử như, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết đồng ý mua sắm thiết bị y tế phòng chống dịch Covid-19 là trường hợp cấp bách được chỉ định thầu. Kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong việc mua sắm công, nhất là vaccine, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Vấn đề đặt ra là khi thực hiện thí điểm đối với những vấn đề chưa được quy định, quan trọng nhất là phải tăng cường sự giám sát để hạn chế tiêu cực, sai phạm. Chỉ khi tăng cường sự giám sát, mới có thể tránh được những vụ án tương tự vụ “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội vào năm 2020, khi với động cơ vụ lợi, các bị cáo đã nâng mức giá mua sắm trước khi chỉ định thầu gói thầu mua sắm thiết bị xét nghiệm phòng chống dịch.

Trong số các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021 mà Chính phủ báo cáo Quốc hội cũng nêu rõ nội dung đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức bộ máy nhà nước; tăng cường phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Chính phủ sẽ sớm ban hành các nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan để triển khai Đề án cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 sau khi được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân gắn với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực chặt chẽ, hiệu quả. Tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh hơn nữa việc tổ chức thực hiện có hiệu quả phòng chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Xử lý nghiêm các vụ án kinh tế, tham nhũng và tăng cường thu hồi tài sản…

Những giải pháp này được thực thi nghiêm túc sẽ bảo đảm được mục tiêu xây dựng một nền hành chính hiện đại, liêm chính, minh bạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu của người dân.

Thời gian qua, cử tri và nhân dân luôn đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, tập trung của Đảng và Nhà nước; hành động kiên quyết, với quyết tâm chính trị cao của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiếp tục theo dõi, đôn đốc giải quyết rốt ráo các vụ án, vụ việc tiêu cực, tham nhũng. Công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng thật sự không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không ngừng, nghỉ, rõ đến đâu xử lý nghiêm minh đến đó.

Thời điểm này, trong khi Đảng, Chính phủ và nhân dân đang tập trung tối đa sức người, sức của để phòng chống dịch thì càng phải bảo đảm sự vận hành của bộ máy thực sự thông suốt, không để tiêu cực, sai phạm, tham nhũng nhằm giữ vững niềm tin của nhân dân. Muốn thế, cần có thêm hành lang pháp lý, tăng cường hơn nữa sự giám sát của nhân dân, nhất là giám sát việc thực hiện các cơ chế đặc thù, chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án, công trình trọng điểm.

Tin cùng chuyên mục