Tăng cường giải pháp kiểm soát ngập cho đô thị

Những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Việc hình thành nhiều khu đô thị mới, khu công nghiệp tập trung đã kéo theo tình trạng gia tăng dân số. Tuy nhiên, sự đầu tư các công trình hạ tầng thoát nước chưa theo kịp tốc độ phát triển, cộng với diễn biến thời tiết phức tạp, đặt ra nhiều thách thức cho công tác thoát nước ở các đô thị. 

Theo Hội Cấp thoát nước Việt Nam, tính đến tháng 6-2019, Việt Nam có 833 đô thị đạt tỷ lệ đô thị hóa 38%, dự báo đến năm 2025 sẽ là 50%. Trong 20 năm qua, Nhà nước đầu tư 2,1 tỷ USD xây dựng hệ thống thoát nước. Tỷ lệ bao phủ của hệ thống thoát nước đạt 63,9%. Hệ thống thoát nước chủ yếu là cống chung, tỷ lệ cống trên đầu người còn thấp so với các đô thị trên thế giới (trung bình dưới 0,5m/người, trong khi thế giới là 2m/người). 

Các chuyên gia cho rằng, để kiểm soát ngập đô thị được hiệu quả, chúng ta cần có giải pháp quản lý, quy hoạch, kỹ thuật công trình và phi công trình, sự tham gia của cộng đồng và thay đổi hành vi… Hài hòa giữa quy hoạch xây dựng và quy hoạch kiểm soát ngập, đảm bảo thống nhất các thông số thiết kế quy hoạch, như có cao độ san nền phù hợp hướng thoát nước.

Với các đô thị mới, cần tạo không gian mặt nước, công viên cây xanh với tỷ lệ trên 5% diện tích đô thị; với đô thị cũ không đảm bảo tỷ lệ đó thì cần tăng cường không gian ngầm tạm trữ nước mưa, giảm tỷ lệ mặt cứng. 

Tăng cường giải pháp kiểm soát ngập cho đô thị ảnh 1 Phay ngăn triều chống ngập lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè

Chia sẻ về lĩnh vực này, PGS-TS Nguyễn Việt Anh, Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật môi trường (IESE), cũng cho biết các đô thị cần lập quy hoạch thoát nước, áp dụng giải pháp thoát nước mưa bề mặt bền vững (SUSD) để giảm ngập và góp phần xây dựng đô thị sinh thái, bảo vệ vòng tuần hoàn nước tự nhiên.

Đây là giải pháp giữ nước tại chỗ, làm chậm dòng chảy tại nguồn, giảm yêu cầu thoát nước ở hạ lưu của đô thị, góp phần để công suất mạng lưới thoát nước hiện có có thể đáp ứng sự biến đổi tăng lượng mưa do biến đổi khí hậu. Các công trình chứa/thấm đảm bảo chứa/thấm được 20% lượng mưa của mỗi trận mưa.

PGS-TS Nguyễn Việt Anh cũng kiến nghị rằng, mô hình đối tác công - tư PPP được xem là nguồn lực quan trọng để khuyến khích khối tư nhân tham gia đầu tư và khai thác hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị. Để làm được điều này, cần lưu ý đến chi phí, lợi nhuận và ban hành, thực thi các chính sách phù hợp.

Hiện nay, quy hoạch thoát nước đô thị mới chỉ được thực hiện 21 đồ án; quy định về quản lý thoát nước đô thị mới ban hành tại 43/63 tỉnh, thành phố. Nhiều đô thị chịu ngập do mưa bão, triều cường… với diện tích ảnh hưởng tăng trong những năm gần đây.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do chưa có sự thống nhất giữa quy hoạch thủy lợi, nông nghiệp với quy hoạch xây dựng, thoát nước đô thị. Quy hoạch đô thị mới nhiều khi chưa đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn về tỷ lệ diện tích mặt nước, cây xanh, hoặc chưa tuân thủ quy hoạch cao độ san nền. Việc cứng hóa bề mặt đô thị làm giảm khả năng thấm, làm lưu lượng đỉnh dòng chảy tăng cao và năng lượng triều vào sâu nội địa tăng lên.

Ngoài ra, tình trạng sụt lún nền xảy ra trong đô thị do khai thác nước ngầm, lượng nước bề mặt bổ cập giảm do bê tông hóa (TPHCM có tốc độ lún là 10mm/năm). Mặt khác, ý thức của người dân chưa cao, còn xả rác thải vào hệ thống thoát nước, hay lấn chiếm mặt nước, công trình thoát nước (kênh, rạch, hồ...), khiến tình trạng ngập đô thị ngày càng nghiêm trọng.

Tin cùng chuyên mục