Tăng cường định vị thương hiệu thực phẩm Việt

Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu gạo, hạt điều, cà phê lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, phần lớn nông sản thực phẩm Việt là xuất khẩu thô hoặc xuất khẩu dưới thương hiệu của doanh nghiệp nước ngoài nên giá trị gia tăng không cao. Do vậy, nâng cao chuỗi giá trị nông sản, thực phẩm Việt Nam, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong thời gian tới là rất cấp thiết.
Tăng cường định vị thương hiệu thực phẩm Việt
Khó vượt rào cản 

Phân tích về chất lượng nông sản thực phẩm Việt Nam, ông Nguyễn Song Hà, Trợ lý Trưởng đại diện Tổ chức Nông lương thế giới (FAO), tính trong 10 tháng năm 2017, kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam đạt 29,76 tỷ USD, tăng 12,7% so với 2016. Trong đó, mặt hàng rau, quả tăng trưởng ngoạn mục trên 40%. Điều này cho thấy nhu cầu của thị trường thế giới với nông sản thực phẩm của Việt Nam rất cao. Tuy nhiên, cùng với nhu cầu cao thì những yêu cầu liên quan đến an toàn thực phẩm đối với hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam cũng không ít. Trên thực tế, nhiều lô hàng thực phẩm của Việt Nam bị các thị trường Úc, châu Âu, Mỹ… trả về do không đạt tiêu chuẩn ATVSTP, thiếu hồ sơ, chứa hóa chất bảo vệ thực vật, nhiễm khuẩn... 

Nguyên nhân của vấn đề này được các chuyên gia chỉ ra là do hoạt động quản lý lĩnh vực ATVSTP của nước ta còn rất yếu. Tình trạng sản xuất thực phẩm nhiễm bẩn, hàng gian, hàng giả còn khá phổ biến. Đặc biệt, có đến hơn 98% nông hộ nước ta nuôi trồng ở quy mô nhỏ lẻ nên rất khó đáp ứng được các điều kiện canh tác an toàn, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng… Ông Bertrand Ambroise, Giám đốc quan hệ quốc tế Tập đoàn Semmaris, nhận định thêm việc sử dụng liều lượng cao thuốc kháng sinh, thuốc trừ sâu và phân bón hóa học, đảm bảo thực hiện truy xuất nguồn gốc thực phẩm và tránh lây nhiễm chéo vi khuẩn, nấm giữa các loại cây trồng đang là thách thức lớn của ngành nông sản vốn sản xuất nhỏ lẻ tại Việt Nam. Mặt khác, các yếu tố minh bạch trong hoạt động sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam chưa cao. Phổ biến nhất là tình trạng giá cả không được kiểm soát, thất thoát về thuế với tỷ trọng đáng kể, thực phẩm không đăng ký nhập qua đường bộ. Nhiều doanh nghiệp thiếu hóa đơn dẫn đến việc mua bán của các pháp nhân gặp khó khăn…

Thống kê của FAO cho thấy, hiện trung bình mỗi năm có khoảng 125.000 ca bệnh, 50.000 người chết do tiếp xúc và sử dụng sản phẩm thiếu an toàn vệ sinh. Do vậy, việc xây dựng các rào cản kỹ thuật nhằm thắt chặt tiêu chuẩn ATVSTP trong thời gian tới sẽ được các thị trường nhập khẩu đặc biệt quan tâm. 

Giảm khó cho doanh nghiệp

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương, cho biết các mặt hàng nông sản Việt Nam đã được xuất khẩu sang hơn 100 nước trên thế giới với chất lượng nguyên liệu đáp ứng được các yêu cầu của nhiều quốc gia. Đơn cử như cà phê Việt Nam đã tham gia chuỗi cà phê hàng đầu thế giới là starbuck. Hiện starbuck đang sử dụng cà phê arabica của TP Đà Lạt, Việt Nam, tại hơn 21.500 cửa hàng thuộc 56 quốc gia. Trên toàn thế giới cũng chỉ có 3% lượng cà phê đáp ứng được tiêu chuẩn cà phê của starbuck. Điều này một lần nữa chứng tỏ nguồn nguyên liệu thực phẩm có thể đáp ứng được yêu cầu chất lượng của các hãng thực phẩm và đồ uống uy tín trên thế giới. 

Tuy nhiên, để mở rộng thị phần tiêu thụ thực phẩm, nông sản Việt Nam tại thị trường trong và ngoài nước, cần thiết phải cải thiện chất lượng nông sản, từng bước nâng cao chuỗi giá trị nông sản, thực phẩm Việt. Ông Nguyễn Song Hà nhấn mạnh, trước hết cần phải quản lý chất lượng hàng nông sản ngay từ gốc là hộ gia đình. Các nông hộ phải đầu tư thực hành sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP hoặc GlobalGAP, bởi đây là cơ sở rất quan trọng để mở rộng thị trường của doanh nghiệp Việt Nam, đảm bảo an toàn và chất lượng sản phẩm trong chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Một yếu tố quan trọng khác là cần nâng giá trị gia tăng cho thực phẩm, nông sản Việt Nam. Bà Mai Oanh, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, cho biết hàng nông sản Việt Nam vẫn chủ yếu là xuất thô nên giá trị không cao. Đơn cử, hồ tiêu Việt Nam giữ kim ngạch xuất khẩu hàng đầu thế giới suốt 15 năm. Thế nhưng, giá trị xuất khẩu đang giảm. Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu tiêu đạt  179.000 tấn tiêu, đạt 1,44 tỷ USD. Năm 2017, dự ước xuất khẩu 200.000 tấn nhưng giá trị đạt được chưa tới 1 tỷ USD. Trong khi đó, nếu có thể chuyển xuất khẩu hạt tiêu thô qua chế biến dầu nhựa tiêu thì có thể tăng giá trị xuất khẩu lên gấp hàng chục, thậm chí hàng trăm lần giá trị xuất khẩu thô. Ngoài ra, ông Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Nghiên cứu và phát triển sản phẩm, Tập đoàn Pan, cho biết thêm cùng với gia tăng hoạt động chế biến nông sản để tăng giá trị xuất khẩu thì việc đầu tư phát triển thương hiệu Việt cũng sẽ giúp gia tăng vị thế hàng nông sản, thực phẩm Việt Nam trên thị trường thế giới. Đồng thời, tăng cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước bởi sẽ cắt bỏ khâu trung gian xuất nhập khẩu. 

Liên quan đến vấn đề này, về phía Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, hiện 2 bộ này đang tăng cường hợp tác với các đối tác, doanh nghiệp, tổ chức tín dụng trong và ngoài nước để hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển giao công nghệ mới và đẩy mạnh nghiên cứu phát triển sản phẩm mới; đẩy nhanh khảo sát và quy hoạch vùng nguyên liệu sạch; xuất khẩu sản phẩm nông sản có thương hiệu, tăng nhận diện của người tiêu dùng và tận dụng lợi thế giá trị tăng thêm cho sản phẩm nông sản Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục