Tăng cường đầu tư tư nhân vào bảo vệ di sản

Tại chương trình Lắng nghe và Trao đổi tháng 12 (do Thường trực HĐND TPHCM và Đài Truyền hình TPHCM phối hợp thực hiện) với chủ đề bảo quản, phát huy di tích, di sản văn hóa ở TPHCM, nhiều chuyên gia đã cho rằng nên tăng cường đầu tư tư nhân vào công tác bảo vệ di sản.
Quang cảnh chương trình lắng nghe và trao đổi tháng 12-2019. Ảnh: hcmcpv
Quang cảnh chương trình lắng nghe và trao đổi tháng 12-2019. Ảnh: hcmcpv

Ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở VH-TT TPHCM, điểm lại, từ năm 2009 đến nay, TPHCM đã đầu tư trên 500 tỷ đồng cho hơn 30 di tích trên địa bàn, bên cạnh khoảng 400 tỷ đồng từ nguồn lực xã hội hóa cho nhiều công trình tín ngưỡng. Dẫu vậy, công tác quản lý di tích, di sản trên địa bàn TP vẫn còn đối mặt một số hạn chế, như lực lượng quản lý còn mỏng so với sự phát triển chung của xã hội; tình trạng xâm lấn di tích ở một số nơi vẫn diễn ra; bên cạnh việc làm giấy chứng nhận di tích hiện phải thông qua nhiều cấp ngành. Đặc biệt là mâu thuẫn giữa sự phát triển của một đô thị lớn và sự bảo tồn các giá trị truyền thống vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Theo ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở QH-KT TPHCM, sở sẽ có những chuyên đề sâu về văn hóa cho đồ án quy hoạch chung của TP sắp tới. Ông cho biết thêm, đồ án quy hoạch 1/2000 được lập gần 10 năm trước, thời điểm đó những nhận thức, nhận định còn chưa rõ ràng về công tác bảo tồn và phát huy di tích, di sản“.

Sắp tới, trong kỳ điều chỉnh của những đồ án này, chúng tôi sẽ xem xét đưa vào những nội dung làm sao phát huy được, bảo vệ được những công trình di tích văn hóa”, ông Nhã nói. Ngoài ra, trên từng khu vực có di tích, di sản, sở sẽ kiến nghị TP cho phép lập các thiết kế đô thị 1/500 để có cơ sở quản lý chặt chẽ hơn, tạo điều kiện cho phát huy di sản, di tích ở đây.

Tại chương trình, đồng chí Phạm Đức Hải, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM, cho rằng cần tập trung 5 giải pháp chính. Trước hết cần tăng cường công tác quản lý nhà nước để ngăn chặn ngay tình trạng xuống cấp, lấn chiếm, xâm phạm di tích, di sản. Tiếp đến nâng cao vai trò của cộng đồng để cùng nhau bảo quản và phát huy di tích, di sản, trước hết là ở khu dân cư, rộng hơn là ở phường, quận huyện và cả TP. Một trong những việc ưu tiên hàng đầu là đẩy nhanh việc lập hồ sơ khoa học cho các di tích, di sản, từ đó đề ra các giải pháp tổng thể để bảo quản và phát huy di tích, di sản, giúp người làm chủ di tích dễ dàng hơn trong công tác bảo quản, trùng tu và phát huy. Cùng đó, cần đầu tư ngân sách nhiều hơn và xã hội hóa mạnh hơn cho các di tích, di sản, bên cạnh việc tăng cường công tác hợp tác trong và ngoài nước để thực hiện những nhiệm vụ này.

Tin cùng chuyên mục