Tăng cường đảm bảo an toàn nguồn nước

TPHCM là một trong 10 thành phố trên thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi biến đổi khí hậu (BĐKH). Thực tế này ảnh hưởng đến sự phát triển của Việt Nam khi TPHCM chiếm 23% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và 20% tổng đầu tư nước ngoài trực tiếp. 
Sông Sài Gòn, nguồn cung cấp nước quan trọng của TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Sông Sài Gòn, nguồn cung cấp nước quan trọng của TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Nguồn nước sinh hoạt bị tác động mạnh

Nghiên cứu của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho thấy, đến năm 2050, các nguồn nước kênh bị ô nhiễm sẽ tràn vào diện tích đất nông nghiệp và các diện tích công cộng trống khi ngập cực đoan. Thực tế này sẽ tạo ra mối đe dọa đối với sản xuất nông nghiệp và sức khỏe cộng đồng. Các hệ sinh thái của TPHCM (như rừng ngập mặn Cần Giờ...) có chức năng ngăn sóng và nước biển dâng trong bão, tuy nhiên diện tích này đang bị áp lực nghiêm trọng từ những sự thay đổi trong sử dụng đất và xâm lấn. Trong khi đó, các hệ sinh thái tự nhiên ở thượng lưu khu vực Đồng Nai cũng đang bị tổn thương nghiêm trọng do tác động của con người, cụ thể: thay đổi sử dụng đất, phá rừng dẫn đến tăng lũ quét và xói mòn đất, sự phát triển đô thị dẫn đến sự tăng nhiệt độ thông qua hiệu ứng đảo nhiệt và tăng ngập. Ngập càng lấn sâu càng đe dọa nghiêm trọng các trạm cấp nước của thành phố. 

Không dừng lại đó, hiện nay nguồn nước của thành phố được khai thác từ hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai nhưng TPHCM lại nằm cuối lưu vực nên còn rất nhiều khó khăn đối với nguồn nước thô như: vấn đề ô nhiễm nguồn nước do tác động của sự phát triển kinh tế - xã hội dọc theo hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai; tác động của BĐKH đã ảnh hưởng lớn đến nguồn nước cung cấp cho thành phố; thiếu khả năng dự phòng để ứng phó với diễn biến bất ngờ của nguồn nước thô. Phân tích về những nguyên nhân đang làm suy thoái, ô nhiễm nguồn nước hiện nay, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Nông lâm TPHCM cho rằng, nguồn nước ngầm đang phải đối mặt với những vấn đề như nhiễm mặn, nhiễm thuốc trừ sâu... Việc khai thác quá mức, không có quy hoạch đã làm mực nước ngầm bị hạ thấp. Trong khi đó, phần lớn nguồn nước mặt, sông, kênh rạch cũng đang bị ô nhiễm. Tất cả những hệ quả này là do tác động chính của con người trong quá trình sinh hoạt và sản xuất. Lượng rác thải, nước thải chưa qua xử lý... thải ra sông, kênh rạch ngày càng nhiều. 

Tuyên truyền mạnh để nâng cao nhận thức người dân

Để bảo vệ, quản lý hiệu quả tài nguyên nước hiện nay, PGS-TS Nguyễn Hồng Quân, Viện Nghiên cứu Kinh tế phát triển tuần hoàn, cho rằng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương và có sự đồng bộ từ các giải pháp đầu tư hạ tầng đến quản lý. Cơ quan chức năng cần duy trì việc kiểm tra thường xuyên các cơ sở sản xuất có nguồn nước thải, xử phạt nghiêm với những trường hợp cố tình vi phạm quy định về xả thải vào nguồn nước; khai thác và sử dụng nước ngầm một cách bền vững thay thế nước mặt vào thời điểm và khu vực thích hợp. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân hưởng ứng các chương trình bảo vệ nguồn nước, không thải bừa bãi các chất thải sinh hoạt, chăn nuôi... ra kênh rạch, sông suối. Đặc biệt, đối với các khu đô thị mới, khu tái định cư cần quy định nơi bố trí, đầu tư hệ thống thu gom xử lý nước thải, rác thải hợp lý. 

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, cho biết thành phố đang phối hợp nghiên cứu khai thác nước thô từ hồ Dầu Tiếng và Trị An cho các nhà máy xử lý nước sạch của thành phố nhằm phục vụ trong điều kiện BĐKH. Đồng thời thực hiện về tăng cường công tác quản lý sử dụng hiệu quả viện trợ phi chính phủ nước ngoài của TPHCM; cụ thể ký kết thỏa thuận quan hệ đối tác giữa Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV và đoàn công tác VEI của Hà Lan về tiếp nhận dự án “Biến đổi khí hậu và cấp nước đồng bằng sông Cửu Long”, hỗ trợ năng lực kỹ thuật và xây dựng năng lực, triển khai một số dự án thích nghi với BĐKH. Triển khai lắp đặt thử nghiệm 5 loại đồng hồ nước thông minh, kéo giảm tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch của thành phố. 

Ngoài ra, Sở TN-MT cũng đã thực hiện các dự án quản lý nước như phát triển mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường nước nhằm tăng cường năng lực dự báo diễn biến chất lượng môi trường nước. Đã hoàn thành công tác điều tra hiện trạng khai thác nước dưới đất, xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, để quản lý môi trường lưu vực sông của vùng giáp ranh liên tỉnh, TPHCM đã chủ động trao đổi và ký kết quy chế phối hợp về quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường ở vùng giáp ranh địa giới hành chính giữa TPHCM với các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Bình Phước và Lâm Đồng. Trên cơ sở quy chế được ký kết, Sở TN-MT TPHCM thực hiện kế hoạch cụ thể với từng địa phương, tạo thành mạng lưới chia sẻ thông tin, cũng như phối hợp xử lý các cơ sở xả thải vượt quy chuẩn tại khu vực giáp ranh. 

Tin cùng chuyên mục