Tăng cường chế biến, giảm áp lực xuất khẩu rau củ quả tươi

Ngày 13-1, cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) và cửa khẩu Kim Thành (Lào Cai) đã chính thức thông quan sản phẩm thanh long. Đây là tin vui với các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây Việt Nam. Cũng trong ngày 13-1, tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT tiếp tục tổ chức diễn đàn thúc đẩy liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ rau củ quả.

 Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), tổng sản lượng rau của Việt Nam khoảng 10 triệu tấn/năm. Trong đó, sản lượng rau tháng 1 chiếm hơn 60% tổng sản lượng của quý 1. Theo tính toán, nếu mỗi người dân tiêu thụ khoảng 10kg rau/tháng, sản lượng rau thừa trong quý 1-2022 khoảng 2,5 triệu tấn.

Về cây ăn quả, thanh long cho sản lượng cao nhất (1,4 triệu tấn/năm); tiếp đến là chuối (hơn 1 triệu tấn), xoài (hơn 800.000 tấn), sầu riêng (hơn 600.000 tấn). Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết, để tránh rơi vào tình trạng “chữa cháy” như thời gian qua, trước mùa thu hoạch trái cây, cơ quan quản lý nhà nước phải phối hợp chặt chẽ với địa phương, doanh nghiệp, HTX, người dân lên kế hoạch trước ít nhất 3 tháng.

Ngày 10-1-2021, qua khảo sát, giá thanh long thu mua tại vườn ở tỉnh Bình Thuận chỉ còn từ 500 - 1.000 đồng/kg
Với lượng rau củ quả thu hoạch lớn như hiện nay, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đề nghị, doanh nghiệp không quá tập trung xuất khẩu sản phẩm rau củ quả tươi mà cần đầu tư chế biến để mở rộng các kênh tiêu thụ. Trong năm 2021, Bộ NN-PTNT đã thí điểm xây dựng các vùng nguyên liệu trái cây, cà phê, gỗ, thủy sản… gắn với chế biến tại 11 tỉnh, thành phố, làm căn cứ nhân rộng ra cả nước theo hướng xây dựng vùng nguyên liệu lớn. Để làm được điều này, cần xây dựng mối liên kết giữa doanh nghiệp, HTX, người sản xuất lâu dài, bền chặt, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. 

Tin cùng chuyên mục