Tăng cường bảo vệ quyền tác giả

Năm 2019, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã thu được 133,574 tỷ đồng tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc ở các lĩnh vực. Đến thời điểm này, VCPMC đã ký thỏa thuận ủy quyền song phương, hợp tác với 76 tổ chức quản lý tập thể quyền (CMOs) và nhà xuất bản, với phạm vi áp dụng tại 116 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đảm bảo thực hiện theo pháp luật Việt Nam và Công ước Berne, tuân thủ các nguyên tắc, tiêu chí của CISAC (Liên minh quốc tế các Hiệp hội tác giả và nhà soạn nhạc)…
Các chương trình nghệ thuật nghiêm túc luôn tuân thủ tốt quy định pháp luật về Luật SHTT
Các chương trình nghệ thuật nghiêm túc luôn tuân thủ tốt quy định pháp luật về Luật SHTT

Kiên quyết chống xâm phạm quyền tác giả

Tổng kết một năm hoạt động, VCPMC thông tin đã thu được số tiền hơn 133 tỷ đồng ở nhiều lĩnh vực. Năm 2019, VCPMC cũng nhận được sự tin tưởng và ký thác ủy quyền của 270 tác giả, nâng tổng số thành viên ký hợp đồng ủy quyền lên 4.259 tác giả, chủ sở hữu tác phẩm (tác giả đã qua đời, người được thừa kế thụ hưởng), trong đó phía Nam có 2.794 tác giả. Riêng số tác giả quốc tế ký song phương với VCPMC hiện có khoảng 4 triệu tác giả.

Trung tâm cũng tích cực hỗ trợ tác giả thành viên rà soát, phát hiện các trường hợp xâm phạm quyền tác giả. Đặc biệt là thắng lợi trong vụ kiện tụng với Công ty CP Sky Music kéo dài 2 năm qua. Công ty này đã sử dụng trên 2.000 bản ghi âm nhạc của các thành viên VCPMC trong hoạt động kinh doanh, không thực hiện nghĩa vụ thù lao cho tác giả theo đúng quy định pháp luật về kinh doanh sản phẩm trí tuệ, cố ý thu lợi bất chính, gây thiệt hại cho các nhân, tổ chức có quyền lợi liên quan, vi phạm quyền tác giả được quy định tại các điều khoản của Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT).

Tổng giám đốc VCPMC, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, cho biết: “VCPMC đã từng bước làm việc với đơn vị Sky Music, qua nhiều cách thức, từng giai đoạn, chứng cứ và sự kiên quyết bảo vệ quyền tác giả tối đa. Đến nay, công ty này đã nhận sai và tạm ngưng cung cấp bản quyền của các tác giả không thuộc thành viên của Sky. Trong thời gian tới, Sky Music phải chi trả tiền bản quyền cho các tác giả dự tính hơn 700 triệu đồng. Đây là điều đáng mừng, qua đó cũng cảnh báo đối tác khác, trong tương lai nếu xâm phạm quyền tác giả của trung tâm thì sẽ có những bước giải quyết nghiêm minh về pháp luật để xử lý các tình huống vi phạm”.

Thường xuyên tổ chức đối thoại

Bên cạnh những kết quả đạt được, VCPMC vẫn còn gặp khó khăn trong công tác chuyên môn, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động cấp phép ở cả lĩnh vực nhạc sống và nhạc nền. Trong đó, ở loại hình kinh doanh dịch vụ nhạc nền, nhiều đơn vị sử dụng đến nay vẫn chưa tự nguyện thực hiện, một số đơn vị kinh doanh, khai thác bản ghi đã vận dụng Điều 33 Luật SHTT để thuyết phục khách hàng, gây nhầm lẫn về đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan... Tình trạng này khiến nguồn thu nhạc nền giảm đáng kể, ảnh hưởng lợi ích chính đáng, hợp pháp của tác giả. Nhiều đơn vị tổ chức biểu diễn tìm cách né tránh, thậm chí công khai thách thức, không thực hiện nghĩa vụ xin phép, trả tiền sử dụng quyền tác giả, hoặc lợi dụng nguyên tắc thỏa thuận để trì hoãn việc trả tiền nhuận bút. Quy định bãi bỏ điều kiện về quyền tác giả tại hồ sơ, thủ tục cấp phép tổ chức biểu diễn theo Nghị định số 142/2018/NĐ-CP, đã ảnh hưởng đến công việc cấp phép sử dụng quyền tác giả/tác phẩm âm nhạc ở lĩnh vực biểu diễn. Một số ca sĩ làm MV ca nhạc, đẩy lên YouTube và nhận luôn tiền của tác giả; các vấn đề rối rắm xoay quanh việc độc quyền ca khúc… Dù còn nhiều khó khăn, vướng mắc, rắc rối thường xuyên gặp phải trong công tác chuyên môn, nhưng VCPMC vẫn nỗ lực hết mình trong hoạt động bảo vệ bản quyền, quyền tác giả âm nhạc, giúp các nhạc sĩ ổn định đời sống, được tiếp lửa để sáng tác, sáng tạo nghệ thuật, vững tin làm nghề.

Để nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động chuyên môn, giúp giải quyết nhanh những vấn đề về tác quyền, trung tâm đã chủ động vượt khó bằng nhiều hình thức, theo dõi sát quy trình quản lý, cấp phép, thu tiền bản quyền, chú trọng nâng cao hoạt động chuyên môn, cập nhật thông tin quốc tế chuyên ngành. NS Đinh Trung Cẩn chia sẻ thêm: “Trong năm 2020, VCPMC tiếp tục nỗ lực cập nhật nâng cấp phần mềm chi trả tiền tác quyền và hoạt động theo hướng tăng cường tuyên truyền về pháp luật, tổ chức hội nghị, hội thảo để các đơn vị sử dụng và người dân hiểu rõ Luật SHTT, cập nhật thông tin thế giới. Trung tâm sẽ tổ chức đối thoại một năm hai lần dành cho tác giả, giúp giải đáp các thắc mắc Luật SHTT. Đồng thời tiếp tục nâng cao công tác quản lý công việc chuyên môn theo xu hướng hiện đại đạt được sự chuẩn mực về công nghệ kỹ thuật của thế giới.”

Tin cùng chuyên mục