Tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Trong năm 2022, Bộ Công thương, các cấp ngành địa phương và cộng đồng doanh nghiệp sẽ tiếp tục thực hiện loạt hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) để giúp người dân được tiêu dùng an toàn hơn trong bối cảnh bình thường mới. 
Doanh nghiệp cần chú trọng quyền lợi người tiêu dùng trong bối cảnh bình thường mới
Doanh nghiệp cần chú trọng quyền lợi người tiêu dùng trong bối cảnh bình thường mới

Theo ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Công thương, năm 2021 dù đại dịch Covid-19 kéo dài, gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng công tác bảo vệ quyền lợi NTD vẫn đạt hiệu quả tốt, tạo động lực phát triển cho các doanh nghiệp kinh doanh chân chính.

Cụ thể, hệ thống Tổng đài tư vấn, hỗ trợ NTD 18006838 tại Bộ Công thương đã kết nối với trên 50% tỉnh, thành phố để tiếp nhận, tư vấn, hỗ trợ giải quyết cho hàng ngàn phản ánh, khiếu nại, yêu cầu của NTD trên cả nước. Cùng với đó, hàng trăm ngàn NTD đã được bảo đảm quyền lợi thông qua việc kiểm soát chặt chẽ hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung, giám sát các vụ việc thu hồi sản phẩm có khuyết tật và các giao dịch trên môi trường thương mại điện tử…

Về phía doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bán lẻ, việc bảo vệ quyền lợi NTD luôn được đặt lên hàng đầu. Các nhà bán lẻ như Saigon Co.op, Satra, Big C, Winmart… ngoài kiểm soát chặt đầu vào hàng hóa, đảm bảo an toàn còn có chính sách điều tiết giá hàng hóa, góp phần bình ổn khi thị trường có biến động.

Chẳng hạn năm 2021, dù dịch Covid-19 kéo dài nhiều tháng liền gây đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng hàng hóa, đẩy giá nguyên phụ liệu các ngành hàng nhập khẩu lẫn nội địa tăng chóng mặt nhưng Saigon Co.op vẫn ổn định giá hàng hóa. Việc giữ giá hàng hóa và chất lượng sản phẩm ổn định của nhà bán lẻ này đã phần nào giúp khách hàng bảo vệ túi tiền trong bối cảnh thị trường và kinh tế có nhiều biến động. 

Theo Saigon Co.op, để có chất lượng hàng hóa ổn định, ngay từ khâu đầu tiên - lựa chọn nhà cung cấp, Saigon Co.op luôn ưu tiên cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước, đặc biệt là sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao, có chứng nhận của Bộ Y tế về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có chứng chỉ ISO hoặc HACCP. Riêng mặt hàng rau củ quả, Saigon Co.op ưu tiên chọn hàng của các HTX có chứng nhận an toàn, VietGAP, GlobalGAP về quy trình sản xuất rau an toàn, hợp đồng bao tiêu nông sản.

Riêng với giá hàng hóa, để có thể giữ và giảm giá hàng hóa, đặc biệt là hàng thiết yếu, Saigon Co.op tùy diễn biến thực tế để có giải pháp cụ thể. Cụ thể, Saigon Co.op có các hợp đồng chiến lược ổn định giá hàng hóa dài hạn, luân phiên thực hiện khuyến mãi, giảm giá định kỳ với sự tham gia của nhiều nhà cung cấp, nhãn hàng và đặc biệt là luôn có nhóm hàng dự trữ, thay thế để NTD có thêm lựa chọn. 

Dù đạt được những kết quả khả quan, song, Bộ Công thương nhận định vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế. Để công tác bảo vệ quyền lợi NTD có sự chuyển biến thực chất, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, năm 2022 Bộ Công thương đã kêu gọi các cấp ngành, cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội, cộng đồng doanh nghiệp trong việc chung tay thực hiện trách nhiệm bảo vệ quyền lợi NTD, góp phần xây dựng xã hội văn minh, một Chính phủ kiến tạo, môi trường kinh doanh - tiêu dùng an toàn, lành mạnh và bền vững trong thời kỳ bình thường mới.

Hưởng ứng kêu gọi từ Bộ Công thương, nhiều doanh nghiệp sản xuất, bán lẻ mới đây đã cam kết sẽ nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi NTD trong hoạt động sản xuất kinh doanh; thực thi các quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD, hướng tới sản xuất, nhập khẩu, phân phối, kinh doanh sản phẩm hàng hóa, dịch vụ an toàn, đảm bảo chất lượng; tăng cường hiệu quả giải quyết các phản ánh, kiến nghị, khiếu nại của NTD, các hoạt động tri ân, chăm sóc NTD trong bối cảnh bình thường mới.

Tin cùng chuyên mục