Tản văn - Thời xách dép

Với cư dân của một đất nước nông nghiệp lạc hậu như Việt Nam trước đây, đôi dép có mặt rất muộn màng.
Thực ra là nông dân ngày trước không thấy cần thiết phải có một đôi dép. Cả ngày chân đất lội ra cánh đồng có dép cũng không thể dùng được. Vài người già ở nông thôn thường tự đẽo những đôi guốc bằng gốc tre xỏ dây đay làm quai. Guốc này cũng hiếm khi dùng. Chỉ ngày lễ tết hội họp ở sân đình lát gạch mới dùng đến. Dép tự chế của nông dân hồi đầu thế kỷ trước vẫn làm bằng mo cau có quai xỏ ngón bằng dây thừng. Cũng hiếm người dùng nó. Phần lớn tối đến hai xoa một đập là lên giường. Trẻ con Hà Nội những năm sơ tán hồi chống Mỹ mới bắt đầu có khái niệm đi chân đất ở nông thôn. Chúng vô cùng thích thú được chạy nhảy nô đùa trên mặt đường đất nhẵn bóng mát lịm. Điều không thể làm được ở thành phố với đường nhựa hoặc vỉa hè luôn ẩn khuất nhiều dị vật nguy hiểm. Nhiều đứa cũng từ bỏ thói quen đi guốc dép khi đến trường cho giống với bạn bè. Chính ra là rất thuận tiện cho sinh hoạt. Ngày mưa đường làng trơn như mỡ chẳng có giày dép nào chịu được. Chỉ tối về mới rửa chân bằng dép để lên giường đi ngủ.  Thời kỳ này cả người lớn và trẻ con đều có chung một thứ dép cao su được chế tạo từ lốp ô tô cũ. Đôi dép cao su ra đời từ những năm kháng chiến chống Pháp do ông đại tá Hà Văn Lâu nhờ ông Sáu Đen chế tạo đã trở thành một phần của trang bị chiến đấu cho bộ đội. Hòa bình lập lại không mấy người còn dùng nó nữa. Nhưng đến những năm chiến tranh phá hoại ác liệt 1965-1968 thì nó lại một lần nữa chứng tỏ công dụng tuyệt vời cho cả người dân và bộ đội. Dép cao su chế tạo thủ công có bốn quai bằng săm ô tô. Phải dùng cái rút dép bằng sắt mỏng đai thùng để tra quai vào. Nó rất hay bị tuột quai khi chạy nhảy hoặc bất ngờ va vấp trên đường. Nhưng nhiều người không có sẵn cái rút dép trong túi đành phải thất thểu xách đôi dép tua rua mang về nhà. Hình ảnh này đã trở thành thường nhật trên khắp phố phường. Vài anh chàng láu cá Hà Nội luôn có cái rút dép trong túi bày trò dẫm vào gót dép các cô gái cho tuột quai. Phần còn lại là ngỏ ý vào rút hộ cô ấy chiếc quai dép tuột và không quên đưa đẩy vài câu mùi mẫn. Đã có vài mối tình “quai dép” kiểu ấy còn bền vững cho đến tận bây giờ.  Lũ trẻ đến trường cũng nhiều khi phải xách dép tuột quai về nhà. Đã có nhiều đứa trẻ lớn bắt những đứa nhỏ hơn xách hộ mình đôi dép tuột quai ấy. Dần dà thành hẳn chính danh tên gọi cho những đứa nhỏ lép vế ấy là “bọn xách dép”. Lần đầu tiên người lớn ngấm ngầm học ở trẻ con cách gọi tên này. Dĩ nhiên dùng với nghĩa khác mà chẳng có giày dép nào cả. “Xách dép” người lớn là để chỉ những kẻ thấp kém phải hầu hạ bợ đỡ kẻ mạnh hơn. Nó cùng một lúc nói lên cả tư cách và năng lực của kẻ “xách dép”. Nhưng cũng không hoàn toàn là như thế. Vài kẻ mưu sâu kế lạ chịu khó đứng khuất thân vào hàng ngũ “xách dép” để rồi một ngày mát trời bước lên vị trí chủ nhân. Hạng “xách dép” này thời nào cũng có và thành công không phải là ít.  Giờ thì đôi dép cao su ngày xưa chỉ còn trông thấy ở một vài bảo tàng như chứng tích cho thời kỳ gian khó bom đạn ấy. Dù không còn ai dùng đôi dép cao su ấy nữa nhưng cũng hầu như không bao giờ còn nhìn thấy một ai đó xách dép đi chân đất ở thành phố. Giày dép hỏng có thể ghé vào đâu đó mua một đôi khác rất dễ dàng. Thế nhưng “thời xách dép” có vẻ như kéo dài đến vô tận. Người ta đã dùng chữ “xách dép” như một thành ngữ dù nó không được giải thích trong bất kỳ cuốn tự điển tiếng Việt nào. Nhẹ thì ám chỉ năng lực của một ai đó thấp kém dốt nát. Nặng hơn có thể là nói về tư cách của những người không đàng hoàng dùng mọi thủ đoạn để đạt mục đích của mình. Mức độ cao nhất hình như là sự khinh bỉ “Thằng ấy không đáng xách dép…”. Vậy là ngay chính “xách dép” cũng bắt đầu phân chia đẳng cấp rõ ràng.
Tản văn - Thời xách dép ảnh 1 Minh họa: P.S

Tin cùng chuyên mục