“Tận thu” chưa chắc thu đến tận cùng

Không đơn thuần với các chiến lược bài bản như thường thấy, nhiều phim điện ảnh ra rạp sau đó lại được “hô biến” thành phim truyền hình, series và cả ngược lại. Dẫu biết, không ít trường hợp là cách nhà sản xuất “tận thu” nhưng đây chưa chắc là nước cờ thông minh.
Phim Mưu kế thượng lưu chọn cách đi đường vòng để tiếp cận khán giả
Phim Mưu kế thượng lưu chọn cách đi đường vòng để tiếp cận khán giả

“Hô biến”

“Việc có tới hai bộ phim cùng lúc về Trịnh Công Sơn là một bất ngờ với chính chúng tôi. 5 năm trước, khi bắt tay vào sản xuất, chúng tôi chỉ định làm một tác phẩm điện ảnh về nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nhưng khi xem kết quả của gần 1.000 giờ quay, chúng tôi phát hiện ra có đến hai câu chuyện, hai góc nhìn khác biệt về người nghệ sĩ, mà khía cạnh nào cũng thú vị”, ông Lương Công Hiếu, Giám đốc điều hành Galaxy EE, đại diện nhà sản xuất (NSX) Em và Trịnh và Trịnh Công Sơn, chia sẻ. Đây cũng là lần đầu tiên từ một kịch bản, một ê kíp, một đạo diễn có hai phiên bản phim điện ảnh khác nhau cùng ra rạp.  

Một kiểu “thêm mắm dặm muối” cũng được nhiều NSX khá chuộng thời gian vừa qua là phát triển từ web drama lên phiên bản điện ảnh. Gần nhất có: Mến gái miền Tây (phát triển từ Ghe bẹo ghẹo ai), 2 phần Chị Mười Ba, Bố già (phát triển từ web drama cùng tên), Pháp sư mù (phát triển từ Ai chết giơ tay). Nghề siêu dễ ngoài việc mua lại bản quyền chuyển thể từ một bộ phim Hàn Quốc, nội dung cũng được phát triển dựa trên web drama Chuyện xóm tui.  

Nhưng, phổ biến nhất trong những lần “phù phép” của điện ảnh Việt là sau khi phát hành bản điện ảnh, NSX lại nối dài bằng một bản phim dài tập. Thất sơn tâm linh sau khi chiếu rạp năm 2019 cũng có bản series dài 5 tập được phát trên nền tảng trực tuyến với tên gọi Thiên linh cái: Chuyện chưa kể. Dịp tết vừa qua, bộ phim Mưu kế thượng lưu sau khi chiếu ở rạp đã ra mắt phiên bản nối dài có tên Trà xanh đấu siêu lừa. Đây cũng là trường hợp đặc biệt vì xuất phát điểm là phim bộ phát trực tuyến, sau đó được “nhào nặn” thành phim điện ảnh, đổi tên để phát hành trước khi quay lại với mục đích ban đầu.

Một trường hợp khác là Chuyện ma gần nhà sau khi phát hành ở rạp cũng lên sóng một nền tảng trực tuyến. Theo đạo diễn Trần Hữu Tấn: “Đây là phiên bản series 3 tập chia nhỏ của phiên bản điện ảnh. Tuy nhiên, ở mỗi câu chuyện có bổ sung một vài tình tiết và cảnh quay nhỏ để giải thích cặn kẽ hơn cho từng câu chuyện”. 

Đừng lạm dụng

Khi được hỏi về trào lưu dựng bản truyền hình sau phim điện ảnh, đạo diễn Trần Hữu Tấn cho rằng: “Tôi nghĩ tùy phim điện ảnh có thể phát triển thành dạng series ở các nền tảng trực tuyến. Vì không phải câu chuyện 90 phút nào cũng có thể phân nhỏ thành nhiều tập được, trừ khi bản series đó có thể là ngoại truyện, tiền truyện hoặc một câu chuyện độc lập”.  

Có không ít ý kiến trái chiều xung quanh những hình thức phát hành theo dạng thức này. Người trong cuộc sẽ nêu lý do đó là cơ hội để khán giả được theo dõi câu chuyện xuyên suốt, chi tiết và đầy đủ hơn. Nói như ông Lương Công Hiếu: “Việc ra mắt 2 phiên bản sẽ cho thấy cái nhìn tròn vẹn hơn về người nhạc sĩ huyền thoại, vừa gần gũi đời thường”. Nhưng, cũng không ít ý kiến cho rằng đó là cách NSX “tận thu”, một chiêu mới để tìm kiếm thêm lợi nhuận. Tuy nhiên, đạo diễn Trần Hữu Tấn cho rằng, khó đánh giá cách phát hành này là hình thức “tận thu”. Theo anh, việc các phim điện ảnh được bán cho các nền tảng trực tuyến sau khi chiếu rạp là một việc rất bình thường và có lợi cho cả đôi bên. “Với các nền tảng trực tuyến, họ sẽ có thêm nhiều đầu phim để những khán giả chưa có dịp xem ở rạp nay có thể xem lại bất cứ lúc nào trên các thiết bị di động. Còn với NSX hay đạo diễn, họ có thể duy trì được tác phẩm của mình trên nền tảng kỹ thuật số”, anh phân tích. 

Việc “hô biến” giữa các thể loại điện ảnh và phim dài tập rõ ràng chỉ nên là trào lưu mang tính nhất thời, không thể thành xu hướng. Điện ảnh luôn là “ngôi đền thiêng” với những tiêu chuẩn vô cùng khắt khe. Một web drama hay phim dài tập có thể dễ dàng “hô biến” thành phim chiếu rạp sẽ làm giảm đi giá trị vốn có của điện ảnh, điều mà đáng lẽ ngày càng phải được nâng chất. Tất nhiên, nói như đạo diễn Trần Hữu Tấn, để đánh giá nó có phải là hướng đi thông minh hay chỉ mang tính thức thời tùy thuộc vào từng câu chuyện và ý đồ kể chuyện của đạo diễn. Với anh, tiêu chí thực sự là bộ phim phải đáp ứng cảm xúc người xem.

Bản phim Trịnh Công Sơn chính thức dừng chiếu tại rạp từ ngày 17-6. Thống kê từ Box Office Vietnam, tính đến 13 giờ ngày 15-6, doanh thu của Em và Trịnh là 24,6 tỷ đồng, áp đảo so với gần 1,7 tỷ đồng của Trịnh Công Sơn. Bộ phim đã không nhận được sự quan tâm của khán giả như kỳ vọng.

Tin cùng chuyên mục