Tán thành trình Quốc hội xem xét thông qua 1 luật, sửa 8 luật tại kỳ họp bất thường

Cuối phiên làm việc sáng 8-12, tất cả các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dự họp đã biểu quyết tán thành trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự để Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình 1 kỳ họp tại kỳ họp bất thường của Quốc hội (dự kiến diễn ra vào cuối năm nay).
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: QUANG PHÚC
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: QUANG PHÚC

Thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật xuất phát từ yêu cầu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội, nhất là trong điều kiện vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Việc dùng 1 luật sửa 8 luật cũng sẽ đáp ứng yêu cầu phát sinh từ thực tiễn liên quan tới hoạt động đầu tư, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, thi hành án dân sự, thực hiện chính sách xã hội hóa đầu tư vào hệ thống truyền tải điện quốc gia; khuyến khích đầu tư sản xuất và sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.

Gợi ý thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đây là dự án đặc biệt quan trọng vì liên quan đến tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Tuy lãnh đạo Quốc hội đã dành nhiều thời gian làm việc với Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ, song dự án luật này được xem xét theo trình tự thủ tục rút gọn nên chỉ xem xét sửa những vấn đề cấp bách, cấp thiết và đánh giá tương đối đầy đủ tác động. Nội dung nào chưa đạt sự đồng thuận cao thì chưa đưa vào. Đặc biệt, điều khoản chuyển tiếp phải chặt chẽ, minh bạch, rõ ràng để tránh quy định mới gây ngừng trệ hệ thống hành chính.

Một trong những điểm lớn của dự án luật liên quan đến phân quyền, rút gọn thủ tục hành chính. Như việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công phân quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho người đứng đầu cơ quan chủ quản đối với các dự án đầu tư nhóm B và nhóm C, quyết định phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để chuẩn bị dự án đầu tư do cơ quan, tổ chức mình quản lý.

Tán thành trình Quốc hội xem xét thông qua 1 luật, sửa 8 luật tại kỳ họp bất thường ảnh 1 Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình của Chính phủ. Ảnh: QUANG PHÚC 

Còn việc sửa một số điều ở Luật PPP phân quyền quyết định chủ trương đầu tư cho bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, cơ quan khác; HĐND cấp tỉnh đối với các dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm B và C theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

“Phân cấp, ủy quyền là đúng nhưng cần xác định rõ do đâu để sửa và tổ chức thực hiện, tránh tình trạng cái đáng phân cấp không phân cấp hay có cái sợ trách nhiệm lại đẩy xuống dưới. Quyền phải đi kèm trách nhiệm”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu.

Dẫn chứng việc cải tạo chung cư cũ, chỉnh trang đô thị hiện đang gặp khó trước quy định muốn sửa một khu tập thể cũ phải nhận được sự đồng ý của 100% cư dân. Việc giải quyết hàng nghìn chung cư cũ ở Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng... đang “tắc” vì quy định này. “Cơ hội này mà không sửa thì Chính phủ đang định thực hiện quy hoạch, cải tạo liên quan nhà tập thể sẽ vướng tiếp. Chính sách phải từ cuộc sống chứ không phải từ văn phòng”, đồng chí Vương Đình Huệ bình luận.

Tin cùng chuyên mục