Tản mạn Sài Gòn

1. Em, cô gái sinh ra trong một gia đình người miền Trung, nhưng em lớn lên tại Sài Gòn - TPHCM, mảnh đất đã và đang cưu mang bao triệu gia đình gốc miền Trung nghèo khó, tha phương.

Em được cho ăn cho học, riêng bản tánh cương cường độc quyết của trời ban thì khác người, thích ăn ngay nói thẳng nhưng miệng cứng lòng mềm. Rồi mối tình đầu đến và đi, để lại cho em nuối tiếc, ra đi trong giận hờn... Phải chăng khi vấp ngã, em muốn tự mình đứng dậy theo bản năng?

Giờ đây, em đã là người của sự trưởng thành. Hẳn dám nói yêu, nói ghét, dám chia sẻ cảm xúc thật với ai đó. Em thực sự nhận ra chân lý đơn giản của cuộc sống: ngắn, cứ yêu đi.

Em thích đi du lịch, thích giao lưu bạn bè. Em muốn có được cảm giác yêu thương, chiều chuộng, thứ mà em đã tốn hết cả nửa đời người để tìm.

2. Tôi có duyên quen và chơi thân với thằng em chính gốc người Sài Gòn. Vốn dĩ là người thân thiện, lại hợp nhau cách ăn chơi nên nó dắt tay tôi đi khắp ngõ ngách thành phố. Chúng tôi lang thang từ hàng rong vỉa hè cho tới hộp đêm sang chảnh đắt tiền, lắm cô bé từ đẹp đến rất đẹp lượn lờ được nó mời để đãi, nhưng tôi chỉ thích ngồi uống, trò truyện và ngắm!

Ngày tôi về, nó luýnh quýnh chạy vội ra sân bay đưa tiễn. Nhìn thằng em nhiệt tình có thừa, tôi định bụng nói vài câu cảm ơn lấy lòng, nào ngờ nó phán luôn vào mặt một câu xanh rờn: “Anh về tụi em mừng lắm, nhưng anh đi tụi em càng mừng hơn, lâu lâu hẵng về, anh nhé!”. Giận quá, tôi về một lèo đến nhà! Làm bộ giận hờn nhưng lòng tôi mừng rơn vì biết rằng rồi sẽ sớm gặp lại lần sau, vì tôi coi câu nói của nó như một lời mời chào vậy.

Người Sài Gòn là thế, thích ăn ngay nói thẳng!

3. Lại thêm duyên với người Sài Gòn nên tôi kết thân và rủ em trẻ đẹp người nhưng khó nết về nhà ăn cùng mâm, ngủ cùng giường cho có đôi. Khi em giận dỗi hoặc lắm lời, tôi tuyệt đối làm thinh... Em thích được ăn, được nói nên tôi làm người nghe. Lúc đói cơm khát nước hay cần gì, em thường chỉ gợi ý với tôi, thế thôi! Vẫn là người được sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn - TPHCM.

4. Lại phải kể đến đôi vợ chồng còn khá trẻ về tuổi tác nhưng thừa tình cảm này là bạn của bạn cùng nhà với tôi. Nghe bạn của bạn thật xa xôi, nhưng tôi có cảm giác khá gần, như người nhà vậy, có lẽ do sự nhiệt tình quá sức của họ. 

Cả hai cùng là người miền Tây nên hiếu khách đã là bản năng. Một lần tôi hẹn ăn cơm chiều với họ như là buổi chia tay, vì ngày hôm sau nhà ai nấy về. Khi mải chén chú chén anh với mấy đứa em dễ mến lại thích nhậu nên quên giờ hẹn, tôi cố gắng đi xe ôm đến nhà bạn chỉ định nói câu xin lỗi vì lỡ hẹn, do sáng sớm tôi phải bay về. Tôi lết vào nhà thấy mâm cơm dù nguội lạnh vẫn còn nguyên trên bàn và cả hai kiên nhẫn ngồi chờ đợi. Đêm tĩnh lặng nhưng hình như bụi bặm vẫn bay quanh, mắt tôi tự dưng cay xè, môi thấm mặn…

Người Sài Gòn là thế đấy. Họ chuộng cuộc sống phóng khoáng, ít lo toan. Người Sài Gòn vồn vã khi gặp nhau, cho đi nhiều chẳng cần biết sẽ nhận được bao nhiêu. Dù cơm áo gạo tiền vẫn là nỗi lo toan của từng gia đình, nhưng sau mỗi ngày làm việc cực nhọc, họ tụm ba tụm bảy chén chú chén anh trên mọi vỉa hè, quán cóc để hưởng niềm vui ngắn cuối ngày. 

Nói vậy chứ chưa hẳn đã là vậy! Theo cái nhìn của Hamlet Trương thì Sài Gòn thật vồn vã, nồng nàn khi gặp nhau, nhưng cũng dễ mất nhau: “Sài Gòn lạc nhau là mất, kẻ ở người đi lối vô tình…”.

Tin cùng chuyên mục