Tàn lụi giấc mơ điện thoại thương hiệu Việt

Cuối năm 2021, Tập đoàn Bkav ra mắt 3 chiếc smartphone là Bphone A40, A50 và A60. Ba mẫu máy được Giám đốc điều hành Tập đoàn Bkav Nguyễn Tử Quảng giới thiệu và bán trực tiếp tại buổi livestream tối 19-12. Đây cũng là hình ảnh hiếm hoi còn lại sau khi nhiều doanh nghiệp lớn đành gác lại giấc mơ thương hiệu smartphone “Made in Vietnam” như Vsmart, Mobiistar…

Một thời “mơ mộng”

Bphone mỗi lần xuất hiện lại gây một kiểu “ồn ào” khác nhau, nhất là trên cộng đồng mạng. Lần đầu Bphone xuất hiện vào tháng 5-2015, nhiều sự chú ý dồn về với niềm tự hào lẫn bao lời chê trách. Nhưng vượt qua tất cả, Bkav vẫn vững tin với sản phẩm của họ và với tương lai.

Kiểm tra sản phẩm Vsmart trước khi đóng thùng (ở thời điểm nhà máy Vinsmart còn hoạt động)
Tính từ lần đầu xuất hiện đến cuối năm 2021, Bkav đều đặn giới thiệu sản phẩm Bphone mới: Tháng 5-2015, Bphone 1; tháng 7-2017, Bphone 2; tháng 10-2018, Bphone 3… Sản phẩm Bphone từ cao cấp, trung cấp đến giá rẻ đều có và nhà sản xuất vẫn tự hào với những “công nghệ lõi” mà họ công bố. Thế nhưng, sản phẩm bán ra không có chỗ đứng trên các bảng xếp hạng thị trường smartphone.

Một nhà máy sản xuất smartphone được đầu tư hàng trăm triệu USD ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội) giờ ra sao là một câu hỏi khó có câu trả lời chính thức! Nhưng chắc rằng, nơi đây không còn sản xuất những chiếc smartphone nữa. Vsmart được kỳ vọng lớn nhất khi được đầu tư bài bản từ hệ thống sản xuất đến con người, kênh phân phối. Thời điểm tháng 12-2018, Vingroup công bố 4 mẫu smartphone đầu tiên của hãng tại Việt Nam, đã ghi thêm niềm tự hào vào ngành công nghiệp di động Việt Nam.

“Chiến đấu” mạnh mẽ trên thị trường, đến tháng 4-2020, Vsmart vươn lên chiếm lĩnh 16,7% thị phần điện thoại thông minh tại Việt Nam, chính thức xác lập kỷ lục tăng trưởng chưa từng có chỉ sau 15 tháng ra mắt. Thông tin này được công bố trong báo cáo tháng 3-2020 của Hãng nghiên cứu thị trường GfK. Và đến hết tuần đầu tiên của tháng 4-2020, thị phần Vsmart đã lên đến 18%. Giấc mơ những chiếc di động Việt Nam chiếm lĩnh thị trường dần thành hiện thực… Nhưng chiều 9-5-2021, Vingroup công bố dừng việc nghiên cứu, sản xuất điện thoại di động!

Tương tự, Mobiistar - công ty lâu đời hơn cả Bphone và Vsmart, có cả chục năm trời nghiên cứu, kinh doanh thiết bị di dộng tại Việt Nam, tháng 5-2018, công bố đã hợp tác với trang thương mại điện tử của Ấn Độ là Flipkart để bán ra thị trường này 2 mẫu smartphone gồm Mobiistar XQ Dual và Mobiistar CQ. Sau đó, hàng loạt sản phẩm mới ra đời, Mobiistar tăng trưởng 20% mỗi tháng ở thị trường Ấn Độ. Nhưng vào tháng 6-2019, Mobiistar dừng sản xuất ở thị trường Ấn Độ, đồng thời biến mất luôn tại thị trường Việt Nam.

Không đủ lực để cạnh tranh

Trước khi thất bại ở thị trường Ấn Độ, tại thị trường Việt Nam, Mobiistar ra mắt chiếc di động Mobiistar X vào cuối tháng 8-2018 với chương trình “Ra đi để trở về”, tạo nên nhiều kỳ vọng. Nhưng đến cuối tháng 6-2019, Mobiistar thông báo rời khỏi Ấn Độ sau một năm gia nhập thị trường này. Nguyên do, đối tác sản xuất duy nhất của Mobiistar tại Ấn Độ là VSun Technologies nộp đơn phá sản vào ngày 19-5-2019. Điều này dẫn đến sự gián đoạn chuỗi cung ứng của Mobiistar tại Ấn Độ và làm sập luôn hệ thống kinh doanh của Mobiistar tại Ấn Độ lẫn Việt Nam. Sau thất bại, Giám đốc điều hành Mobiistar Ngô Nguyên Kha lặng lẽ rẽ sang lĩnh vực “trái tay” là thời trang.

Trước đó, ông Đặng Quốc Cường cũng là người đồng hành khá sớm với Vsmart và cũng ấp ủ nhiều kỳ vọng. Thời điểm đó, ông Cường chia sẻ: “Tôi muốn chứng kiến, góp chút sức mình làm nên những chiếc smartphone Việt Nam đúng nghĩa”. Ông Cường giữ vị trí Phó Tổng Giám đốc Kinh doanh và Marketing Công ty Vinsmart - nơi sản sinh ra những chiếc di động Vsmart. Khi sản phẩm Vsmart chiếm 18% thị phần di động Việt Nam vào tháng 4-2021 thì ông Đặng Quốc Cường nghỉ việc. Với ông Đặng Quốc Cường, giấc mơ về những chiếc smartphone Việt Nam dang dở và ông cũng đang tâm huyết đầu tư ở một lĩnh vực khác.

Giờ chỉ còn lại Bkav với Bphone, nhưng với tiềm lực và cách làm hiện nay thì đơn vị này phải vượt qua nhiều thử thách chông gai. “Ngành di động giờ gần như bão hòa và khó khăn chồng chất, nhất là với những sản phẩm làm theo kiểu của doanh nghiệp Việt Nam sẽ không thể đủ lực để cạnh tranh với những hãng khác, nhất là các hãng đến từ Trung Quốc”, một chuyên gia có kinh nghiệm hơn 20 năm làm trong ngành di động tâm sự.

Tin cùng chuyên mục