Tận dụng thời cơ

Mặc dù tác động lớn đến nền kinh tế, song bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) cũng được cho là cơ hội để dòng đầu tư nước ngoài chảy mạnh hơn vào Việt Nam. Có 2 lý do quan trọng để một số chuyên gia về đầu tư nước ngoài đưa ra nhận định này.

Lý do thứ nhất là Việt Nam đã và đang tham gia vào hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA), mới nhất là Hiệp định FTA Việt Nam - EU (EVFTA); lý do thứ hai, Việt Nam đang nổi lên như một địa chỉ đầu tư an toàn bên cạnh Trung Quốc, quốc gia đang chịu ảnh hưởng kinh tế - xã hội hết sức nặng nề của Covid-19.

Theo Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia Bộ KH-ĐT, sau Covid-19, xu hướng phân tán rủi ro, sắp xếp lại mạng lưới sản xuất toàn cầu trong đầu tư quốc tế sẽ được đẩy mạnh hơn và đây là cơ hội cho Việt Nam.

Ông Takeo Nakajima, Trưởng Đại diện Văn phòng JETRO Hà Nội, trong cuộc họp báo gần đây cũng thông tin, có 122 doanh nghiệp Nhật Bản được JETRO tham khảo ý kiến cho biết, họ quyết định di dời sản xuất tại Trung Quốc và địa điểm được chuyển đến hàng đầu chính là Việt Nam, với 42,3% trong số 122 doanh nghiệp nói trên lựa chọn. Xếp sau Việt Nam là Thái Lan (20,6%), Philippines (18,6%) và Indonesia (16,5%). Doanh nghiệp lý giải, họ muốn di dời khỏi Trung Quốc vì nhiều lý do, song một lý do quan trọng là chi phí đầu vào ngày càng tăng cao.

Trên thực tế, Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Dự báo, dòng đầu tư quốc tế vào Trung Quốc và đầu tư từ Trung Quốc ra nước ngoài sẽ gặp khó khăn trong năm 2020, thậm chí có thể sụt giảm mạnh trong quý 1. Covid-19 cộng hưởng với các rủi ro địa chính trị, rủi ro chiến tranh thương mại… làm cho môi trường chính trị, kinh tế, xã hội toàn cầu càng trở nên bất trắc, thúc đẩy tâm lý phòng vệ, co lại, do đó làm suy yếu động lực đầu tư. Vì lẽ đó, trong cả hai kịch bản thu hút đầu tư nước ngoài năm 2020 mà Tổng cục Thống kê xây dựng, thì con số đều thấp hơn so với dự kiến.

Nếu không có Covid-19, dự kiến cả năm, Việt Nam sẽ thu hút được 39,6 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Hiện nay, nếu dịch kết thúc ở quý 1, con số dự kiến chỉ còn 38,6 tỷ USD; nếu dịch kết thúc vào quý 2, tất nhiên, con số còn thấp nữa, chỉ ở mức 38,2 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Bộ KH-ĐT, hiện có một tập đoàn lớn của Mỹ đang có kế hoạch đầu tư một dự án trị giá hàng tỷ USD ở châu Á. Tháng 3 tới, tập đoàn này sẽ đưa ra quyết định cuối cùng và trong bối cảnh Covid-19 đang hoành hành ở Trung Quốc và một số quốc gia, thì có thể Việt Nam sẽ được chọn.

Một cơ hội tiềm tàng khác là một nhóm các nhà đầu tư Hàn Quốc và Hoa Kỳ đã bày tỏ quan tâm đến các dự án điện khí LNG tại Việt Nam. Giữa tháng 2 này, các nhà đầu tư đã có các cuộc làm việc với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng.

Được biết, tại cuộc gặp với Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, ông Chae Heeboong, đại diện liên danh các nhà đầu tư Hàn Quốc (gồm Tổng công ty Khí Hàn Quốc, Công ty Điện Nam Hàn Quốc, Tập đoàn Hanwha…) đã bày tỏ ý định đầu tư vào các dự án cảng, nhà máy điện khí LNG và một số lĩnh vực khác tại Việt Nam. Quyết định cuối cùng là ở các nhà đầu tư, nhưng chúng ta không thể ngồi chờ mà phải tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh nhiều hơn nữa. Và thực sự vẫn còn nhiều dư địa để làm việc đó.

Tin cùng chuyên mục