Tận dụng cơ hội

Cách nay vài ngày, người viết nhận được một cuộc điện thoại từ T. (24 tuổi), chuyên về các tour du lịch phía Bắc, nhất là khu vực Tây Bắc. T. cho biết, sẽ vào TPHCM kết nối với một số hãng lữ hành với kỳ vọng đưa khách miền Nam chinh phục thị trường phía Bắc.

Cô gái trẻ này đã tập tành làm hướng dẫn viên từ khi là sinh viên năm 2 Khoa Báo chí Trường ĐH KHXH-NV Hà Nội. Việc rẽ hướng cũng rất tình cờ, kiểu nghề chọn người và gắn bó đến nay. Ban đầu chỉ vài người cùng làm, bây giờ T. đã có nguyên nhóm của mình. Khách châu Âu, Bắc Mỹ…, nhờ T. và nhóm bạn dẫn tour ngày càng đông.  

Cũng giống như T., H.L. (Quảng Trị), cũng nổi tiếng từ vài năm trước với tour du lịch “Tôi yêu Huế”, “Tôi yêu Hội An”… Các sản phẩm du lịch của H.L nhận được nhiều phản hồi tích cực từ du khách quốc tế. Còn B.N, giám đốc một công ty dịch vụ có chi nhánh tại TPHCM và Bình Thuận, cho biết đang có dự định khai thác nhà nghỉ dạng homestay cho khách du lịch đến miền Trung. B.N. cũng dành thời gian trực tiếp hướng dẫn khách tham quan các tour du lịch sinh thái, trải nghiệm làm nông dân, song song với nhặt rác bảo vệ môi trường. Xu hướng du lịch xanh theo tiêu chí “Đừng lấy gì ngoài những bức ảnh, đừng để lại gì ngoài những dấu chân” đã và đang được B.N. cũng như các bạn trẻ làm nghề tuyên truyền tích cực. 

Anh T.V., chủ một hãng lữ hành tại Hà Nội, lập nghiệp từ năm 22 tuổi, tâm sự rằng, muốn điều hành công ty hiệu quả, thông thường lãnh đạo các hãng lữ hành đều trưởng thành từ hướng dẫn viên, trừ một số trường hợp ngoại lệ. Nghề này khá đặc biệt, thu tiền khách trước, để khách trải nghiệm sau, nên chất lượng dịch vụ phải tốt, mang lại cho khách sự hài lòng tối đa. Việc các bạn trẻ có năng lực, sau một thời gian làm nghề “bung” ra làm chủ khá nhiều, nhưng để cạnh tranh được ở môi trường khắc nghiệt như hiện nay, đòi hỏi nhiều yếu tố, trong đó, chữ “tâm” và “tín” thường phải song hành. 

Tùy thuộc vào từng phân khúc thị trường mà các công ty lữ hành sẽ cung cấp sản phẩm và dịch vụ với mức giá tương ứng. Do vậy, sự lựa chọn của khách luôn đa dạng, không bị bó hẹp. Ví dụ, tour chuyên về du lịch học đường, tour du lịch về nguồn, tour du lịch dành cho đối tượng khách hàng trung niên, tour chuyên biệt dành cho khách thương gia… 

Thống kê từ các hãng lữ hành cho thấy, những năm gần đây, mặc dù kinh tế gặp nhiều biến động, nhưng ngành du lịch vẫn được đánh giá tăng trưởng khả quan. Khách du lịch quốc tế đều đặn tới Việt Nam và ngược lại, khách trong nước cũng đi du lịch đến các quốc gia láng giềng, khu vực châu Âu, châu Úc… Điều này cho thấy, cơ hội khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch luôn là tiềm năng. Cái chính là người trẻ tận dụng cơ hội này và chuyển hóa nó ra sao mà thôi.

Tin cùng chuyên mục