Tận dụng chuyển đổi số để bứt phá

Tỉnh Cà Mau nằm ở cực Nam Tổ quốc, cách xa các vùng đô thị lớn. Thông qua chuyển đổi số (CĐS), Cà Mau có thể kéo gần khoảng cách của mình với các địa phương khác, thậm chí có những lĩnh vực Cà Mau đi sớm hơn, nhanh hơn để phát triển bứt phá trong thời gian tới.
Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải phát biểu tại hội nghị về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Cà Mau
Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải phát biểu tại hội nghị về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Cà Mau

Hướng đến phục vụ người dân

Đó là một trong thông điệp mà Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải chia sẻ tại Hội nghị CĐS tỉnh Cà Mau đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tổ chức mới đây. Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng có những định hướng, gợi mở và giải đáp các thắc mắc về công tác CĐS do địa phương đặt ra.

Một trong những băn khoăn của lãnh đạo địa phương là để thực hiện chính quyền số (1 trong 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số) ở các cấp là cần thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm gì? Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, CĐS dựa trên nền tảng công nghệ thông tin đã có, được xây dựng như những nền tảng mạng xã hội thông dụng chứ không phải là gì quá ghê gớm. Khi có nền tảng rồi thì mở ra thao tác, tìm tòi là thực hiện được, cần chú ý nhất là bảo mật thông tin. CĐS là công cụ hỗ trợ cho người lao động, hướng tới nâng cao chất lượng nên đòi hỏi sự thay đổi, do đó, yêu cầu rất lớn từ người đứng đầu.

Ông Trịnh Văn Lên, Giám đốc Sở TN-MT Cà Mau, cho biết, hiện phần mềm quản lý đất đai mà đơn vị đang sử dụng (miễn phí) chỉ phục vụ tốt trong việc quản lý của ngành. Tuy nhiên, không tương thích với các phần mềm khác. Cụ thể, khi chuyển thông tin địa chính qua ngành thuế (để thực hiện các nghĩa vụ thuế) thì bên đó không nhận được. Về khó khăn trên, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ đạo Tập đoàn VNPT thực hiện miễn phí, chuyển dữ liệu từ phần mềm quản lý đất đai do Sở TN-MT quản lý sang phần mềm mới do VNPT phát triển và khắc phục được hạn chế như phản ánh, thời gian dự kiến hoàn thành ngày 10-10.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, có khác biệt giữa công nghệ thông tin và CĐS. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, công nghệ thông tin cơ bản phục vụ cho hệ thống chính quyền, còn CĐS chuyển trọng tâm từ người quản lý sang người dùng cuối cùng, là nhân viên trong tổ chức đó, là người dân. Cho nên tư duy về CĐS phải tư duy theo hướng người dân được hưởng lợi gì, nhân viên được lợi gì. CĐS còn giúp cán bộ, nhân viên làm tốt hơn công việc của mình, vì thế phục vụ người dân tốt hơn. Vì vậy, phần mềm phải kết nối với các ngành khác để giải được bài toán tổng thể. Dữ liệu sinh ra giá trị, dữ liệu được sinh ra trong quá trình sử dụng, khai thác dữ liệu để tạo ra mấu chốt của nền kinh tế số…

Việc gỡ nút thắt làm trước

Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho biết, để triển khai chỉ đạo của Trung ương về CĐS, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Cà Mau đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 14-7-2022 về CĐS tỉnh Cà Mau đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong nghị quyết này có những định hướng lớn để phát triển CĐS. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Cà Mau ban hành ban hành Đề án Chuyển đổi số tỉnh Cà Mau (Quyết định số 1929/QĐ-UBND ngày 1-8-2022).

Theo ông Nguyễn Tiến Hải, sau khi xem lại Đề án CĐS tỉnh Cà Mau có nhiều việc phải làm. Vì vậy, từng cấp ngành xác định trách nhiệm, gắn với công việc của mình, xác định cụ thể hơn những công việc phải làm; phải chọn việc gì làm trước, việc gì làm sau, làm có tính hệ thống và chọn việc mang tính chất gỡ nút thắt làm trước.

Với tin thần như vậy, ông Nguyễn Tiến Hải yêu cầu Ban chỉ đạo CĐS tỉnh Cà Mau tính toán những công việc cụ thể phải làm. “Dù trong đề án đã chọn ra những việc để làm tuy nhiên còn rất chung chung. Từng ngành, từng địa phương phải tính toán cụ thể. Có như vậy, mới có thể hỗ trợ, dẫn dắt các doanh nghiệp, người dân cùng tham gia vào CĐS. Muốn như vậy, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Cà Mau quyết tâm trong lĩnh vực CĐS, nếu không thuộc tốp tốt nhất cũng phải thuộc tốp khá”, ông Nguyễn Tiến Hải chỉ đạo.

Ông Nguyễn Tiến Hải nhấn mạnh, CĐS không chỉ là sự lựa chọn mà trở thành xu hướng phát triển tất yếu. Vấn đề đặt ra hiện nay là phải biết nắm bắt, tận dụng cơ hội và hạn chế những rủi ro, thách thức mà CĐS đặt ra. Ông tin tưởng, với sự thống nhất về nhận thức và hành động, quyết tâm chính trị cao, trên cơ sở những kết quả tích cực bước đầu đạt được về  CĐS, cùng với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong tỉnh, Cà Mau sẽ thực hiện thành công mục tiêu, nhiệm vụ CĐS đã đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XVI của Đảng bộ tỉnh.

Nghị quyết số 05 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Cà Mau về CĐS tỉnh Cà Mau đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định: từng bước đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, chỉ đạo và điều hành của cơ quan đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp. Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh cơ bản hoàn thành số hóa các lĩnh vực kinh tế - xã hội; đến năm 2030, số hóa toàn diện các lĩnh vực, kinh tế số thành lợi thế cạnh tranh, chiếm 20% GRDP của tỉnh. CĐS hướng đến lợi ích của người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững...

Tin cùng chuyên mục