Tầm soát ung thư giúp giảm nguy cơ tử vong sớm

Ung thư là căn bệnh nguy hiểm ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Việc khám tầm soát ung thư sớm là phương pháp phát hiện sớm ung thư trước khi xuất hiện triệu chứng trở nặng. Đặc biệt, đi tầm soát ung thư còn giúp phát hiện, chữa khỏi hoàn toàn một số bệnh lý ung thư ở giai đoạn đầu.

Không dấu hiệu báo trước

Trước tết cổ truyền, ông Nguyễn Tuấn Tài (70 tuổi, ngụ Nhơn Trạch, Đồng Nai) phát hiện ung thư gan khi bệnh đã ở giai đoạn cuối. Bệnh viện Lê Văn Thịnh thông báo khối u của ông Tài đã vỡ khi đến bệnh viện, không thể áp dụng phương pháp truyền thuốc hay phẫu thuật. Hiện ông Tài rất yếu, bụng trướng, không ăn uống được. Chị Thủy cho biết, còn nước còn tát, gia đình vẫn để ba chị nằm điều trị. 

BS-CKII Nguyễn Thái Duy tầm soát ung thư sớm cho bà Đặng Thị Kim Ánh
Khác với ông Tài, bà Đặng Thị Kim Ánh (61 tuổi, ngụ phường Cát Lái, TP Thủ Đức), cho biết rất lo cho sức khỏe bản thân nên biểu đồ ăn uống sinh hoạt hàng ngày… được sắp lịch cẩn thận. Gần đây bà mất ngủ liên tục và có biểu hiện căng cứng, nổi u vùng ngực. “Trong gia đình, có 5 chị em dâu thì có 2 người được phát hiện ung thư vú giai đoạn cuối, ai cũng sốc. Từ lúc điều trị đến lúc mất, người dài nhất được 1 năm, ngắn nhất 4 tháng”, bà Kim Anh chia sẻ. Lo hậu sự cho người thân xong, bà Kim Anh cũng đã có kế hoạch đến Bệnh viện Ung bướu TPHCM tầm soát ung thư, nhưng thấy dịch bệnh có chiều hướng gia tăng trở lại, bà khất lần… Cả đêm qua bà tiếp tục mất ngủ, người nhức mỏi, ê ẩm. Trời mới rạng sáng, bà vội hối thúc con đưa tới Bệnh viện Lê Văn Thịnh thăm khám tầm soát ung thư.

Là người tiếp nhận trường hợp của bà Kim Anh, BS-CKII Nguyễn Thái Duy, Phó trưởng Đơn vị tầm soát và phát hiện sớm ung thư, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, cho biết, ngoài tiền sử gia đình có nhiều thành viên mắc ung thư, gần đây bà Kim Anh có nổi một số u cục vùng ngực nên ghi ngờ bà bị ung thư vú. “Mỗi năm, bệnh viện thăm khám hàng chục ngàn lượt người tới khám và điều trị bệnh, phát hiện 7%-15% người dân có các bệnh lý liên quan tới ung thư. Đáng tiếc nhất, số người được phát hiện mắc các bệnh lý ung thư đều không dấu hiệu báo trước và khi phát hiện, đã ở giai đoạn cuối, tỷ lệ tử vong cao”, bác sĩ Nguyễn Thái Duy cho biết. 

5 loại ung thư cần được tầm soát sớm

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2021, thế giới có khoảng 10 triệu ca tử vong vì ung thư, trên 19 triệu trường hợp ung thư mới được chẩn đoán. WHO khuyến cao người dân nên tầm soát 3 loại ung thư phổ biến là đại trực tràng, vú và cổ tử cung. Tại Việt Nam, theo thống kê của GLOBOCAN (một dự án của Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế - IACR, trực thuộc WHO), năm 2020, cứ 100.000 người thì có 159 người chẩn đoán mắc mới ung thư và 106 người tử vong do ung thư. 

Theo BS-CKII Nguyễn Thiện Nhân, Khoa Ung bướu và y học hạt nhân, Bệnh viện Nhân dân 115 (TPHCM), đa số trường hợp bệnh nhân ung thư khi nhập viện đều ở giai đoạn muộn, gần như 70%-80% người bệnh đã ở giai đoạn ung thư tiến xa. Việc phát hiện lúc đó làm cho việc điều trị không được hiệu quả, thời gian sống còn của bệnh nhân giảm đi. Nếu người dân đi tầm soát ung thư và phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm, việc điều trị ung thư sẽ rất hiệu quả, thậm chí có thể giải quyết được căn bệnh.

Hiện những bệnh lý ung thư có thể tầm soát, được thế giới công nhận gồm 5 loại ung thư: ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư đại tràng, ung thư tiền liệt tuyến và ung thư phổi. Do đó phụ nữ trên 30 tuổi và có quan hệ tình dục thì nên sớm tầm soát ung thư cổ tử cung. Người dân sẽ được xét nghiệm HPV test kèm với xét nghiệm phết tế bào cổ tử cung sẽ thực hiện 5 năm/lần hoặc chỉ dùng xét nghiệm phết cổ tử cung 3 năm/lần. Trường hợp ung thư vú (từ 40 tuổi trở lên), khi tầm soát sẽ sử dụng nhũ ảnh để tầm soát vì kỹ thuật này có thể phát hiện được những tổn thương rất nhỏ, thậm chí khám lâm sàng hay siêu âm cũng không phát hiện được. 

Về bệnh lý ung thư phổi, kỹ thuật để tầm soát được sử dụng là phương pháp CT scan ngực liều thấp để giảm sự ăn tia cho người bệnh và đối tượng là những người từ 55 tuổi trở lên, có tiền căn hút thuốc lá hơn 30 pack-year một năm (số gói thuốc lá hút trong một ngày nhân với số năm hút) thì phải tầm soát ung thư phổi. Với ung thư đại trực tràng (40-50 tuổi trở lên), có phương pháp tìm hồng cầu trong phân, mỗi năm thử 1 lần và nội soi đại tràng (5 năm/lần). 

Thầy thuốc ưu tú - BS-CKII Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, cho biết thêm, tầm soát ung thư là công cụ phát hiện những thương tổn tiền ung thư hoặc ung thư giai đoạn sớm ở những người không có triệu chứng. Qua tầm soát, khi phát hiện ung thư ở giai đoạn đầu, trong đó có một số bệnh lý ung thư được chữa khỏi hoàn toàn. “Việc này giúp người bệnh tiết kiệm được rất nhiều chi phí điều trị, không cần hóa xạ trị, tăng thời gian sống còn và giảm tỷ lệ tử vong”, BS Trần Văn Khanh nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục