Tám nhóm giải pháp chủ yếu thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài

Kết quả thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài (ĐTNN) trong 30 năm qua là một minh chứng về thành tựu đổi mới và hội nhập của đất nước ta.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tham dự, chủ trì hội nghị.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tham dự, chủ trì hội nghị.

Hội nghị định hướng thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài trong thời gian tới vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) phối hợp với UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức sáng 21-12. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tham dự, chủ trì hội nghị.

Theo Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Vũ Đại Thắng, kết quả thu hút và sử dụng ĐTNN trong 30 năm qua là một minh chứng về thành tựu đổi mới và hội nhập của đất nước ta.

Khu vực ĐTNN là nguồn vốn bổ sung quan trọng trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế; hình thành một số ngành công nghiệp mũi nhọn; gia tăng năng lực sản xuất; giữ vai trò chủ đạo trong xuất khẩu, đưa Việt Nam tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu… Tỷ trọng vốn ĐTNN thực hiện trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt mức trung bình 18-25% trong giai đoạn 1991- 2017.

Về đóng góp ngân sách, riêng năm 2017, khu vực ĐTNN đã đóng góp hơn 8 tỷ USD, chiếm 17,1% tổng thu ngân sách nhà nước. Các dự án ĐTNN cũng giúp tạo công ăn việc làm cho trên 3,6 triệu lao động trực tiếp, từ 5-6 triệu lao động gián tiếp. Năng suất lao động của khu vực ĐTNN luôn ở mức cao hơn năng suất bình quân chung của cả nước (năm 2017, cao hơn 3,7 lần).

Thứ trưởng Vũ Đại Thắng khẳng định, thời gian tới, Việt Nam tiếp tục khẳng định khu vực ĐTNN là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế, được khuyến khích phát triển lâu dài.

“Định hướng của Việt Nam trong việc thu hút dòng vốn này thời gian tới là tập trung thu hút các nhà ĐTNN đầu tư vốn, công nghệ cao, quản trị hiện đại, mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu góp phần nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng công nghiệp 4.0”, ông Vũ Đại Thắng nhìn nhận.

Để thực hiện mục tiêu, định hướng nói trên, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng đề nghị, trong thời gian tới, Việt Nam cần tập trung thực hiện 8 nhóm giải pháp chủ yếu.

Đó là thống nhất nhận thức và hành động để triển khai các chủ trương, chính sách về ĐTNN; hoàn thiện thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để thu hút và sử dụng có hiệu quả ĐTNN; vận hành có hiệu quả các loại thị trường và mở cửa thị trường để thu hút ĐTNN; khuyến khích, thúc đẩy, hỗ trợ việc liên doanh, liên kết, chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp ĐTNN. Bên cạnh đó, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để định vị lại lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút ĐTNN; thu hút và sử dụng ĐTNN gắn với khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường; điều chỉnh các chính sách thu hút và sử dụng ĐTNN liên quan đến các cam kết quốc tế.

Cuối cùng, nhưng không kém phần quan trọng là nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của các nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân trong việc thu hút và sử dụng ĐTNN.

Tin cùng chuyên mục