Tấm lòng nghệ sĩ vẫn đong đầy

Hai năm qua, nghệ sĩ làm từ thiện trở thành cụm từ nhạy cảm, luôn nhận về nhiều ý kiến trái chiều. Vượt qua nhiều hoài nghi, vất vả, các nghệ sĩ vẫn hết lòng, hỗ trợ người dân khó khăn theo cách của mình. Giờ đây, cách làm từ thiện của nghệ sĩ cũng đã có thay đổi, chỉn chu và chuyên nghiệp hơn.
Ca sĩ Hòa Minzy trao tiền hỗ trợ đến người dân Nghệ An. Ảnh: FBNS
Ca sĩ Hòa Minzy trao tiền hỗ trợ đến người dân Nghệ An. Ảnh: FBNS

Không ồn ào

Trước thiệt hại mưa bão tại Nghệ An, ca sĩ Khắc Việt cùng tập thể công ty nhanh chóng ủng hộ 500 triệu đồng thông qua Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhằm phân bổ kịp thời tới người dân. Ca sĩ Hòa Minzy cũng thông qua Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam quyên góp 300 triệu đồng và quà cho gần 400 hộ dân khu vực bị ảnh hưởng nặng nề do bão số 4 (Noru). Mới nhất, sau sự cố lũ quét tại Nghệ An, Hòa Minzy trực tiếp trao 1.000 phần thuốc cho người lớn, trẻ em và trao tận tay 400 hộ dân xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn số tiền 200 triệu đồng. 

Nhiều nghệ sĩ khác cũng có các hoạt động từ thiện như diễn viên Nhã Phương, ca sĩ Thủy Tiên thông qua Hội Chữ thập đỏ Việt Nam giúp bà con ở các địa phương của Quảng Ngãi, Nghệ An, Hà Tĩnh. Ca sĩ, nhạc sĩ Phan Mạnh Quỳnh, ca sĩ Đen Vâu hỗ trợ người dân Nghệ An bị lũ quét thông qua Ban Cứu trợ tỉnh Nghệ An… Trong tình hình lũ quét tại khu vực Đà Nẵng, Nghệ An, Quảng Nam vừa qua, nhiều nghệ sĩ cũng đã lên đường để chung tay hỗ trợ người dân.

Cẩn trọng pháp lý

Có một điểm chung của các nghệ sĩ đi làm từ thiện mùa mưa bão năm nay, đó là không còn những cuộc kêu gọi, những hoạt động tổ chức riêng lẻ cá nhân như thời gian trước. Các nghệ sĩ bây giờ làm từ thiện đều dựa vào hay thông qua các cơ quan có chức năng như Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ, ban cứu trợ các địa phương… Còn nếu đi riêng lẻ thì họ sẽ sử dụng tài chính cá nhân hoặc từ sự quyên góp trong một quy mô nhỏ như bạn bè, người thân. Rất ít trường hợp kêu gọi quyên góp cộng đồng, nhất là thông qua mạng xã hội như trước đây.

Mới đây nhất, câu chuyện CLB Suối Mát Từ Tâm cùng các người đẹp của cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022 kêu gọi quyên góp đã nhận phản ứng trái chiều từ dư luận. Lý do là CLB, các hoa hậu, á hậu đã chia sẻ số tài khoản nhận từ thiện là một tài khoản cá nhân, vi phạm các hướng dẫn của Nghị định 93/2021/NĐ-CP về vận động các nguồn tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai. Ngay sau đó, đơn vị này đã thay đổi hình thức quyên góp theo đúng quy định, đặc biệt là kết nối cùng Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM và các tỉnh, thành, như phối hợp các cơ quan chức năng tại Quảng Nam, Quảng Ngãi để hỗ trợ cho các trường hợp gặp khó khăn ở các địa phương này.

Nghệ sĩ bây giờ cũng đã hiểu, việc làm từ thiện là tốt nhưng khi gắn với cộng đồng xã hội, nhất là liên quan đến tiền bạc thì không thể chỉ dùng tâm thế “nghệ sĩ” để xử lý mà cần có sự minh bạch, rạch ròi. Cần đảm bảo tuân theo các quy định pháp lý khi kêu gọi quyên góp, đặc biệt là khi thông qua mạng xã hội, từ đó giúp việc làm thiện nguyện mang đúng ý nghĩa là sự san sẻ, “lá lành đùm lá rách” như truyền thống tốt đẹp ngàn đời của nhân dân ta.

Luật sư Ngô Việt Bắc, Trưởng Văn phòng Luật sư Sài Gòn Tây Nguyên, tư vấn: “Bài đăng kêu gọi quyên góp trên mạng xã hội phải thể hiện nội dung ai là người đứng ra kêu gọi vận động, ai là người tiếp nhận, địa điểm tiếp nhận, phương thức quản lý, người được hỗ trợ thuộc xã nào, huyện nào, tỉnh nào… Mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý số tiền đóng góp; có biên nhận các khoản đóng góp khi tổ chức, cá nhân đóng góp yêu cầu. Không được tiếp nhận thêm các khoản đóng góp sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận cam kết và phải thông báo đến nơi mở tài khoản về việc dừng tiếp nhận các khoản đóng góp”.

Tin cùng chuyên mục