Tấm lòng của “quái kiệt Sài Gòn”

Không chỉ tận tâm với nghề giáo, thầy còn đứng ra thành lập Trung tâm Bảo trợ xã hội nuôi dưỡng trẻ mồ côi và khuyết tật Hướng Dương.
Thầy Vinh ấp ủ mong muốn mở rộng trường để nuôi dưỡng ước mơ cho nhiều học trò nghèo
Thầy Vinh ấp ủ mong muốn mở rộng trường để nuôi dưỡng ước mơ cho nhiều học trò nghèo
“Quái kiệt Sài Gòn” là nghệ danh mà nhiều bạn bè ưu ái dành cho thầy giáo Nguyễn Thế Vinh. Anh là nghệ sĩ đa tài, vừa là ông giáo làng tận tâm với nghề khi đứng ra thành lập Trung tâm Bảo trợ xã hội nuôi dưỡng trẻ mồ côi và khuyết tật Hướng Dương.
Ươm những hạt giống
Thầy giáo Nguyễn Thế Vinh tốt nghiệp Đại học Kinh tế với tấm bằng loại ưu, nhưng cơ duyên lại đưa anh rẽ hướng gắn bó với nghề giáo. Một lần, người quen mời anh về thăm nhà ở Bến Cát (Bình Dương) và ngỏ ý nhờ anh ôn thi đại học cho một số học sinh. Anh thử sức và năm đó, lứa học trò đầu tiên đậu cao. Cơ duyên đến với nghề như thế, anh quyết định dừng chân ở đất Bình Dương. Được tiếp xúc với nhiều em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, mồ côi, khuyết tật, thầy Vinh như nhìn thấy một phần tuổi thơ cơ cực của mình trong đó. Sự đồng cảm, tình thương đã thôi thúc người thầy phải làm điều gì đó lớn hơn để cưu mang, chở che cho những mảnh đời không may mắn. Ý tưởng nhen nhóm trong anh Vinh giản dị vô cùng: Xây một ngôi trường nhỏ với vài lớp học, phòng ngủ, bếp ăn, rồi “gom” mấy đứa nhỏ lại, thầy trò cùng nhau sinh hoạt và học tập dưới mái nhà chung ấy.
Tấm lòng của “quái kiệt Sài Gòn” ảnh 1 Thầy giáo Nguyễn Thế Vinh đi biểu diễn tạo nguồn hoạt động cho Trung tâm Hướng Dương
Trung tâm Hướng Dương nằm dưới chân dốc một con hẻm nhỏ (số 572 tổ 18B, khu phố 2, thị trấn Mỹ Phước, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương), không gian khá khiêm tốn này vừa là lớp học, vừa là nhà của hơn 100 em nhỏ. Khi mới bắt tay vào thực hiện dự án thành lập trung tâm, anh Vinh vấp phải vô vàn khó khăn, từ thủ tục hành chính đến kinh phí, đất đai xây dựng trường. Để xây một ngôi trường đầy đủ, đạt chuẩn cơ bản cho các em với nguồn kinh phí eo hẹp, anh phải “liệu cơm gắp mắm” kỹ lưỡng. Trường xây xong lại thêm thách thức lớn: đi tìm học trò. Trong 7 năm ròng rã, tết năm nào anh cũng bắt xe đi khắp cả nước để tìm những “hạt giống tốt”. Nghe ở đâu có học sinh nghèo, hiếu học là anh Vinh lập tức tìm đến thuyết phục và đưa về trung tâm. 
Lần lượt từng thế hệ học trò may mắn được thầy Vinh nuôi dạy. Hướng Dương là một tập thể đoàn kết, keo sơn như anh em một nhà. Ngoài giờ học chính quy ở trường, các em còn được phụ đạo thêm các môn Toán, Lý, Hóa do 5 thầy cô bộ môn giảng dạy, hoặc học cách sử dụng một số nhạc cụ âm nhạc. Thầy Vinh còn dạy các em ý thức lao động từ những việc nhỏ nhất trong nhà như dọn dẹp, nấu cơm, trồng rau, sửa đồ gia dụng…
Hướng Dương trên đất Nhật
Sau 7 năm thành lập, đến nay có 32 sinh viên của Trung tâm Hướng Dương đang sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản; 1 em đi Úc và 1 em ở Mỹ. Năm 2017, Hướng Dương thành lập chi nhánh tại Nhật Bản, tạo điều kiện tốt hơn cho các du học sinh tại Trung tâm Hướng Dương Việt Nam có môi trường học tập và làm việc tốt khi sang Nhật.
Những đứa trẻ cơ nhỡ, có hoàn cảnh khó khăn, thậm chí cá biệt lại trở nên ưu tú, tương lai rạng ngời khi chạm tay đến cánh cửa du học. Một ngôi trường nhỏ bé nằm nép mình nơi phố huyện đã vang danh là “lò luyện” nhân tài. Hướng Dương bây giờ đã khang trang và tiện nghi hơn nhiều; nề nếp sinh hoạt, học tập của các em đã đi vào khuôn khổ. Thế nhưng, để có được ngày hôm nay, ít ai biết thầy Vinh đã đi một quãng đường nhiều trắc trở. 
Thế Vinh sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Tuổi thơ anh chịu nhiều thiệt thòi khi sớm mồ côi cả cha lẫn mẹ.  Lên 8 tuổi, sau một tai nạn trong lúc chăn bò, anh mất đi cánh tay phải. Thế nhưng, bằng sự kiên cường, mạnh mẽ, Vinh lần lượt đi qua hết những ngày tháng đau buồn đó nhờ tình yêu thương của người thân và bạn bè. Vinh sáng dạ, chăm học, do vậy anh đậu điểm cao vào đại học, được nhận học bổng 75% suốt 4 năm học. 
Để trang trải cuộc sống, anh làm rất nhiều nghề: giữ xe, vá xe đạp, sửa điện thoại, buôn thực phẩm… Anh từng đạp xe khắp các con phố ở Sài Gòn để đi dạy kèm, có ngày đi đến vài chục cây số để “chạy show” liên tiếp nhiều lớp trong ngày. Nhờ kinh nghiệm và vốn kiến thức tích lũy, trui rèn đó, thầy Vinh có thể dạy ôn thi đại học rất tốt cả ba môn khối A.
Để có kinh phí duy trì cuộc sống cho các em ở Hướng Dương, anh Vinh tham gia nhiều chương trình văn nghệ, giao lưu âm nhạc trong và ngoài nước. Với khả năng chơi guitar bằng một tay và thổi kèn harmonica, anh có cơ hội diễn ở nhiều chương trình âm nhạc lớn với mức cát xê khá cao. Nhắc đến khả năng chơi nhạc, Thế Vinh một lần nữa khiến nhiều người nể phục. Âm nhạc là người bạn, là đam mê và cây đàn guitar như “cứu cánh của cuộc đời” đã đưa Vinh vượt qua giai đoạn khó khăn, buồn tủi nhất thuở thiếu thời. Giờ đây, chính đam mê ấy đã góp phần lớn để duy trì hoạt động của Trung tâm Hướng Dương. Những chuyến lưu diễn của anh ở nước ngoài giúp anh góp phần quỹ lớn để chăm lo cho Hướng Dương.
Vừa qua, Thế Vinh đã ra mắt cuốn tự truyện kể về chính cuộc đời mình với tựa đề Ông giáo làng trên tầng áp mái. Tự truyện là thước phim dài về cuộc đời của Nguyễn Thế Vinh, từ thơ ấu đến khi trở thành người thầy giáo tâm huyết của ngôi trường Hướng Dương. Và trên chặng đường mưu sinh đầy vất vả, chưa bao giờ Nguyễn Thế Vinh buông xuôi hay tự ti với khiếm khuyết của mình. Cách anh đối mặt, vượt qua mỗi thời điểm gian khó của cuộc đời đã phần nào truyền cảm hứng, nghị lực sống đến với rất nhiều độc giả.

Tin cùng chuyên mục