Tấm lòng của người con xa xứ

Năm 2020 được xem là một năm đầy biến động, thế giới gánh chịu những tác động mạnh từ dịch bệnh, thảm họa thiên nhiên. Trước những thách thức, hai công ty xử lý chất thải ở Hoa Kỳ và Việt Nam do ông David Dương làm chủ đã chủ động thích nghi với hoàn cảnh hiện tại, đồng thời nhanh chóng tham gia nhiều hoạt động hỗ trợ cộng đồng đang gặp khó khăn.
Ông David Dương, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CWS và VWS
Ông David Dương, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CWS và VWS

Thích ứng trước biến động

Nhìn nhận về tình hình phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại Công ty California Waste Solutions (CWS) có trụ sở tại Hoa Kỳ và Công ty Vietnam Waste Solutions (VWS) tại Việt Nam, ông David Dương cho biết, ông rất vui mừng khi Việt Nam đã khống chế thành công dịch bệnh Covid-19, trong khi thời điểm này nhiều quốc gia trên thế giới vẫn lao đao với dịch bệnh.

Ông David Dương chia sẻ: “Tôi nhận thấy Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ người nhiễm bệnh thấp nhất, tôi rất mừng về điều này. Công ty VWS ở Việt Nam không có ca nhiễm nào cả, tuy nhiên chúng tôi vẫn rất thận trọng trong công tác phòng chống dịch để bảo vệ sức khỏe cho công nhân viên. Chúng tôi thực hiện đầy đủ các khuyến cáo của ngành y tế về phòng chống dịch như giãn cách, đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, đeo găng tay y tế, rửa tay sát khuẩn”. 

Ông David Dương cho biết thêm, bên Hoa Kỳ, người bản địa họ cho rằng, người bị bệnh mới đeo khẩu trang, còn người bình thường thì không cần thiết phải đeo. Trong thời gian đầu, ban quản lý của Công ty CWS thường xuyên họp để phân tích cho công nhân viên việc đeo khẩu trang là để bảo vệ cho chính họ khỏi bị lây nhiễm. Sau khi thấu hiểu họ đã tự giác đeo khẩu trang, găng tay, giữ khoảng cách an toàn. Thời gian sau chính quyền ra luật bắt buộc người dân đeo khẩu trang thì tình hình càng diễn tiến thuận lợi hơn.

Hoạt động xử lý rác thải trong thời điểm dịch bệnh tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người lao động, nhất là khẩu trang y tế đã qua sử dụng được vứt bỏ vào thùng rác. Sau một năm đầy biến động, nhiều khó khăn thách thức nhưng doanh nghiệp đã thích ứng được với hoàn cảnh để xử lý rác thải hiệu quả ở hai quốc gia Hoa Kỳ và Việt Nam. Song song đó, CWS và VWS luôn đồng hành, tham gia công tác thiện nguyện, chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng.

Trách nhiệm với cộng đồng, quê hương

Trong nhiều năm qua, CWS và VWS luôn đồng hành, tham gia công tác thiện nguyện, chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng. Trong thảm họa nặng nề do dịch Covid-19 và đợt bão lũ ở miền Trung vừa qua, ông David Dương cùng tập thể công ty luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm, có những hoạt động thiết thực đến cộng đồng, hướng về đồng bào quê hương. Khi Hoa Kỳ tuyên bố tình trạng khẩn cấp dịch bệnh Covid-19, cũng là lúc các trang thiết bị y tế thiếu hụt trầm trọng, nhất là khẩu trang. Tại thời điểm khẩn cấp, CWS đã tặng 40.000 chiếc khẩu trang y tế N95. Ngoài ra công ty còn đặt thêm 80.000 chiếc khẩu trang vải và 1,5 triệu chiếc khẩu trang y tế ở Việt Nam để mang về tặng cho người dân Hoa Kỳ.

Phối cảnh 3D - Công nghệ xử lý rác mới tại Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước

Một chương trình khác vào giữa tháng 4-2020, ông David Dương đã ủng hộ 100.000 USD vào Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 của Tổng Lãnh sự Việt Nam tại San Francisco (Hoa Kỳ). Tại Việt Nam, VWS cũng đã ủng hộ 200 triệu đồng hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 và hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn trong thời gian qua. Đến ngày 8-11-2020, ông David Dương đã trao tặng số tiền 120.000 USD cho Tổng Lãnh sự Việt Nam tại San Francisco, Hoa Kỳ để hỗ trợ bà con miền Trung đang gặp khó khăn trong mùa bão lũ. Cũng tại buổi lễ trao tặng này, Hiệp hội Doanh nhân Việt Mỹ (VABA) do ông David Dương làm Chủ tịch cũng đã trao tặng 51.000 USD. Tổng số tiền trong buổi lễ trao tặng cho Tổng Lãnh sự Việt Nam tại San Francisco của CWS, VWS và VABA là 171.000 USD.

Ông David Dương chia sẻ, những hình ảnh tang thương, mất mát của miền Trung vừa qua khiến ông rất đau lòng. Hàng vạn gia đình phải đối mặt với bão lũ chồng chất. Sạt lở đất, núi đã lấy đi tính mạng của nhiều đồng bào ta. Bao ngôi nhà, ruộng đồng, hoa màu bị vùi lấp dưới đống đất đá, cuốn theo dòng nước lũ. “Tôi xin đóng góp một phần để hỗ trợ người dân vượt qua cơn khó khăn. So với mất mát to lớn của đồng bào miền Trung, đây chỉ là chút đóng góp nhỏ nhoi nhưng là tấm lòng ấm áp của người Việt sống tại Hoa Kỳ cũng như những người con xa quê hương trên khắp thế giới gửi về”, ông David Dương bày tỏ. Ông David Dương ví von, trong tình hình dịch bệnh Covid-19, nếu so sánh Việt Nam là “lá rách” thì Hoa Kỳ phải là “lá tả tơi”, riêng công ty chịu ảnh hưởng khá nặng nề do dịch bệnh. Tuy nhiên công ty vẫn luôn giữ tinh thần kiều bào hướng về quê hương.

Mỗi đóng góp của những người con xa xứ hướng về đồng bào miền Trung bị bão lũ vừa qua không thể đong đo bao nhiêu là đủ, ở đó tất cả cùng chung một tấm lòng. 

Năm mới, hy vọng mới

Nói về khát vọng lớn nhất của một người con xa xứ hướng về quê hương, ông David Dương tỏ bày: “Xây dựng sự nghiệp nơi xứ người chỉ với hai bàn tay trắng, nay đã có được chỗ đứng trong lĩnh vực xử lý chất thải tại Hoa Kỳ, tôi khát khao được đem tất cả tài lực, công nghệ và cả những kinh nghiệm mà tôi có được trong lĩnh vực xử lý chất thải ở Hoa Kỳ đưa về xây dựng ở quê hương, để góp phần làm cho môi trường được trong lành sạch đẹp. Đó là điều tôi mong muốn nhất.

Năm 2021, tôi hy vọng sẽ tạo thêm công ăn việc làm cũng như góp phần bảo vệ môi trường, với dự án chuyển đổi công nghệ xử lý rác mới bằng phương pháp đốt rác phát điện tại Khu Liên hợp xử lý chất thải Đa Phước, mà chúng tôi đã trình thành phố. Kinh phí dự trù cho lần thay đổi công nghệ mới này hơn 400 triệu USD. Nếu thành phố chấp thuận, chúng tôi sẽ cho ra thị trường rất nhiều sản phẩm hữu ích như phân bón, vật liệu xây dựng, điện… mang lại lợi ích cho xã hội. Chúng tôi mong thành phố sẽ sớm phê duyệt công nghệ mới theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ và châu Âu này, vì những lợi ích to lớn của nó mang lại, trong việc bảo vệ môi trường, tạo thêm nhiều sản phẩm cho xã hội, cũng như công ăn việc làm cho người lao động. 

Song song đó, Khu Công nghệ Môi Trường Xanh là dự án thứ hai mà VWS đang thực hiện tại huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An với tổng diện tích 1,760ha; sử dụng công nghệ đốt phát điện hiện đại theo tiêu chuẩn châu Âu. Dự kiến sau khi đi vào hoạt động, dự án sẽ tiếp nhận và xử lý đa dạng tất cả các loại chất thải cho TPHCM, tỉnh Long An và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với công suất mỗi ngày khoảng 44.000 tấn rác thải. Hiện nay dự án đang trong giai đoạn điều chỉnh quy hoạch và chờ ý kiến phê duyệt của các cấp có thẩm quyền”.

Tin cùng chuyên mục