Tấm lòng của một người con đất Việt

Thích ứng với thực tại khắc nghiệt do đại dịch Covid-19 gây ra trong thời gian qua, thắng lợi trong cuộc cạnh tranh dành quyền thu gom và xử lý rác thải cho thành phố San Jose, đồng thời có nhiều đóng góp tích cực hỗ trợ cộng đồng vượt qua khó khăn là những dấu mốc đáng nhớ của Công ty California Waste Solutions (CWS) có trụ sở tại Hoa Kỳ và Công ty TNHH Xử Lý Chất Thải Việt Nam (VWS) trong năm vừa qua.

Trước thềm năm mới Nhâm Dần 2022, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện trực tuyến với ông David Dương - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Mỹ (VABA), Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CWS và VWS về những nỗ lực tạo nên những thành quả đáng tự hào.

Ông David Dương - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty CWS và VWS
Được biết, CWS đã giành được quyền thu gom và xử lý rác thải cho thành phố San Jose, xin ông chia sẻ thêm thông tin về tin vui này?

Ông David Dương: Đầu tháng 7-2021, CWS đã may mắn ký lại hợp đồng thu gom rác với thành phố San Jose có thời hạn 15 năm, trị giá 1,2 tỷ USD. Nhìn lại hành trình đi đến thắng lợi này, đó thực sự là một “cuộc chiến” cân não, hết sức quyết liệt. Nhưng với lợi thế về công nghệ và kinh nghiệm trên thị trường, CWS đã vượt qua nhiều đối thủ cạnh tranh, mang về niềm tự hào cho bản thân tôi và cả cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ.

Nhân viên Công ty CWS thu gom rác tái chế tại Hoa Kỳ
Từ năm 2015, CWS đã ký hợp đồng 20 năm với thành phố Oakland, trị giá hơn 1 tỷ USD. Hiện thành phố Oakland đang thương lượng với CWS để gia hạn thêm 10 năm và bổ sung thêm một số hạng mục thu gom. Tin vui  là CWS vừa mới mua miếng đất 14 mẫu tại cầu cảng của thành phố Oakland để xây dựng nhà máy phân loại và tái chế. Tất cả các thủ tục giấy phép đã được thành phố Oakland và các sở ban ngành phê duyệt. Dự kiến nhà máy này được đầu tư khoảng 120 triệu USD, xây dựng trong thời gian 2 năm. Với lợi thế về vị trí ngay cầu cảng thành phố Oakland, các sản phẩm từ rác sau khi được phân loại sẽ được đóng kiện để vận chuyển đi các nơi rất thuận tiện.
Tấm lòng của một người con đất Việt ảnh 3 Công ty California Waste Solutions (CWS) có trụ sở tại Hoa Kỳ 
Với vai trò là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Mỹ (VABA) ông có nhìn nhận gì về tình hình xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ trong năm 2021, thưa ông?

Ông David Dương: Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm vì bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, với vai trò là Chủ tịch VABA, trong cuộc gặp với lãnh đạo Dân biểu Quốc hội trong Ủy ban hoạch định các chính sách Hoa Kỳ về giao thương và thuế đối với quốc tế và an sinh xã hội, tôi đã lắng nghe và tìm hiểu các cơ hội để có thể giúp đỡ Doanh nhân Việt Mỹ hiểu rõ hơn về chính sách giao thương và áp thuế những ngành nghề chủ lực của Việt Nam. 

Thông qua báo đài trong nước, tôi cũng rất mừng khi được biết những ngành nghề chủ lực của Việt Nam như: Dệt may, sản phẩm bằng gỗ, sắt thép, thủy sản, điện thoại, linh kiện điện tử, máy móc, thiết bị, phụ tùng và đặc biệt là nông sản đã được xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ tăng mạnh trong thời gian qua. 

Trong vai trò Chủ tịch VABA, một năm qua ông có những hoạt động gì giúp cộng đồng doanh nhân Việt Kiều?
|
Ông David Dương: Trong năm 2021 khi Hoa Kỳ từ từ mở cửa kinh tế cũng là lúc VABA bắt đầu hoạt động trở lại, tuy nhiên trong thời gian khó khăn của năm 2020 - 2021 tôi vẫn thường xuyên liên hệ với tất cả các cấp chính quyền tại Hoa Kỳ qua trực tuyến để có những thông tin trợ giúp của các chính quyền liên bang, tiểu bang và địa phương về các chương trình tài trợ tài chính để trợ giúp các Doanh nghiệp người Việt có thể vượt qua trong thời gian khó khăn chung. Chúng tôi cũng đã làm việc trực tiếp với các Sở Cảnh sát tại thành phố San Jose và Oakland về các chương trình trợ giúp của Sở Cảnh sát đảm bảo được sự an toàn cho các Doanh nghiệp của người Việt Nam trong các khu thương mại. 

Trong nhiều năm làm Chủ tịch VABA, ông có nhận định như thế nào về việc hướng giới doanh nhân Việt kiều về đầu tư tại Việt Nam?

Ông David Dương: Tôi cũng luôn quan tâm đến việc làm sao có thể kêu gọi và tạo điều kiện để các doanh nghiệp Hoa Kỳ gốc Việt hướng về Việt Nam đầu tư. 

Sau nhiều năm trao đổi với các doanh nghiệp trong hiệp hội VABA, các hội viên vẫn thường đề nghị, để kiều bào về đầu tư tại quê nhà thì nên tạo một dự án lớn tầm cỡ, có lợi ích trực tiếp cho người dân và có thể là dự án cổ phần để cho các hội viên và bà con Việt kiều kể cả các doanh nghiệp Việt kiều cùng tham gia bỏ vốn vào. 

Tại Việt Nam,  dự án Khu Công nghệ Môi Trường Xanh được các chuyên gia nhận định hội đủ các tiêu chí để kêu gọi kiều bào về đầu tư, ông có thể chia sẻ thêm về dự án này?

Ông David Dương: Xử lý rác thải bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe cho người dân là ngành chuyên môn của tôi tại Hoa Kỳ và Việt Nam. Sau gần 20 năm hoạt động tại Việt Nam, Công ty VWS đã đầu tư trên 150 triệu USD theo công nghệ xử lý rác đạt tiêu chuẩn bảo vệ môi trường của Hoa Kỳ. 

Năm 2012 Chính phủ Việt Nam, TPHCM và tỉnh Long An đã chấp thuận cho chúng tôi thành lập Công ty Cổ phần Xử lý Chất thải Việt Nam Long An (VWSLA) và đã giao 1.760 hecta đất tại huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An để Công ty VWSLA đầu tư dự án khoảng 800 triệu USD. Dự án Khu Công nghệ Môi Trường Xanh có các công nghệ phù hợp nhất để xử lý rác thải, sản xuất ra các sản phẩm có lợi từ rác, tổng quy mô xử lý ước tính khoảng 30.000 tấn/ngày. Đây là dự án mà chúng tôi đã ấp ủ và nghiên cứu nhiều năm với ước nguyện sẽ là cầu nối cho Việt kiều cùng tham gia mua cổ phần đầu tư vào một dự án tầm vóc quốc tế góp phần phát triển khoa học công nghệ, môi trường và phát triển kinh tế theo lời kêu gọi của Chính phủ Việt Nam đối với Việt kiều. 

Là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường, vì sao ông lại quan tâm chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine Covid-19?

Ông David Dương: Tôi đã trực tiếp đi vận động, đến văn phòng của các thượng nghị sĩ, Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ, Văn phòng Phó Tổng thống Hoa Kỳ để tác động việc mua vaccine Covid-19 dành tặng cho Việt Nam. Song song với đó, tôi cũng tích cực vận động một số doanh nhân tại Hoa Kỳ, cùng chung tay góp sức.

Theo đánh giá của tôi, dịch bệnh có thể kéo dài và chưa thể kết thúc trong ngày một ngày hai. Vì vậy, nếu chủ động sản xuất được vaccine sẽ là một lợi thế lớn trong việc tạo miễn dịch trong cộng đồng. Với những biến thể virus mới liên tục xuất hiện, thì vaccine cũng phải liên tục được nâng cấp. Do đó, tôi đã tìm được nhà cung cấp vaccine tại Hoa Kỳ và thật đáng mừng, họ đã đồng ý chuyển giao công nghệ về Việt Nam sản xuất. Điều tiếp theo của chúng tôi là tìm nhà sản xuất trong nước đã có dây chuyền công nghệ sản xuất vaccine tiếp nhận việc chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine ngừa Covid-19. 

Khi nhà sản xuất chuyển giao công nghệ, đồng nghĩa với việc họ có trách nhiệm nghiên cứu để cung cấp những công thức ngăn ngừa những chủng virus mới cho đơn vị nhận công nghệ chuyển giao. Nếu mọi việc được thuận lợi, Việt Nam sẽ có công nghệ sản xuất vaccine của Hoa Kỳ và được sản xuất ngay tại đất nước mình.

Trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh, ông đã quyết định tài trợ 1.250 máy tạo oxy cho Chính phủ Việt Nam. Động lực nào giúp ông đưa ra quyết định nhanh chóng đến như vậy? 

Ông David Dương: Thời điểm đó, tôi bận công tác tại Hoa Kỳ nhưng ngày nào cũng nghe ngóng thông tin quê nhà trên internet. Khi biết được quê mình nơi có những người thân, bạn bè, chuyên gia, công nhân viên của tôi và bà con cả nước, đặc biệt là TPHCM đang phải gánh chịu những nguy hiểm từ dịch bệnh, tôi và gia đình quyết định trích phần lợi nhuận năm nay để tài trợ 1.250 máy tạo oxy chuyển gấp về Việt Nam. Cá nhân tôi mong muốn người nhiễm Covid-19 được trợ thở, nhanh chóng lấy lại sức khỏe để hạn chế những mất mát, đau thương do bệnh dịch gây ra. 

Một năm khó khăn đã đi qua, cuộc sống đã dần trở lại bình thường mới, ông có lời chúc nào dành cho quê hương trong không khí rộn ràng chào đón xuân Nhâm Dần 2022 này?


Ông David Dương: Có lẽ không chỉ riêng tôi mà rất nhiều bà con Việt kiều khắp nơi trên thế giới cũng mong muốn được trở về đón tết cổ truyền. Ngoài công việc ra, chúng tôi cũng rất háo hức để gặp lại người thân, bạn bè, đội ngũ anh em công nhân viên đã gắn bó suốt nhiều năm qua, và hơn hết là được ngắm nhìn lại những hình ảnh thân thuộc của thành phố, của quê hương sau nhiều tháng ngày xa cách vì đại dịch. Qua Báo Sài Gòn Giải Phóng, tôi xin gửi lời chúc mạnh khỏe, bình an đến bà con ở quê hương. Cầu mong dịch bệnh sớm được đẩy lùi để mọi người, mọi nhà sẽ yên vui, hạnh phúc và đạt nhiều thắng lợi hơn trong năm mới.

Ngoài việc tài trợ 1.250 máy tạo oxy cho Chính phủ Việt Nam để chia sẻ bớt gánh nặng của ngành y tế của Công ty CWS thì tại Việt Nam, Công ty VWS của doanh nhân David Dương còn tài trợ các trang thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19. Giữa tháng 07-2021, VWS đã tặng 3.600 que test nhanh kháng nguyên vi rút SARS-CoV-2, xuất xứ Hàn Quốc cho Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bến Tre và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Tháp với tổng số tiền 554 triệu đồng. 

Công ty VWS cũng đã tài trợ hàng chục ngàn khẩu trang N95, quần áo bảo hộ cho một số địa phương và cơ quan truyền thông tuyến đầu chống dịch. Bên cạnh đó, khi TPHCM từng bước trở lại cuộc sống bình thường mới, thông qua chương trình kích cầu du lịch về huyện Cần Giờ, VWS đã tài trợ cho Cuộc đua xe đạp phong trào VOH lần 2 do Đài tiếng nói Nhân dân TPHCM tổ chức, nhằm lan tỏa thông điệp trồng thêm cây xanh bảo vệ môi trường và đồng hành cùng thành phố trên hành trình từng bước tái tạo, phục hồi lại nền kinh tế sau trận dịch nhiều mất mát.

Tin cùng chuyên mục