Tấm lòng của mẹ

- Bây có việc gì cần mẹ phụ không? 

- Tụi con may khẩu trang tặng bà con phòng chống dịch nè mẹ!

- Vậy mẹ phụ cắt vải, phụ may với bây nghe.

- Bây có việc gì cần mẹ phụ không? 

- Tụi con may khẩu trang tặng bà con phòng chống dịch nè mẹ!

- Vậy mẹ phụ cắt vải, phụ may với bây nghe.

Kể từ bữa đó, cứ gần 3 giờ chiều hàng ngày, mẹ Quýt lại qua nhà chị Đào cắt khẩu trang theo rập có sẵn, rồi mang về nhà may. Hai mẹ con túc tắc cắt cắt, may may và còn mang chia cho các chị em ở phường cùng làm.

Mẹ Quýt cặm cụi ngồi may khẩu trang tặng người dân phòng chống dịch Covid-19


Chiếc khẩu trang thắm tình mẹ

Nhà mẹ Quýt nằm sâu trong một con hẻm ngoằn ngoèo ở phường 5, quận Gò Vấp, TPHCM. Khi chúng tôi đến, bước qua cánh cổng đã nghe tiếng đạp máy lạch cạch từ góc nhà. Mẹ ngồi đó, bên chiếc máy may truyền thống đã cũ, cặm cụi so từng đường kim mũi chỉ. 

Việc may khẩu trang tưởng dễ nhưng có vài chi tiết nhỏ đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ nên mẹ Quýt tập trung rất kỹ. Có khi mẹ phải đưa mắt vào gần để nhìn rõ đường may đã đúng nếp hay chưa. Dáng mẹ nhỏ nhắn, khi ngồi trên ghế may thấy rõ tấm lưng đang còng xuống. Đôi tay mẹ gầy guộc, ngỡ yếu đuối là vậy nhưng lại thoăn thoắt ráp từng miếng vải, xếp ly tỉ mẩn từng nếp khẩu trang, rồi xoay trục máy may. Phía dưới, đôi chân vẫn nhịp nhàng đạp bàn máy. Lạch cạch, lạch cạch… Cứ vậy mà những chiếc khẩu trang nên hình nên dạng. 

Sau lưng mẹ, chị Phan Thị Hồng Đào, Chi hội trưởng Hội Phụ nữ khu phố 6, phường 5, quận Gò Vấp, người phụ trách phong trào may khẩu trang phòng chống dịch Covid-19 phát cho bà con ở khu phố, đang đứng cắt vải. Nhìn về phía mẹ, chị Đào nói: “Mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Quýt nay 95 tuổi rồi nhưng còn minh mẫn lắm. Nhìn mẹ ngồi may thấy thương không? Dáng nhỏ xíu, cặm cụi may hoài. Công việc may khẩu trang phần lớn là chị em trong khu phố làm, còn mẹ góp sức được chừng nào mình mừng chừng đó, vì sợ mẹ ham việc ảnh hưởng đến sức khỏe. Mẹ tham gia may khẩu trang từ lúc xuất hiện dịch tới giờ. Bình thường mẹ hay qua cắt vải bên nhà chị, bữa nay chị qua nhà mẹ cùng làm”.

Theo lời chị Đào, từ hồi thông tin dịch Covid-19 xuất hiện, giá khẩu trang tăng chóng mặt, nghe thông tin Bộ Y tế khuyến cáo mang khẩu trang vải cũng được, chứ không nhất thiết phải mang khẩu trang y tế, các chị em Hội Phụ nữ khu phố hưởng ứng phong trào phát động của phường, may khẩu trang phát miễn phí cho người dân. Rồi trong lúc cắt may, thiếu cây kéo nên sang nhà mẹ Quýt mượn. Biết công việc ý nghĩa của mấy chị em trong hội, mẹ Quýt một mực: “Cho mẹ phụ làm với!”. Vậy là cứ chiều chiều, mẹ sang nhà chị Đào cắt khẩu trang theo rập giấy, nhờ hướng dẫn may. Cắt xong, mẹ mang vải về nhà may. Có lần, sợ mấy chị trong khu phố không cho làm nữa vì ảnh hưởng sức khỏe, mẹ Quýt nói với chị Đào: “Chiều mai bây nhắm cho mẹ làm nữa không? Có thì 3 giờ sang nữa hỉ?”. “Nhưng mẹ có khỏe không mà đòi làm tiếp nữa?”, chị Đào hỏi lại, mẹ đáp ngay: “Khỏe. Ở không mẹ mệt bây ơi!”. 

Nhiều bữa, chị Đào chỉ để mẹ Quýt phụ giúp công đoạn cắt vải vì việc tập trung, để ý từng đường kim mũi khi may khiến mắt mẹ nhanh mỏi. Hết vải chưa kịp lấy thêm, mẹ lại giục. “Sợ mẹ ham việc quá, ảnh hưởng sức khỏe, nhiều khi chị em trong hội nói đùa hết vải. Vậy mà mẹ kêu hết vải thì đi xin tiếp rồi về đưa mẹ may. Đâu có chịu nghỉ đâu!”, chị Đào kể. Mẹ cứ cắt rồi may, hoàn thiện khẩu trang cột lại thành chồng, xong nhắn cán bộ Hội Phụ nữ đến lấy về giặt ủi, mang cho. 

Mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Quýt: Già rồi, không giúp được nhiều thì giúp ít. Hồi xưa chiến tranh còn may được quân phục cho bộ đội, chừ cuộc sống tốt hơn rồi, ngồi nhà may vỏ chăn cũng bình thường thôi, có chi mà kể. Rồi cả may khẩu trang nữa, may khi nào hết dịch mới thôi
Niềm vui bên chiếc máy may


Cả chị Đào lẫn mẹ Quýt không nhớ rõ đã may được bao nhiêu chiếc khẩu trang trong những ngày qua. Từ ngày nhận việc may khẩu trang, có rất nhiều hôm mẹ Quýt cặm cụi ngồi đến 10 giờ đêm bên bàn máy may. Có bữa trời còn chưa sáng, mẹ dậy bật đèn, lôi khẩu trang ra may. “Lúc nào khỏe thì may lúc đó. Nhiều khi thao thức không ngủ được, nằm hoài mỏi mắt, mẹ dậy sớm lắm. Buồn tay buồn chân, lại có máy, có vải sẵn nên mẹ may thôi. Mẹ không thấy cực chi cả”, bằng giọng Huế nhỏ nhẹ, mẹ nói. 

Anh Võ Quang Thủy (con trai mẹ Quýt) kể, có hôm mới 4-5 giờ sáng đã nghe tiếng đạp máy may lạch cạch dưới nhà. Anh lật đật chạy xuống, nhìn mẹ thương quá, nói: “Mẹ đừng may nữa. Đi ngủ đi, để dưỡng sức cho khỏe mẹ ơi! Có gì ngày mai rồi mình may”. Năn nỉ xong, anh cũng “bó tay”, bởi mẹ bảo: “Mẹ không ngủ được, nên mới may. Không răng mô! Ở không buồn là mẹ đau, còn làm mới không đau”. 

Anh Thủy cho biết, đã không ít lần khuyên mẹ khỏe thì hãy làm, còn nếu mệt thì ngưng. “Mẹ xem ti vi nên biết tình hình dịch bệnh. Hội Phụ nữ may khẩu trang cho bà con, nhà có sẵn máy may nên mẹ phụ chút sức. Gia đình không cản, cũng ủng hộ vì biết mẹ đam mê, tinh thần thiện nguyện vượt qua cả tuổi tác. Tính mẹ xưa nay không chịu ở không, thích giúp đỡ người khác. Làm việc thiện khiến mẹ vui, mình mừng chứ. Chỉ sợ tuổi lớn, ảnh hưởng sức khỏe thôi”, anh trải lòng.

Mẹ Quýt từng tham gia kháng chiến, có chồng và con trai hy sinh trong chiến tranh. Mẹ kể là mẹ đi bộ đội từ năm 1947. Trong quân ngũ, mẹ ở bộ phận may quần áo phục vụ các chiến sĩ. Làm một thời gian, mẹ được đưa lên hoạt động thành, sau đó bị bắt đưa ra Côn Đảo hơn 4 năm rưỡi. Được thả về, mẹ Quýt ra Bắc, giải phóng mới trở về thành phố. Khi các con trưởng thành, mẹ lại giúp đỡ người nghèo khắp nơi bằng việc may vỏ chăn từ thiện. Anh Thủy kể: “5 năm trở về trước, khi sức khỏe còn tốt, biết tiệm may hay ở đâu có vải thừa, mẹ bắt xe ôm đến tận nơi để xin về may vỏ chăn. May xong, mẹ mang tặng những người có hoàn cảnh khó khăn, hoặc nhờ hội phụ nữ, hội người cao tuổi ở khu phố đem đi tặng. Chưa kể, mẹ còn hay đi quyên góp quần áo cũ nữa. Nhiều lần, người ta chở tới cho mấy bao áo quần cũ, mẹ đổ ra giữa nhà ngồi soạn. Cái nào còn mới, mặc được mới đem cho. Bộ nào đứt nút, lỏng thun là lôi kim chỉ ra khâu lại tươm tất. Đồ mang cho được giặt giũ thơm tho. Để dành cả vỏ chăn lẫn áo quần cũ chừng đâu được một xe bự bự, mẹ với mấy cụ trong hội người cao tuổi, hội mẹ ở khu phố rủ nhau bỏ tiền túi thuê xe đi các địa phương, vùng sâu vùng xa ở một số tỉnh như: Bình Dương, Bình Phước, Đắk Nông, Đắk Lắk, Bình Thuận… cho người nghèo. Bây giờ sức khỏe giảm dần, mẹ tôi không còn đi xa nữa. Cũng đã 21 năm, mẹ tôi làm những việc thầm lặng dạng này”.

Mỗi khi trái gió trở trời, mẹ Quýt hay nhức đầu, đau mắt vì di chứng của những đòn tra tấn ngày xưa. Mẹ kể, hồi ở Côn Đảo mẹ bị địch cột chân treo ngược lên trần nhà rồi thả xuống thùng phi đựng xà phòng. Mẹ còn bị địch dùng báng súng đánh vào má, vào mắt bên phải, đến nỗi máu chảy hoài, mù luôn. Tra tấn dữ vậy đó mà không khai là không khai. Mẹ bảo, hồi đó ai cũng có lẽ sống như vậy, chứ không phải riêng mẹ. Giờ già rồi, niềm vui của mẹ là bầu bạn cùng chiếc máy may. Mấy lần bệnh không may nổi, mẹ kêu đem cho máy. Được ít bữa, đi vô đi ra thẫn thờ, buồn nhớ cái máy may lại đi xin cái máy khác về.

Chúng tôi gặp mẹ những ngày mà vì dịch bệnh, ai cũng phải mang khẩu trang để giao tiếp với nhau. Tôi không nhìn thấy rõ gương mặt mẹ sau lớp khẩu trang, cũng không thể nhìn kỹ những nếp nhăn xô đuổi nhau trên khuôn mặt của người mẹ 95 tuổi, chỉ thấy được một mắt mẹ đã lòa và mắt còn lại đang mờ dần. Nhưng từ nơi ánh mắt, từ những câu nói giản dị, chúng tôi cảm nhận được mẹ có một niềm vui thắm thiết bên chiếc máy may. Dù mắt có mờ, tay có chậm, nhưng mẹ vẫn cần mẫn, lặng lẽ may khẩu trang vải, may những chiếc vỏ chăn giản dị gửi đến người nghèo.

Mời tham gia Cuộc thi phóng sự - ký sự báo chí Người tốt - Việc tốt (2019 - 2020)

Nhằm khuyến khích các tác phẩm báo chí khắc họa các gương điển hình người tốt việc tốt, nhân tố mới trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, với những việc làm, hoạt động, nghĩa cử cao đẹp đóng góp tích cực và có nhiều ý nghĩa cho cộng đồng và trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, Báo SGGP mời tham gia cuộc thi phóng sự - ký sự Người tốt - Việc tốt (2019-2020).

- Đối tượng và tác phẩm dự thi: Là các nhà báo, nhà văn, các cộng tác viên, các cây bút trên cả nước. Tác phẩm dự thi có độ dài tối đa 1.700 chữ với thể loại phóng sự, ký sự nhân vật về người tốt, việc tốt + ảnh minh họa thực tế. Trên tác phẩm, tác giả ghi thông tin về mình, nơi công tác, địa chỉ cư trú và địa chỉ đăng ký hộ khẩu, số giấy CMND. Tác phẩm dự thi chưa đăng bất kỳ phương tiện truyền thông nào. 

- Giải thưởng: 1 Giải nhất: 40 triệu đồng và 1 máy ảnh Canon trị giá 30 triệu đồng. 2 Giải nhì: 20 triệu đồng/giải và 1 máy ảnh trị Canon trị giá 20 triệu đồng. 3 Giải ba: 15 triệu đồng/giải và 1 máy ảnh Canon trị giá 15 triệu đồng. 10 Giải khuyến khích: 5 triệu đồng/giải và 1 máy in vi tính Canon.  

- Thời gian: Nhận tác phẩm dự thi từ ngày phát động 3-8-2019 đến ngày 30-4-2020. 

Tác phẩm dự thi xin gửi tới Tòa soạn Báo SGGP số 432-434 đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TPHCM hoặc email: nguoitotviectot@sggp.org.vn.

Tin cùng chuyên mục