Tấm lòng “cô giáo hoa Mặt trời”

“Cô giáo hoa Mặt trời” là cách nhiều người vẫn quen gọi khi nhắc đến cô giáo Phạm Thị Luận, 32 tuổi, chủ nhóm trẻ mầm non mang tên Hoa Mặt Trời ở thị trấn Hóc Môn (huyện Hóc Môn, TPHCM). 
Điều bất ngờ với phụ huynh nghèo
Cô Luận sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm mẫu giáo, về làm tại một trường dạy trẻ khuyết tật ở quận Tân Phú… Cô kể về nguyên do ra đời nhóm trẻ Hoa Mặt Trời: “Lúc bấy giờ, một ý nghĩ hiện ra trong tâm trí và thôi thúc tôi: Sao mình không tự mở một nhóm giữ trẻ, để tổ chức hoạt động theo đúng ý nguyện và tâm huyết của mình.
Thế là tôi lên mạng và may mắn tìm thấy có thông tin sang lại một điểm giữ trẻ ở thị trấn Hóc Môn. Tôi liên lạc và mọi việc bắt đầu từ đó”. 
Ngày 30-11-2013, nhóm trẻ mầm non Hoa Mặt Trời khai trương hoạt động, với 29 trẻ là con em bà con lao động ở thị trấn Hóc Môn. Đến nay là năm thứ 5, nhóm trẻ đã phát triển lên 100 cháu và 10 cô.
Học phí bán trú mỗi cháu khoảng 1,5 triệu đồng/tháng. Dù vật giá thị trường có biến động, nhóm trẻ vẫn giữ học phí mức đó.
Cô Luận chia sẻ: “Hiện nay, với mức học phí đó rất khó xoay xở trang trải các chi phí cho nhóm trẻ hoạt động, nhưng tôi cứ đắn đo mãi, không dám tăng, vì e làm ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình các cháu, vì công nhân lao động đồng lương eo hẹp”. 
Đối với con em gia đình lao động có hoàn cảnh rất khó khăn, nhóm xét miễn phí hoàn toàn, năm học nào cũng có từ 4-5 cháu diện này. Nghe tin con mình được miễn phí toàn bộ tiền ăn học, chị phụ huynh đã cảm động tâm sự: “Tôi thật bất ngờ và cảm động khi hay con tôi được giúp miễn phí hoàn toàn. Cảm ơn nghĩa cử của cô nhiều lắm!”. 
Tấm lòng “cô giáo hoa Mặt trời” ảnh 1 Cô Phạm Thị Luận (bìa phải) cùng những người lao động khuyết tật tại điểm rửa xe Hoa Mặt Trời
Năm nào cũng vậy, trước khi vào năm học mới, cán bộ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thị trấn đều gặp cô Luận để bàn bạc, thống nhất số trẻ diện hộ nghèo được giúp miễn phí tiền ăn học bán trú. 
Tìm cách giúp người khuyết tật
Với lòng chân thành mong muốn giúp những cảnh đời bất hạnh, nên không chỉ tận tụy với nghề giữ trẻ, cô Luận còn tìm cách giúp những người khuyết tật theo phương châm “Giúp cần câu hơn là cho con cá”.
Cô Luận nghĩ đến phương án lập điểm rửa xe Hoa Mặt Trời nhằm tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người khuyết tật. Cô gặp chị Dương Thị Minh Hà, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thị trấn, bàn bạc để cùng biến ước mơ thành hiện thực.
Nghe cô Luận trình bày, chị Hà gật đầu liền và báo cáo với Đảng ủy thị trấn để tìm người hỗ trợ. Một hộ dân ở khu phố 2 đã đồng ý cho thuê nhà. Cô Luận nhận trả chi phí mặt bằng, điện, nước, bình quân mỗi tháng khoảng 4 triệu đồng và lo luôn cơm trưa hàng ngày cho những người lao động khuyết tật ở điểm rửa xe này, lại còn hỗ trợ thêm 35 triệu đồng để mua trang thiết bị ban đầu.
Toàn bộ nguồn thu sẽ chia đều cho người lao động. Sau khi rà soát diện hộ nghèo và người khuyết tật, chị Hà xuống khu phố mời những người khuyết tật còn sức lao động đi làm. 
Anh Huỳnh Quốc Thảo (ở số 33/8 đường Lê Thị Hà) một tay, một chân bị yếu, nhưng do hoàn cảnh quá khó khăn nên lâu nay anh vẫn ráng chạy xe ôm. Từ ngày được nhận vào làm tại điểm rửa xe, anh vui lắm, do công việc phù hợp, thu nhập tạm ổn đã đủ lo cho bản thân.
Anh cười tâm sự: “Chỉ làm ở đây thôi cũng được rồi. Ở đây tình nghĩa lắm!”. Còn anh Nguyễn Văn Hà (diện hộ nghèo ở khu phố 8), vợ làm công nhân tăng ca đến tối mới về, anh thất nghiệp, chỉ ở nhà đưa đón con đi học; từ ngày vào làm tại đây, thu nhập cũng tạm ổn, công việc phù hợp, giúp anh có thể vừa làm, vừa chia sẻ việc nhà với vợ.
Còn anh Lê Viết Nam (18 tuổi, ở khu phố 7) bị tai biến nhẹ, ngày anh rửa xe, tối đi bán thêm vé số, anh rất mừng vì đã vượt khó được rồi. 
Tại điểm rửa xe Hoa Mặt Trời, khách rửa xe trả tiền công rửa xe bằng cách tự bỏ tiền vào một chiếc thùng đặt ở góc nhà. Ở đó, khách còn thấy tấm lòng của cô giáo Luận được ghi trên tường: “Không có hoàn cảnh nào tuyệt vọng, chỉ có người tuyệt vọng vì hoàn cảnh”.

Tin cùng chuyên mục