Tâm huyết đưa huyện Bình Chánh thành quận

Giã từ binh nghiệp với quân hàm thượng tá, ông Phùng Hữu Nghĩa trở về quê hương ở xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh (TPHCM) trong niềm vui khôn tả trước những đổi thay nơi đây. Từ vùng nông thôn ngoại thành còn nhiều khó khăn, sắc màu đô thị đã dần bao phủ. Ông cũng như nhiều người dân Bình Chánh kỳ vọng huyện nhà sớm trở thành một quận.
Bệnh viện Huyện Bình Chánh - công trình được xây mới trong nhiệm kỳ, với quy mô 300 giường. Ảnh: KHÁNH TƯỜNG
Bệnh viện Huyện Bình Chánh - công trình được xây mới trong nhiệm kỳ, với quy mô 300 giường. Ảnh: KHÁNH TƯỜNG

 Quyết tâm cao nhất

Quê hương Bình Chánh những năm qua đã phát triển nhanh chóng. Đô thị hóa, sản xuất nông nghiệp thu hẹp dần, thay vào đó là công nghiệp, dịch vụ đều tăng trưởng hơn 20%/năm. Người dân Bình Chánh năm xưa anh dũng đi theo cách mạng thì nay tiếp tục đoàn kết, chung tay xây dựng quê hương. 5 năm qua, để xây dựng 525 công trình nông thôn mới, nhân dân huyện góp hơn 3.500 tỷ đồng, chiếm hơn 54% tổng số vốn đầu tư. Huyện cũng hoàn thành công trình trọng điểm là cầu Rạch Rô bắc qua 2 xã Đa Phước và Phong Phú; đồng thời tập trung thực hiện 7 công trình khác.

Nhiệm kỳ qua, huyện có tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, đạt 20,53%; thu ngân sách đạt hơn 9.700 tỷ đồng, vượt cao so với chỉ tiêu nghị quyết. Huyện cũng nâng chất nông thôn mới, đưa thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt hơn 64 triệu đồng/người/năm, tăng 1,6 lần so với năm 2015.

Bên cạnh những đổi thay tích cực thì lãnh đạo và người dân huyện Bình Chánh vẫn còn nhiều trăn trở. Đó là những dự án chậm triển khai, người nhập cư ngày càng đông, kéo theo nhu cầu lớn về nhà ở, trường học, khám chữa bệnh, việc làm...

Bí thư Huyện ủy huyện Bình Chánh Trần Hoàng Quân chia sẻ, huyện sẽ tiếp tục đối mặt với không ít thách thức, khi dân số tăng cơ học hơn 30.000 người/năm, tạo áp lực lớn về nhiều mặt. Trong khi đó, công tác quy hoạch và triển khai quy hoạch chưa phù hợp với nhu cầu phát triển của huyện, nhất là quy hoạch về đất ở. Một số quy hoạch, dự án chậm triển khai khiến người dân bức xúc. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến vi phạm về đất đai, xây dựng. Điều này cản trở sự phát triển của huyện.

“Trong bối cảnh đó, để phát triển huyện Bình Chánh nhanh, bền vững, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện phải thể hiện quyết tâm cao nhất để thực hiện một số định hướng, trong đó có việc phấn đấu đến năm 2030 nâng cấp huyện Bình Chánh thành quận”, đồng chí Trần Hoàng Quân nhấn mạnh.

Tạo bước đột phá

Bước sang nhiệm kỳ mới, ngoài đề án chuyển huyện Bình Chánh thành quận giai đoạn 2021-2030, Đảng bộ huyện cũng đề ra nhiều chương trình đột phá để phát triển. Trở thành quận, Bình Chánh sẽ tháo gỡ được khó khăn khi bộ máy cấp xã, huyện phải quản lý một địa bàn quá rộng lớn, với dân số quá đông và tăng nhanh qua từng năm. Bên cạnh đó là đề án rà soát và điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch sử dụng đất của huyện. Đặc biệt, huyện đề ra chương trình phát triển nhà ở gắn với đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng và chỉnh trang đô thị, giải quyết nhu cầu nhà ở cho 30.000 người dân nhập cư mỗi năm. Lãnh đạo huyện Bình Chánh cũng cho biết, sẽ chọn chỉnh trang đô thị là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ 2020-2025.

Một số dự án sẽ phấn đấu hoàn thành trong nhiệm kỳ tới là công trình đường Trần Đại Nghĩa (giai đoạn 2); nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Cửu Phú; dự án xây dựng mới cầu Láng Le - Bàu Cò; nâng cấp, mở rộng đường Vĩnh Lộc…

Những ngày qua, hình ảnh đường hoa rực rỡ ở xã Đa Phước mọc lên hai bên đường, thay thế cho những bãi cỏ hoang, rác bỏ bừa bãi; rồi hai con đường Quách Điêu, Nữ Dân Công cũng vừa được sửa sang từ lầy lội ổ voi thành con đường nhựa phẳng phiu… đã khiến người dân nức lòng. Là một địa phương đang có những bước chuyển mình đô thị hóa mạnh mẽ, huyện Bình Chánh còn rất nhiều việc cần làm để tạo bước phát triển đột phá, nâng tầm cuộc sống người dân. Sự đổi thay bắt đầu từ sự quyết tâm, đồng hành của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Chánh để đưa quê hương cách mạng này phát triển xứng tầm.

Tin cùng chuyên mục