Tạm gác bất đồng, Chính phủ Mỹ hoạt động trở lại

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký thông qua dự luật hỗ trợ ngân sách cho chính phủ tạm thời hoạt động đầy đủ trở lại, chấm dứt tình trạng một phần chính phủ bị “đóng băng” trong 35 ngày qua.
Nhân viên liên bang Mỹ nhận thực phẩm trợ cấp ở Brooklyn, New York
Nhân viên liên bang Mỹ nhận thực phẩm trợ cấp ở Brooklyn, New York

Hoạt động trong 3 tuần 

Trước đó, Tổng thống Donald Trump và đảng Dân chủ đã đạt được một thỏa thuận pháp lý không bao gồm khoản ngân sách xây dựng bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico. Hành động này cho thấy, ông Donald Trump cuối cùng buộc phải thỏa hiệp với lãnh đạo quốc hội, tạm gác lại ý định xây tường biên giới gây tranh cãi. Tuy nhiên, dự luật này đặt ra thời hạn 3 tuần, tức là đến ngày 15-2 tới, để giới nghị sĩ và Nhà Trắng thảo luận về an ninh biên giới. Dự luật trên đã được Thượng viện Mỹ thông qua với số phiếu áp đảo và cũng được Hạ viện Mỹ phê chuẩn ngay sau đó.  

Tuy nhượng bộ trước đảng Dân chủ, nhưng Tổng thống Donald Trump đã cảnh báo Chính phủ Mỹ có thể tiếp tục đóng cửa sau 3 tuần nữa nếu kế hoạch xây tường biên giới tiếp tục bị phản đối. Lúc đó, ông sẽ dùng thẩm quyền theo hiến pháp và pháp luật của Tổng thống để giải quyết vấn đề khẩn cấp này. Trước đó, ông Donald Trump nhiều lần tuyên bố để ngỏ khả năng ban bố lệnh khẩn cấp quốc gia, qua mặt quốc hội để thông qua đề xuất xây tường biên giới. Hãng tin CNN cho biết, Nhà Trắng thậm chí đã chuẩn bị sẵn bản thảo ban bố lệnh khẩn cấp quốc gia, trong đó đề cập đến phương án trích 7 tỷ USD ngân sách để xây tường biên giới. 

Trong những ngày qua, bất đồng quan điểm về khoản ngân sách 5,7 tỷ USD dành cho việc xây dựng bức tường tại biên giới với Mexico là nguyên nhân khiến đảng Dân chủ và Cộng hòa không thể thống nhất về ngân sách chính phủ cho tài khóa 2019, khiến Chính phủ Mỹ bị đóng cửa một phần kể từ ngày 22-12-2018. Đây là đợt đóng cửa chính phủ một phần dài nhất trong lịch sử Mỹ và đã ảnh hưởng tới 1/4 cơ quan liên bang với khoảng 800.000 nhân viên liên bang phải nghỉ việc hoặc làm việc không lương. Do đó, sau khi có thông tin chính phủ hoạt động trở lại đến ngày 15-2, nhiều nhân viên liên bang vẫn còn cảm thấy bất an vì không biết 3 tuần sau sẽ ra sao. Trong lúc chính phủ đóng cửa, nhiều gia đình của nhân viên liên bang phải cắt giảm tối đa chi phí. Rất nhiều người nộp đơn xin lĩnh trợ cấp thất nghiệp hoặc phải sống nhờ vào nguồn trợ cấp thực phẩm từ các tổ chức từ thiện.

Chưa có tác động đến kinh tế 

Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, dù chính phủ đã mở cửa trở lại, nhưng việc đảng Dân chủ và Tổng thống Donald Trump vẫn chưa thống nhất được phương án lâu dài nên nhiều khả năng sẽ chưa có tác động mạnh tới nền kinh tế và thị trường tài chính Mỹ. Dự báo này được đưa ra trong bối cảnh con số thống kê của S&P Global Ratings trước đó cho biết, việc chính phủ Mỹ đóng cửa một phần trong hơn 1 tháng qua đã khiến nền kinh tế Washington mất 6 tỷ USD. Theo S&P, con số này được tính toán dựa vào phần năng suất lao động của nhân viên và công nhân bị sụt giảm do chính phủ đóng cửa. Ngoài ra, khoản 6 tỷ USD còn bao gồm thiệt hại về thuế, các hoạt động ngoài kinh doanh khác.

Trong khi đó, ông Kevin Hassett, chuyên gia kinh tế hàng đầu trong Chính phủ Mỹ, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn kinh tế Nhà Trắng nhận định, nền kinh tế nước này có thể sẽ không tăng trưởng trong quý 1 năm 2019 nếu tình trạng đóng cửa một phần chính phủ tiếp diễn. Theo ông Hassett, xu thế quý 1 thường là quãng thời gian GDP tăng yếu trong năm, kết hợp với tình trạng đóng cửa chính phủ một phần kéo dài sẽ khiến kinh tế Mỹ tăng trưởng rất thấp. Tuy nhiên, ông Hassett cho rằng, nếu chính phủ mở cửa trở lại bình thường, nền kinh tế Mỹ sẽ nhanh chóng hồi phục.

Tin cùng chuyên mục