Tấm chân tình của người cách mạng

Cả cuộc đời cống hiến vì độc lập dân tộc, vì sự bình yên của nhân dân. Khi thời bình, cái chất và sự hy sinh của người cách mạng vẫn nguyên vẹn, họ gạt bỏ những lợi ích cá nhân để chung tay cùng cộng đồng đem lại những điều tốt đẹp cho cuộc sống.
Tấm chân tình của người cách mạng

Lời thề của những chàng trai tuổi 20…

Vừa trở về từ chuyến đi tìm đồng đội dài ngày ở nghĩa trang thị xã Phước Long (tỉnh Bình Phước), ông Nguyễn Viết Quản (68 tuổi), Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh Khu phố 1 (phường 2 quận 6), lại tất tả nhờ người quen tìm địa chỉ gia đình đồng đội của mình để biên thư gửi báo tin.

Những cánh thư chuyển đi, những lời nghẹn ngào nhận lại, những giọt nước mắt mừng, tủi của người thân đồng đội cùng với lời thề năm nào là động lực để người cựu chiến binh Nguyễn Viết Quản tiếp tục trèo đèo, lội suối đi tìm hài cốt các liệt sĩ đã hy sinh giai đoạn 1972-1975.

Ông Quản nhớ như in lời thề của những chàng trai tuổi 20 trước trận đánh ở chân núi Bà Đen (tỉnh Tây Ninh) năm ấy: “Sau này đất nước thống nhất, ai là người còn sống nhớ đi tìm người đã mất đưa về quê cha đất tổ”. Hơn 40 năm qua, gương mặt đồng đội cùng lời dặn dò ấy cứ văng vẳng bên tai.

Tấm chân tình của người cách mạng ảnh 1  Ông Nguyễn Viết Quản chuẩn bị gửi những lá thư báo tin tìm được hài cốt liệt sĩ cho gia đình đồng đội đã hy sinh
Ông Quản kể, đợt đó, chiến sĩ Nguyễn Quang Thắng (quê Hưng Yên) là người nhắc đi nhắc lại câu nói ấy và đó cũng là lời dặn dò cuối cùng của anh. Năm 2008, ngay khi vừa nghỉ hưu, được gia đình ủng hộ, ông Quản dùng toàn bộ số tiền lương hưu hàng tháng của mình cùng 4 đồng đội khác quày quả lên đường tìm những người đã hy sinh.

Ông Quản cho biết, dù giữa cuộc chiến ác liệt nhưng khi chôn cất các đồng đội hy sinh, nếu có thời gian, ông đều vẽ bản đồ để sau này tìm kiếm. Liệt sĩ Nguyễn Quang Thắng là người đầu tiên ông và đồng đội đi tìm về. “Ngày đưa liệt sĩ Nguyễn Quang Thắng về quê nhà, trái tim tôi nghẹn lại. Tôi thấy mình may mắn khi còn được sống, còn được trở về với cha mẹ, người thân. Cảm xúc ấy càng làm tôi quyết tâm đi tìm đồng đội”, ông Quản tâm sự.

Suốt 11 năm qua, ông Quản trở lại những vùng đất nơi đơn vị mình chiến đấu ngày xưa và lặn lội tới các nghĩa trang ở Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang… để tìm đồng đội. Tập bản đồ vẽ nơi ông chôn đồng đội đã vơi đi, hồ sơ hài cốt liệt sĩ ngày càng dày lên, những chuyến vào Nam ra Bắc ngày càng nhiều. 105 hài cốt liệt sĩ đã được ông tìm về, trong số đó, gần 40 hài cốt được đưa về quê cha đất tổ.

Ông Nguyễn Viết Quản còn là người kết nối, giúp lan tỏa tấm lòng sẻ chia với cộng đồng đến con, cháu và cả bà con lối xóm nơi ông sinh sống. Trước năm 2008, ông đã tích cực vận động các cháu học sinh ở địa phương bỏ học trở lại trường lớp, trao học bổng cho các em.

Nghỉ công tác tại Công an quận 6, ông càng dồn tâm huyết cho học trò nghèo. Không chỉ bản thân trích một phần lương hưu gây quỹ học bổng, ông Quản còn vận động các con cháu trong nhà, mỗi người trích 20% tổng thu nhập hàng năm để nuôi heo đất nhằm ủng hộ Quỹ Vì người nghèo, quỹ học bổng của khu phố, phường, quận và xây nhà tình thương, tình nghĩa; vận động bạn bè, người thân quyên góp nhu yếu phẩm, quần áo; vận động tiểu thương chợ Bình Điền ủng hộ rau củ quả để tặng bếp ăn Nhơn Hòa (phường 2 quận 6) - nơi chuyên nấu cơm, cháo tặng bệnh nhân nghèo ở Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Ung bướu TPHCM.

Từ năm 2015-2018, gia đình ông Quản đã đóng góp vào các hoạt động cộng đồng hơn 500 triệu đồng. Đây là số tiền không nhỏ với gia đình ông, nhưng ông Quản không hề đắn đo khi chi vào những việc hữu ích. Ông Quản tâm sự: “Tôi đã từng trải qua hoàn cảnh nghèo khó nên tôi càng thấu hiểu và đồng cảm với những người nghèo. Mỗi khi biết tin ai đó khó khăn, ký ức trong tôi lại trỗi dậy, thôi thúc tôi phải làm gì đó để sẻ chia, tiếp thêm động lực giúp họ vươn lên trong cuộc sống”.

Quyết định táo bạo vì cộng đồng

Ở quận Phú Nhuận có bà Lê Thị Tâm (hay còn gọi là dì Mười Đào - bí danh thời kháng chiến, 88 tuổi), cán bộ hưu trí, cựu tù Côn Đảo, cũng luôn đau đáu nghĩ về đồng đội và những chiến sĩ hy sinh vì Tổ quốc.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, dì Mười Đào tham gia cách mạng từ năm 1946, 2 năm sau dì vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, gần 10 năm ngồi tù Côn Đảo, dì Mười Đào hiểu hơn ai hết gian khổ thời chiến, hiểu hơn ai hết ý nghĩa của sự sống, của hòa bình, của độc lập và đau đớn khi vẫn còn những liệt sĩ hy sinh trong thời bình.

Bởi vậy mà gần 20 năm nay, dì chắt chiu từng đồng lương hưu để dành tặng các gia đình liệt sĩ hoàn cảnh khó khăn. Trong ngăn tủ của dì Mười Đào có rất nhiều bài báo, địa chỉ của các liệt sĩ được lưu giữ cẩn thận để khi gom góp được một số tiền, dì lại nhờ con cháu đi gửi bưu điện tặng người thân của họ như món quà tri ân. Những khoản tiền được gửi đến gia đình các liệt sĩ nhà giàn DK1, liệt sĩ Trường Sa… cứ lặng lẽ đi như thế.

Trong chương trình tặng quà thân nhân liệt sĩ Gạc Ma diễn ra tại tỉnh Khánh Hòa cách đây không lâu, dù tuổi cao và đường sá xa xôi nhưng dì  Mười Đào vẫn lặn lội tham gia. Hành trang của dì Mười Đào là sự tri ân từ đáy lòng người cách mạng và 128 triệu đồng được dì tiết kiệm trong hơn 10 năm để làm quà tặng 64 gia đình liệt sĩ Gạc Ma.

Cho đến lúc này, nhiều người vẫn nhớ sự kiện năm 1999, khi hàng triệu người dân miền Trung phải ngụp lặn trong bão lũ thì ở TPHCM cũng có một “cơn bão” của sự sẻ chia. Năm đó, dì Mười Đào đã quyết định bán căn nhà rộng rãi của mình để mua 14 tấn gạo chuyển ra miền Trung tặng bà con; dì tặng riêng 20 Mẹ Việt Nam Anh hùng ở các tỉnh bị bão lũ, mỗi mẹ 50kg gạo và 500.000 đồng; những đồng đội cũ, dì gửi tặng họ một chỉ vàng. Số tiền còn lại, dì mua căn nhà nhỏ, sống vui cùng con cháu. Khi được hỏi điều gì thôi thúc dì bán nhà, dì Mười Đào chỉ bảo: “Nhà do Nhà nước cấp, mình ở nhà to cũng lãng phí trong khi đồng bào mình đang đói khát, nên tôi nghĩ mình có trách nhiệm sẻ chia cùng với họ”.

Sau quyết định táo bạo bán nhà năm ấy, dì Mười Đào tham gia nhiều hoạt động cộng đồng. Ở đâu có người khó, dì lại chắt chiu để hỗ trợ. Đến nay, những bộ quần áo ấm, bút, tập vở vẫn đều đặn được dì chuyển đến những lớp học nghèo ở vùng sâu, vùng xa; những suất học bổng được trao tay những học trò nghèo vượt khó… Hơn 20 năm chia sẻ với cộng đồng, dì Mười Đào luôn khẳng định mình không làm từ thiện.

Dì tâm tình: “Những việc tôi làm là trách nhiệm và nghĩa vụ của lớp người đi trước. Bởi chúng tôi được Đảng dạy, dân nuôi. Suốt những năm kháng chiến và cả những năm công tác tại Quận ủy quận Phú Nhuận sau này, người dân chung sức nuôi tôi thì nay tôi trả ơn Đảng, trả ơn người dân. Bên cạnh đó, tôi cũng thực hiện trách nhiệm của thế hệ đi trước với lớp con, lớp cháu sau này, để mong các cháu trưởng thành, xây dựng và giữ gìn đất nước”.

Tin cùng chuyên mục