Tại sao kết quả khai quật khảo cổ học tại Việt Nam gây chấn động thế giới?

Một phát hiện có tiếng vang lớn về sơ kỳ thời đại Đá cũ ở Nam Tây Nguyên được xem như là mốc mở đầu cổ nhất hiện biết về sự xuất hiện của con người và di tồn văn hóa của họ trên lãnh thổ Việt Nam. 

 

 

 

Sáng 23-9, Đại hội lần thứ 21 của Hội Tiền sử Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPPA) khai mạc tại TP Huế đã thu hút hơn 700 đại biểu và các nhà khoa học đến từ 40 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới tham dự với trên 500 báo cáo, được chia thành 47 tiểu ban khác nhau.

Đây là sự kiện khoa học lớn và quan trọng nhất của giới khảo cổ học thế giới diễn ra từ ngày 23 đến ngày 28-9. Đồng thời, là cơ hội tốt để các nhà nghiên cứu gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ thông tin và kết quả nghiên cứu của mình, cũng như thiết lập các mối quan hệ hợp tác mới.

Phát biểu của PGS.TS Nguyễn Giang Hải - Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam tại Đại hội lần thứ 21 của IPPA cho rằng, Đại hội IPPA là diễn đàn khoa học lớn và quan trọng nhất của các nhà tiền sử học khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Đại hội không chỉ thu hút sự quan tâm của các nhà tiền sử học mà còn là diễn đàn của các nhà khoa học từ nhiều lĩnh vực khác nhau cả trong Khoa học xã hội và Khoa học tự nhiên.
Tại sao kết quả khai quật khảo cổ học tại Việt Nam gây chấn động thế giới? ảnh 1 Khai mạc Đại hội lần thứ 21 của Hội Tiền sử Ấn Độ - Thái Bình Dương tại TP Huế.

“Kể từ sau Đại hội của IPPA lần thứ 19 được tổ chức tại Hà Nội, Khảo cổ học Việt Nam đứng trước một cơ hội lớn để hội nhập và phát triển. Rất nhiều chương trình hợp tác giữa Viện Khảo cổ học và các tổ chức nghiên cứu quốc tế đã được thực hiện. Các nhà nghiên cứu trẻ tiếp cận với các phương pháp nghiên cứu hiện đại. Có những ngành Khảo cổ học mới đã ra đời”, PGS.TS Nguyễn Giang Hải khẳng định.

PGS.TS Nguyễn Giang Hải cũng trình bày một số kết quả nghiên cứu mà khảo cổ học Việt Nam có được trong thời gian qua tại Đại hội lần thứ 21 của IPPA. Trong đó, một phát hiện có tiếng vang lớn về sơ kỳ thời đại Đá cũ ở Nam Tây Nguyên được xem như là mốc mở đầu cổ nhất hiện biết về sự xuất hiện của con người và di tồn văn hóa của họ trên lãnh thổ Việt Nam. 

Đặc biệt, kết quả khai quật khảo cổ học này có tầm vóc quốc tế, chưa từng ghi nhận trong khu vực Đông Nam Á đã gây chấn động, làm thay đổi cách nhìn của nhiều nhà khoa học trên thế giới.

Theo đó, vào năm 2014, một chương trình nghiên cứu về thời đại đá ở khu vực thượng du Sông Ba thuộc tỉnh Gia Lai được các nhà khảo cổ của Viện khảo cổ học thực hiện. Kết quả đã phát hiện gần 30 di chỉ có niên đại từ đá cũ đến đá mới.

Đặc biệt một nhóm di tích được xác định có niên đại đồ đá cũ sơ kỳ.

Liên tục trong các năm từ 2015 – 2018, Viện Khảo cổ học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với Viện Khảo cổ -Dân tộc học Novosibirsk thuộc Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga đã tiến hành điều tra, khai quật tại các địa điểm Gò Đá, Rộc Tưng 1, Rộc Tưng 4,7 thuộc thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai. Đây là khu vực chuyển tiếp từ vùng núi cao xuống vùng đồng bằng Trung bộ Việt Nam, cũng là vùng cư trú của nhóm dân tộc Ba Na với ngôn ngữ Môn-Khmer. Hơn 20 địa điểm sơ bộ được xác định niên đại sơ kỳ Đá cũ.

Kết quả khai quật các địa điểm Gò Đá, Rộc Tưng 1, 4 và 7 trong các năm 2016, 2017 và 2018 đã cho thấy tầng văn hóa ổn định tại các di tích này. Các nhà khảo cổ học đã phát hiện được rất nhiều công cụ như công cụ chặt (chopper); công cụ mũi nhọn tam diện (triangle-shaped); công cụ ghè một mặt (uniface); ghè hai mặt (biface), đặc biệt đã phát hiện những công cụ rìu tay điển hình (hand-axe) và rất nhiều mảnh thiên thạch (tectite). Niên đại của các di tích ở An Khê đã dần được khẳng định với các chứng cứ về địa tầng, loại hình di vật và kết quả phân tích bằng phương pháp K/Ar các mảnh tectite cho thấy khoảng trên dưới 80 vạn năm cách ngày nay.

PGS.TS Nguyễn Giang Hải cũng trình bày nhanh một số kết quả nghiên cứu mà khảo cổ học Việt Nam có được trong thời gian qua tại Di chỉ khảo cổ học hang Con Moong thuộc xã Thành Yên, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa được phát hiện từ năm 1974 và đã được khai quật nghiên cứu nhiều lần nhưng nó chỉ thực sự thu hút được sự quan tâm của giới nghiên cứu kể từ khi một chương trình hợp tác nghiên cứu giữa các nhà khảo cổ học Việt Nam và Nga được bắt đầu từ năm 2010 và kéo dài đến năm 2014.

Những nghiên cứu mới nhất tại các địa điểm khảo cổ học: Mái đá Ngườm (tỉnh Thái Nguyên) và Hoa Lộc (tỉnh Thanh Hóa); Khảo cổ học dưới nước cũng như vấn đề nghiên cứu ADN trong Khảo cổ học ở Việt Nam…

Tại sao kết quả khai quật khảo cổ học tại Việt Nam gây chấn động thế giới? ảnh 2 Các đại biểu tham dự Đại hội lần thứ 21 của Hội Tiền sử Ấn Độ - Thái Bình Dương trao đổi với các phóng viên báo chí.

Phát biểu khai mạc Đại hội lần thứ 21 của IPPA, GS.TS Phạm Văn Đức, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đánh giá, ngoài những vấn đề khảo cổ học truyền thống, Đại hội của IPPA lần này còn có sự tham gia của rất nhiều các nhà nghiên cứu trẻ với những báo cáo hết sức cụ thể về kết quả nghiên cứu thực địa và phân tích tại các phòng thí nghiệm như: Thức ăn trong khảo cổ học, tôn giáo nguyên thủy, các vấn đề về ADN cổ, ứng dụng viễn thám…

Nhiều báo cáo còn tập trung nghiên cứu, diễn giải ý nghĩa từ các sưu tập trưng bày có sự liên quan đến bảo tàng. Đại hội cũng có nhiều chuyên ban về vấn đề khảo cổ của từng quốc gia như: Ấn Độ, Nga, Trung Quốc, Indonesia, Việt Nam…

“Khảo cổ học ngày nay không chỉ dừng lại ở các nghiên cứu cơ bản mà càng ngày càng quan tâm đến các vấn đề xã hội khác, hướng đến phục vụ trực tiếp đời sống cộng đồng. Di sản văn hóa, cả trên mặt đất, cả trong lòng đất và dưới nước đang ngày càng có vai trò quan trọng không chỉ trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục mà còn trong sự liên kết xã hội, liên kết hòa bình. Trong đó, vai trò của các nhà khảo cổ học là rất quan trọng”, GS.TS Phạm Văn Đức phát biểu tại lễ khai mạc, đồng thời kỳ vọng sự thành công của Đại hội lần thứ 21 của IPPA sẽ đem đến cho khảo cổ học Việt Nam một diện mạo mới, cùng hợp tác và phát triển.

“Có thể nói, việc tìm thấy các di tích sơ kỳ Đá cũ ở thị xã An Khê là phát hiện được cả thế giới trông mong. Việc này thực sự đã nâng tầm khảo cổ học Việt Nam lên một vị thế vô cùng quan trọng ở khu vực Đông Nam Á. Hơn 50 năm trước, có một phát hiện tương tự ở vùng Bách Sắc (Quảng Tây, Trung Quốc), đem lại niềm tự hào rất lớn cho các nhà khảo cổ học Trung Quốc. Ngoài ra, không một quốc gia nào ở châu Á phát hiện ra di tích thời đại này cho đến khi Việt Nam tìm thấy dấu vết ở An Khê”, PGS. TS. Nguyễn Giang Hải cung cấp thêm thông tin thú vị về Viện sĩ Annatoly Derevianko, nguyên Viện trưởng Viện Khảo cổ học - Dân tộc học Novosibirsk (Viện Hàn lâm khoa học Liên bang Nga).

Viện sĩ Annatoly đã hơn 80 tuổi, là một trong những nhà khảo cổ học thời đại Đá cũ hàng đầu trên thế giới còn lại. Gần như cả cuộc đời, Viện sĩ chỉ dành để hoàn thiện các bản đồ về sự tiến hóa của lịch sử loài người. Đến khi phát hiện được các di tích sơ kỳ Đá cũ An Khê, ông bảo: Đến đây, tôi đã có thể dừng sự nghiệp của mình được rồi.

Tin cùng chuyên mục