Tài sản nhà nước, đâu phải đồ chơi!

Nhà ga Cát Linh bị ai đó đột nhập và sơn vẽ chằng chịt lên nhiều toa tàu chưa được đưa vào sử dụng khiến cho người dân thêm bức xúc về cách quản lý, điều hành, giám sát, trông coi dự án này của chủ đầu tư, cũng như Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Hà Nội. 

Mới đây, những hình ảnh về đoàn tàu cao tốc nằm tại khu vực nhà ga Cát Linh, Hà Nội trong công trình đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông bị "họa sĩ" nào đó sơn vẽ theo hình thức graffiti ("hình vẽ trên tường") chằng chịt, phủ kín nhiều toa tàu khiến dư luận xã hội và cộng đồng không khỏi bất ngờ với nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau.

Theo đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt Cát Linh- Hà Đông, hành vi đột nhập công trường đang thi công và vẽ chằng chịt lên đoàn tàu chưa được đưa vào sử dụng là hành vi vi phạm pháp luật và có dấu hiệu tội phá hoại tài sản.

Vì thế, Ban Quản lý dự án này đã báo cơ quan chức năng và đề nghị  Cơ quan Công an vào cuộc điều tra làm rõ thủ phạm.

Tài sản nhà nước, đâu phải đồ chơi! ảnh 1 Đoàn tàu đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông chưa được đưa vào sử dụng đã bị vẽ chằng chịt trên thân tàu

Rõ ràng, chưa cần bàn tới những hình vẽ trên thân tàu Cát Linh - Hà Đông là xấu hay đẹp, hay vì bất cứ mục đích gì thì việc ai đó cố tình xâm nhập công trường và tự ý sơn lên toa tàu là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng và phá hoại tài sản của nhà nước.

Tuy nhiên qua sự việc này, dư luận cũng không khỏi hoài nghi và bất bình về trách nhiệm quản lý công trình trên của Ban Quản lý dự án, cũng như chủ đầu tư.

Phải nhắc lại rằng Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có tổng chiều dài gần 13km, gồm 12 nhà ga đi toàn bộ trên cao. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 868 triệu USD, tương đương với hơn 18.000 tỷ đồng. Dự án này được đưa vào khởi công vào tháng 10-2011 và theo kế hoạch sẽ đưa vào vận hành vào năm 2015 nhưng cho tới thời điểm gần hết năm 2017, dự án vẫn chưa hoàn thành tức là đã chậm tiến độ tới hơn 2 năm và theo kế hoạch từ phía nhà thầu thì phải tới quý II/2018, đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông mới may ra đưa vào khai thác thương mại được.

Chính việc chậm trễ tiến độ nhiều lần đã khiến dự án này đội vốn tăng vốn tới hơn 300 triệu USD, kéo theo đó là nhiều hệ lụy gây ảnh hưởng tới đời sống của người và cũng khiến người dân vô cùng bức xúc xem đây như là một khối "ung nhọt" của giao thông đô thị Hà Nội.

Chính vì vậy khi mà nhà ga Cát Linh bị ai đó đột nhập và sơn vẽ lên các toa tàu chưa được đưa vào sử dụng càng khiến cho người dân thêm bức xúc về cách quản lý, điều hành, giám sát, trông coi dự án này của chủ đầu tư, cũng như Ban quản lý dự án.

Nhìn vào những hình vẽ trên thân nhiều toa tàu có thể dễ dàng thấy rằng có không phải một mà là vài "họa sĩ" phải miệt mài "sáng tác" trong hàng giờ đồng hồ trên chất liệu là thân các toa tàu.

Vậy mà không hiểu trong suốt thời gian này, nhân viên bảo vệ công trình ở đâu?

Hay là công trường đang thi công một công trình có giá trị tới hàng ngàn tỷ đồng của nhà nước, của nhân dân nhưng lại không có người trông coi, giám sát để cho người lạ có thể dễ dàng ra vào, tự tung tự tác thoải mái như chốn vui công cộng!?.

Nguy hiểm hơn, tới đây khi những thiết bị an toàn của đoàn tàu và nhà ga bị xâm hại, đánh cắp mà không ai hay biết - kiểu như sự xuất hiện đột ngột đầy bất ngờ của những hình graffiti - và khi đoàn tàu được đưa vào sử dụng vận hành thì hậu quả sẽ như thế nào, nếu không muốn nói rằng mức độ "thảm khốc" là có thể.

Sự việc nhiều toa tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông bị vẽ graffiti lên thân tàu đã thêm một hồi chuông báo động cho sự buông lỏng quản lý của một dự án vốn đã gây quá nhiều tai tiếng và bức xúc đối với người dân Thủ đô. Tới đây, cơ quan công an sẽ làm rõ được những "thủ phạm" đã vẽ lên thân nhiều toa tàu Cát Linh - Hà Đông để xử lý nghiêm về hành vi phá hoại tài sản nhà nước, thế nhưng ngay bây giờ, dư luận và nhân dân đang rất phẫn nộ đòi phải xử lý ngay và thật nghiêm những người có trách nhiệm trong quản lý dự án, cũng như chủ đầu tư khi đã buông lỏng trách nhiệm trong việc quản lý, giám sát, trông coi dự án trên.

Tin cùng chuyên mục