Tai nạn thương tích, bất ổn tâm lý ở trẻ dịp hè: Đến hẹn lại lo

Nghỉ học lâu, ở nhà nhiều, cùng với sự bất cẩn của phụ huynh là nguyên nhân khiến những tai nạn thương tích trẻ em gia tăng. Đặc biệt, năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thời gian trẻ ở nhà lâu hơn, ngoài nguy cơ về tai nạn thương tích, nhiều trẻ cũng có những dấu hiệu bất ổn tâm lý.
Các bác sĩ đang tích cực điều trị cho bé trai 4 tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Long bị ngạt nước do té ao
Các bác sĩ đang tích cực điều trị cho bé trai 4 tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Long bị ngạt nước do té ao

Gia tăng

Mới đây, Bệnh viện (BV) Nhi đồng TPHCM tiếp nhận một bé gái 5 tháng tuổi, ngụ huyện Bến Lức, tỉnh Long An nhập viện trong tình trạng bứt rứt, quấy khóc, miệng nhiều đàm nhớt. Khai thác bệnh sử ghi nhận trước nhập viện một giờ, mẹ phát hiện thấy trẻ ngậm mảnh dao lam bẻ vụn, tay cầm các miếng khác lấy trong sọt rác để trong nhà, nghi ngờ trẻ đã nuốt nhiều miếng nên tức tốc đưa trẻ nhập viện. Sau khi hội chẩn thống nhất ý kiến, chờ đợi 24 giờ với điều trị thuốc xổ uống và bơm hậu môn để trẻ đi tiêu tự nhiên. May thay, sau 24 giờ, trẻ đi cầu 3 lần, mỗi lần đều ra được 2-3 miếng kim loại là mảnh vụn dao lam kích thước 2-4mm đường kính, tổng cộng là 7 miếng. Hiện bé đã tỉnh táo. Bố của bé làm nghề dán keo điện thoại, xe gắn máy nên thường xuyên sử dụng dao lam bẻ nhỏ để cắt. Sau khi sử dụng xong liền gói lại bỏ thùng rác trong nhà chưa kịp mang đi đổ thì bị bé tìm đến bóc, bỏ miệng.

Trước đó, BV Nhi đồng TPHCM cũng tiếp nhận bé trai 4 tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Long bị ngạt nước do té ao. Mẹ bé cho biết, sáng cùng ngày, nhân lúc mẹ đang dọn dẹp nhà cửa, bé ra trước nhà chơi, không may té xuống ao trước nhà. Người nhà phát hiện, vớt trẻ lên, xốc nước và đưa đến bệnh viện địa phương trong tình trạng hôn mê, tím tái thở yếu, co gồng, được các bác sĩ cấp cứu đặt nội khí quản giúp thở, chống co giật, sau đó chuyển đến BV Nhi đồng TPHCM. Hiện tình trạng trẻ còn nặng, được chuyển khoa Hồi sức tích cực điều trị tiếp. 

Không phải trẻ nào cũng may mắn được cấp cứu kịp thời như 2 trường hợp trên. Mới đây, tại xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An xảy ra trường hợp đuối nước thương tâm khiến 2 bé trai 6 tuổi tử vong. Trưa 28-5, hai bé trai trốn mẹ đi mò cua và không may trượt chân ngã xuống ao nước cạnh nhà. Người dân phát hiện, đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện huyện Bình Chánh nhưng cả hai đã không qua khỏi. 

Theo bác sĩ CK2 Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc BV Nhi đồng TPHCM, tai nạn thương tích trẻ em là tai nạn xảy ra quanh năm, nhưng hè là khoảng thời gian tần suất trở nên dày đặc hơn, bởi đây là lúc trẻ không phải đến trường. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trẻ nghỉ hè sớm và dự báo sẽ nghỉ trong thời gian dài nên nguy cơ tai nạn thương tích càng gia tăng. 

Nhiều trẻ rối loạn tâm lý khi bị nhốt ở nhà 

Từ đầu tháng 5-2021, dịch Covid-19 hoành hành tại nhiều địa phương khiến trẻ nhỏ phải ngừng đến trường, nghỉ hè sớm. Thời gian ở nhà quá dài, cùng với sự bận rộn của người lớn, nhiều trẻ rơi vào tình trạng rối loạn tâm lý. Đây là nhận định của chuyên viên tâm lý Nguyễn Hải Uyên, khoa Tâm lý - Vật lý trị liệu, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM. Chuyên viên Nguyễn Hải Uyên cho biết, thời gian qua, trẻ bị rối loạn tâm lý, rối loạn ngôn ngữ hoặc mất ngôn ngữ, tương tác kém… được cha mẹ đưa đến BV Nhi đồng 2 điều trị tăng lên. Đa số trẻ ở độ tuổi từ 18 tháng đến dưới 5 tuổi. Trung bình cứ 10 trẻ được đưa đến đây thì có 8 trẻ bị rối loạn tâm lý do ít tiếp xúc với người khác và bạn bè đồng trang lứa, biểu hiện qua việc trẻ ít nói, né tránh ánh mắt khi giao tiếp, sợ người lạ…

Theo chuyên viên tâm lý Nguyễn Hải Uyên, lên 2 tuổi, trẻ em đã phân biệt được quen, lạ và bắt đầu khám phá thế giới xung quanh, nhận biết đồ vật qua trò chơi, quan sát. Đặc biệt, ở thời điểm 3 tuổi, trẻ sẽ bước vào “giai đoạn xã hội hóa”, bước ra khỏi gia đình để tiếp xúc với những trẻ khác, kết nối với thầy cô, những người xung quanh. Do đó, việc hạn chế tương tác và để trẻ chơi một mình, chỉ chơi thuần với đồ vật sẽ là một sự thiếu hụt rất lớn trong quá trình phát triển của trẻ về mặt ngôn ngữ, nhận thức và xã hội hóa. Thêm vào đó, đây cũng là giai đoạn phát triển vận động nên nếu trẻ bị hạn chế trong phạm vi hẹp, ít chạy nhảy, năng lượng không được giải phóng sẽ tạo thành những bức bối, khó chịu, căng thẳng. Lâu dần dẫn đến cáu gắt, căng thẳng ở trẻ. Lúc này, trẻ sẽ la hét, quấy khóc, ăn vạ, thậm chí phát sinh hành động tiêu cực như chửi, đánh lại người lớn. 

“Việc hạn chế hoạt động, hạn chế tiếp xúc, tương tác với người xung quanh dẫn đến trẻ giảm khả năng tự phục vụ, thích ứng, nhận thức cũng như vốn ngôn ngữ. Cha mẹ lại quá bận, nhiều người đi làm về thấy con đã được người giúp việc, ông bà cho ăn, vệ sinh cá nhân xong thì yên tâm nghỉ ngơi, ít chơi đùa, trò chuyện hay ẵm bồng… khiến bé cảm thấy khoảng cách xa dần”, chuyên viên tâm lý Nguyễn Hải Uyên phân tích.

Ngoài ra, việc các phụ huynh cho trẻ xem điện thoại, máy tính bảng từ sớm với tần suất dày đặc khiến nhiều trẻ rơi vào thế giới riêng của mình. Tâm lý sợ tiếp xúc với người thực cũng bắt đầu hình thành. “Nặng hơn, trẻ bị rối loạn lo âu, chỉ cần người bên cạnh không ngồi sát bên thì trẻ đã co rúm sợ hãi, khóc thét đòi, có trẻ chán ăn, rối loạn giấc ngủ, thờ ơ với mọi thứ. Cha mẹ cần nói chuyện, chuẩn bị tâm lý cho trẻ không bị rơi vào lo âu chia ly, tránh làm cho trẻ có cảm giác bị bỏ rơi, không an toàn”, chuyên gia tâm lý cảnh tỉnh.

Bác sĩ CK2 Nguyễn Minh Tiến cho biết, đối với trẻ dưới 3 tuổi luôn phải có người giữ, chăm sóc và theo dõi để tránh các tai nạn đáng tiếc xảy ra trong chính ngôi nhà của mình như: phỏng, điện giật, té xô, té hồ nước hòn non bộ gây ngạt nước, uống nhầm thuốc, hóa chất… Còn đối với trẻ trên 3 tuổi, các nguy cơ luôn chực chờ như tai nạn giao thông, điện giật, đuối nước, bỏng… Phụ huynh cần để mắt nhiều hơn đến con mình trong khoảng thời gian nghỉ hè, nghỉ dịch để hạn chế tối đa các tai nạn thương tích có thể xảy ra.

Tin cùng chuyên mục