Tai nạn giao thông ở vùng ven tăng cao

Từ đầu năm 2019 đến nay, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) tại nhiều địa phương ở TPHCM, nhất là khu vực ngoại thành, vùng ven, diễn biến rất phức tạp, tăng cao cả số vụ lẫn số người chết và bị thương. 

Có địa bàn, số người chết vì TNGT tăng đột biến đến… 900%, mức tăng chưa từng có từ trước đến nay. Đâu là nguyên nhân? Giải pháp nào để ngăn chặn hiệu quả TNGT xảy ra?

Mức tăng “khủng”

Chiều 18-5, bà T.N.T. điều khiển xe máy lưu thông trên đường Lê Quang Định (quận Bình Thạnh; hướng từ đường Phạm Văn Đồng đi chợ Bà Chiểu) với tốc độ rất nhanh. Khi đến trước nhà số 398 Lê Quang Định thì va quẹt với xe tải lưu thông cùng chiều. Cú va chạm mạnh khiến bà T. ngã xuống đường, tử vong tại chỗ. Đó là một trong số hàng chục vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra tại quận Bình Thạnh từ đầu năm 2019 đến nay.

Theo Ban An toàn giao thông quận Bình Thạnh, TNGT ở địa phương này tăng cao bất thường trong thời gian gần đây. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2019, quận Bình Thạnh xảy ra 19 vụ TNGT, làm chết 19 người, tăng 11 người so với cùng kỳ năm 2018. Đáng chú ý, trong số 19 vụ TNGT xảy ra có đến 9 vụ do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia gây ra. 

Công an huyện Bình Chánh cho biết, từ năm 2017 đến nay, số vụ TNGT xảy ra tại huyện ngoại thành này luôn ở mức cao. 9 tháng năm 2019, huyện Bình Chánh xảy ra 80 vụ TNGT, làm chết 81 người (trung bình mỗi tháng xảy ra gần 10 vụ với gần 10 người tử vong), chưa kể các vụ va chạm.

Tai nạn giao thông ở vùng ven tăng cao ảnh 1 Hiện trường một vụ TNGT xảy ra trên đường Nguyễn Văn Linh, huyện Bình Chánh (TPHCM)

Lãnh đạo UBND huyện Bình Chánh nhìn nhận, mặc dù triển khai nhiều giải pháp, song TNGT trên địa bàn vẫn chưa có chiều hướng giảm. Dự báo, từ nay đến cuối năm 2019, TNGT sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp do Bình Chánh là huyện cửa ngõ của TPHCM, lượng phương tiện lưu thông tăng cao. 

Địa phương có số vụ TNGT tăng bất thường nhất ở TPHCM từ đầu năm 2019 đến nay là huyện Cần Giờ: 26 vụ TNGT đường bộ, làm chết 12 người. So với cùng kỳ năm 2018, tăng 8 vụ (44,4%), tăng 9 người chết (300%).

Đặc biệt, trong 5 tháng đầu năm 2019, ở Cần Giờ, TNGT tăng đột biến, số người chết do TNGT tăng đến 900% so với cùng kỳ năm 2018, mức tăng chưa từng có từ trước đến nay. Theo Công an huyện Cần Giờ, chính quyền, ngành chức năng địa phương đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp kéo giảm TNGT, tuy nhiên nguy cơ xảy ra TNGT vẫn chưa được kéo giảm.

“Có thể thấy rõ điều này thông qua số liệu người vi phạm giao thông bị xử lý. Trong 9 tháng, lực lượng công an huyện đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 3.009 trường hợp vi phạm. Trên thực tế, số người vi phạm còn nhiều hơn do địa bàn rộng, lực lượng chức năng khó thể kiểm soát hết”, đại diện Công an huyện Cần Giờ cho hay. 

Đâu là nguyên nhân?

Trung tá Lê Phát Thanh, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - trật tự Công an huyện Bình Chánh, cho biết trong số 80 vụ TNGT xảy ra ở huyện này từ đầu năm 2019 đến nay có 8 vụ do người điều khiển không làm chủ tốc độ (8 người chết), 17 vụ không chú ý quan sát (làm 18 người chết), 17 vụ lưu thông không đúng phần đường (17 người chết), 11 vụ không giữ khoảng cách an toàn (11 người chết)… Điều này cho thấy nguyên nhân khiến TNGT xảy ra nhiều ở Bình Chánh do ý thức chấp hành luật của người tham gia giao thông kém.

Tai nạn giao thông ở vùng ven tăng cao ảnh 2 Kiểm tra nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện giao thông

Một nguyên nhân khác khiến TNGT ở Bình Chánh tăng cao trong những năm gần đây là do số lượng xe đăng ký mới nhiều, trong khi công tác duy tu, nâng cấp, sửa chữa các tuyến đường hư hỏng, xuống cấp trên địa bàn diễn ra rất chậm.

Đơn cử như tuyến đường Dân Công Hỏa Tuyến tại xã Vĩnh Lộc A. Con đường này không có hệ thống cống thoát nước, bị xuống cấp gần chục năm qua, mặt đường chi chít “ổ voi, ổ trâu”. Từ năm 2012, UBND TPHCM đã duyệt đầu tư nâng cấp tuyến đường theo chương trình nông thôn mới giai đoạn 2013-2015, đến năm 2018 giao Ban Quản lý đầu tư dự án huyện làm chủ đầu tư triển khai thực hiện, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thi công.

“Để tránh nguy hiểm trong lưu thông, người dân địa phương tự bỏ tiền vá đường, tuy nhiên TNGT, quẹt xe vẫn xảy ra như cơm bữa”, ông Lương Tấn Thành (nhà ở ấp 3A, xã Vĩnh Lộc A) cho biết. 

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ Trương Tiến Triển, kết quả điều tra các vụ TNGT nghiêm trọng của công an cho thấy, hơn 70% số vụ TNGT có nguyên nhân do người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn, say xỉn khi lái xe. Sở dĩ người dân còn vi phạm nồng độ cồn trong lái xe nhiều là do công tác tuyên truyền pháp luật giao thông của chính quyền, ngành chức năng địa phương thời gian qua chưa mang lại hiệu quả cao.

Mặt khác, Cần Giờ cũng là điểm đến du lịch hấp dẫn, thu hút du khách khắp nơi đến tham quan, ăn uống. Không ít trường hợp sử dụng rượu bia nhưng sau đó vẫn điều khiển phương tiện, không làm chủ tay lái đã dẫn đến tai nạn đáng tiếc.


Thượng tá LÊ ĐÌNH TOÀN, Phó trưởng Công an huyện Cần Giờ:

Phần lớn các vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra trên tuyến đường Rừng Sác (từ phà Bình Khánh đến trung tâm huyện) nguyên nhân do người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn. Do đó, để kéo giảm TNGT ở Cần Giờ, thời gian tới, đặc biệt từ nay đến cuối năm 2019, Công an huyện Cần Giờ sẽ phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông Công an TPHCM lập thêm các chốt kiểm soát, xử lý mạnh tay đối với các trường hợp điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn trên đường Rừng Sác.

Ngoài ra, công an huyện cũng sẽ tham mưu Ban An toàn giao thông huyện chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, chính quyền cơ sở phối hợp với nhà trường, đoàn thể tổ chức tuyên truyền sinh động ngay trong trường học, chợ, thôn ấp, các điểm du lịch để nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông cho người dân, nhất là đối với học sinh, thanh niên, bởi phần lớn các trường hợp lái xe gây tai nạn ở Cần Giờ thời gian qua nằm trong độ tuổi 18 - 30.


Trung tá LÊ PHÁT THANH, Công an huyện Bình Chánh:

Đa số các trường hợp điều khiển phương tiện gây TNGT tại Bình Chánh thời gian qua là người dân ở các tỉnh. Họ không có trình độ, đến Bình Chánh, Bình Tân (TPHCM) làm công nhân, do đó ý thức chấp hành luật rất kém, vi phạm nhiều lỗi khi tham gia giao thông, dẫn đến tai nạn.

Giải pháp trọng tâm được công an huyện cũng như cả hệ thống chính trị ở huyện Bình Chánh tập trung thực hiện để kéo giảm TNGT trong thời gian tới là tuyên truyền với đối tượng được xác định rõ là công nhân, người lao động. Việc tuyên truyền được đa dạng hóa bằng nhiều hình thức sinh động thông qua họp dân, sinh hoạt ngoài giờ tại các khu nhà trọ, khu phố, khu công nghiệp; làm việc với lãnh đạo công ty, tổ chức công đoàn yêu cầu công nhân, người lao động cam kết thực hiện nghiêm các quy định về an toàn giao thông, nếu vi phạm sẽ bị đánh giá, hạ bậc thi đua.

Cùng với đó, đơn vị cùng phối hợp với các đội - trạm thuộc Phòng Cảnh sát giao thông Công an TPHCM liên tục tổ chức kiểm tra, xử lý người vi phạm theo từng chuyên đề; phối hợp với Phòng Quản lý đô thị huyện, Khu quản lý giao thông đô thị khảo sát, khắc phục ngay các hư hỏng trên hạ tầng giao thông, điều chỉnh các điểm, khu vực phân luồng giao thông chưa hợp lý, lắp đặt gờ giảm tốc ở các tuyến đường nội bộ trong khu dân cư…


Ông NGUYỄN NGỌC TƯỜNG, Phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TPHCM:

Ban An toàn giao thông TP đã yêu cầu các quận - huyện có số vụ TNGT tăng cao đánh giá toàn bộ tình hình, phân tích làm rõ các nguyên nhân khách quan và chủ quan, có báo cáo cho thành phố để có giải pháp hợp lý, kịp thời, kéo giảm TNGT bền vững.

Trong thời gian từ nay đến cuối năm 2019, Ban An toàn giao thông TP đề nghị các lực lượng chức năng, trong đó lực lượng cảnh sát giao thông làm nòng cốt, phối hợp với ban an toàn giao thông các quận huyện, công an địa phương tập trung vào 2 nhóm giải pháp chính là tuyên truyền và xử lý vi phạm. Cụ thể, việc tuyên truyền phải sinh động, xác định rõ đối tượng tuyên truyền; đối với công tác xử lý vi phạm phải triển khai theo chuyên đề, cụm, tuyến. 

Tin cùng chuyên mục