Tai nạn giao thông đường sắt giảm chưa bền vững

Do hiện trạng các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt còn nhiều nên tai nạn giao thông đường sắt giảm chưa bền vững, nguy cơ tai nạn nghiêm trọng gây thiệt hại về người và tài sản rất lớn.
Hiện trường vụ tai nạn giao thông đường sát
Hiện trường vụ tai nạn giao thông đường sát
Ngày 10-8, thông tin từ Hội nghị sơ kết 3 năm triển khai lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt tổ chức ở Hà Nội cho biết, 6 tháng đầu năm 2017, cả nước xảy ra 167 vụ tai nạn giao thông đường sắt, làm chết 79 người, bị thương 112 người, giảm được 38 vụ, 4 người chết và 30 người bị thương so với cùng kỳ năm 2016.
Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN), dù nguồn kinh phí được cấp để lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt theo Quyết định số 994 của Thủ tướng Chính phủ là 26.358 tỷ đồng, nhưng thực tế mới được cấp cho hạng mục nâng cấp, sửa chữa đường ngang 280 tỷ đồng. Kinh phí thiếu trầm trọng nhưng trong năm 2016, Tổng công ty ĐSVN đã rà soát, cắt giảm khối lượng không cần thiết và làm được 133 đường ngang, đồng thời hoàn thiện hồ sơ trình phê duyệt xong 127 đường ngang, thực hiện thi công 93 đường ngang trong năm 2017. Các đường ngang sau khi được cải tạo, sửa chữa, nâng cấp đều đảm bảo tuyệt đối an toàn.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ GTVT, do hiện trạng các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt còn nhiều nên tai nạn giao thông đường sắt giảm chưa bền vững, nguy cơ tai nạn nghiêm trọng gây thiệt hại về người và tài sản rất lớn. Trong khi đó, nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm phối hợp đảm bảo ATGT đường sắt, không chủ động đầu tư kinh phí xây dựng hệ thống đường gom, hàng rào cách ly. Đặc biệt, một số địa phương còn để tình trạng vi phạm hành lang ATGT phức tạp, chưa quyết liệt xử lý như huyện Thanh Liêm (tỉnh Hà Nam), quận Thủ Đức (TPHCM).
 Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, đề nghị, trong thời gian tới, bên cạnh nỗ lực của ngành đường sắt, các địa phương cần tập trung vốn xử lý dứt điểm hạng mục xây hàng rào, đường gom để cơ bản đóng hoàn toàn các lối đi dân sinh. Các địa phương không nên trông chờ vốn ngân sách mà phải vận dụng linh hoạt từ nguồn địa phương, sự hỗ trợ của các tổ chức tài chính, tổ chức quốc tế cho công trình, dự án ATGT. Trong trường hợp không có kinh phí địa phương phải tổ chức cảnh giới. 

Tin cùng chuyên mục