Tài khoản định danh điện tử dùng song song với căn cước công dân

Theo kế hoạch của Bộ Công an, dự kiến từ cuối tháng 2-2022, khi công dân làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại căn cước công dân gắn chip trên toàn quốc, nếu có nhu cầu có thể đề nghị cán bộ công an nơi làm thủ tục cấp căn cước công dân mở tài khoản định danh điện tử.
Từ cuối tháng 2, công dân thực hiện thủ tục làm căn cước công dân, bắt đầu được mở tài khoản định danh điện tử. Ảnh: QUANG PHÚC
Từ cuối tháng 2, công dân thực hiện thủ tục làm căn cước công dân, bắt đầu được mở tài khoản định danh điện tử. Ảnh: QUANG PHÚC

Thêm tiện ích trên môi trường điện tử

Thiếu tá Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an, cho biết, tài khoản định danh điện tử (ĐDĐT) là tập hợp gồm tên đăng nhập, mật khẩu hoặc hình thức xác thực khác được tạo lập bởi hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an. Tài khoản này được quản lý và xác thực trên ứng dụng ĐDĐT quốc gia do Bộ Công an phát triển (ứng dụng VNEID).

Việc cấp tài khoản ĐDĐT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ tại Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 và nhằm một trong những mục tiêu là bảo đảm xác thực 100% các thông tin thiết yếu, quan trọng trên ứng dụng VNEID, CCCD. Là ứng dụng do Bộ Công an phát triển, thời gian đầu, VNEID thực hiện nhiệm vụ kiểm soát dịch bệnh, truy vết F0, F1. VNEID hiện được tiếp tục hoàn thiện vai trò để tích hợp các tiện ích, giao dịch của người dân và doanh nghiệp trên môi trường điện tử. Công dân khi có tài khoản ĐDĐT do Bộ Công an cấp sẽ thực hiện các giao dịch hành chính hoàn toàn trên môi trường điện tử.

Khi tài khoản ĐDĐT của mỗi công dân đã được xác thực trên VNEID sẽ gồm những tiện ích như: Công dân khi thực hiện các dịch vụ công (đối với các dịch vụ đã được tích hợp trên VNEID) sẽ tự điền thông tin vào các biểu mẫu đăng ký, công dân không phải khai báo, điền các thông tin nhiều lần; công dân có thể cung cấp, chia sẻ thông tin của mình với bên thứ 3 trong các giao dịch bằng cách quét mã QR có trong VNEID, hoặc giải pháp kỹ thuật khác khi hệ thống của bên thứ 3 đủ điều kiện kết nối với VNEID. Bên cạnh đó, công dân có thể sử dụng tài khoản ĐDĐT để thay thế CCCD và các loại giấy tờ mà công dân đăng ký (bước mở tài khoản) tích hợp hiển thị trên VNEID, như: giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế..., thậm chí có thể thực hiện các giao dịch tài chính qua tài khoản ĐDĐT (thanh toán điện nước, đóng bảo hiểm xã hội, y tế, chuyển tiền).

Tiết kiệm thời gian

 Thiếu tá Hoàng Văn Dũng cho biết thêm, những tiện ích được đề cập trong tài khoản ĐDĐT sẽ được dùng song song với các tiện ích được tích hợp trong thẻ CCCD. Nếu công dân thực hiện các giao dịch hành chính với các cơ quan nhà nước mà phải đến trực tiếp, có thể dùng CCCD để quét mã QR. Còn lại, trên môi trường điện tử, các giao dịch của công dân sẽ sử dụng tài khoản ĐDĐT để thực hiện các giao dịch. Khi công dân có tài khoản ĐDĐT, ngoài thụ hưởng nhiều tiện ích, còn giúp tiết kiệm thời gian đi lại khi thực hiện các thủ tục hành chính; các cơ quan nhà nước cũng tiết kiệm thời gian khi xác minh thông tin công dân.

Để thực hiện được các giao dịch hành chính trên môi trường điện tử, bên cạnh sự liên thông, kết nối cơ sở dữ liệu giữa các bộ ngành, địa phương, đòi hỏi hội tụ điều kiện về khung pháp lý. Đây là vấn đề cần có sự thống nhất về nhận thức giữa các bộ ngành, địa phương trong thời gian tới.

Theo Thiếu tá Hoàng Văn Dũng, Bộ Công an và các bộ ngành, địa phương đang triển khai quyết liệt để sớm kết nối dữ liệu liên quan, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Hiện đã có một số bộ ngành thực hiện kết nối dữ liệu với cơ sở dữ liệu của Bộ Công an, như: Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Điện lực Việt Nam, Văn phòng Chính phủ. Trong khi đó, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế đã hoàn thiện các điều kiện kỹ thuật để chuẩn bị kết nối. Dự kiến, sắp có thêm Bộ LĐTB-XH kết nối về cơ sở dữ liệu trẻ em.

Theo thống kê của Cục Cảnh sát quản lý hành chính, đã có hơn 50 triệu thẻ CCCD được chuyển tới tay người dân. Đối với những công dân đã được cấp CCCD trước đó, muốn cấp tài khoản ĐDĐT, sắp tới, Bộ Công an sẽ có hướng dẫn cụ thể.

Tin cùng chuyên mục