Tài hoa và khí tiết người cách mạng Trần Quốc Hương

Một con người sống đời lẫy lừng oanh liệt vừa lặng lẽ rời kiếp nhân sinh. Đó là ông Mười Hương (Trần Quốc Hương), được biết đến là người đứng sau âm thầm tổ chức cho các nhà tình báo huyền thoại Phạm Xuân Ẩn, Phạm Ngọc Thảo, Vũ Ngọc Nhạ, Lê Hữu Thúy… hoạt động trong những năm kháng chiến chống Mỹ.
Ông Mười Hương (Trần Quốc Hương)
Ông Mười Hương (Trần Quốc Hương)

Là người định hướng, vạch đường chỉ lối cho những huyền thoại, nhưng ông Mười Hương chỉ nhận mình là một đạo diễn, “chỉ tay năm ngón”, còn thành công là ở lòng dũng cảm, mưu trí của chính những nhà tình báo kể trên. Những câu chuyện hiếm hoi về ông Mười Hương đã được nhà văn, nhà báo Nguyễn Thị Ngọc Hải dày công ghi lại trong cuốn sách Trần Quốc Hương - Người chỉ huy tình báo.

“Các anh ấy giỏi”

 Sinh ra ở Bình Lục, tỉnh Hà Nam năm 1924, ông Mười Hương sớm dấn thân vào cuộc đời hoạt động sôi nổi, trải qua nhiều công việc, được giao nhiều trọng trách từ khi tuổi đời mới mười tám, đôi mươi. Ông từng trực tiếp làm việc, bảo đảm an ninh cho Tổng Bí thư Trường Chinh, tổ chức các hoạt động cho Trung ương Đảng thời kỳ trứng nước. Tháng 7-1954, khi đất nước bắt đầu chia làm hai miền, nhận định chiến trường miền Nam cần cán bộ có kinh nghiệm hoạt động địch hậu ở đô thị, thạo công tác bảo vệ Đảng trong hoạt động bí mật, đồng chí Lê Đức Thọ khi ấy ở miền Nam ra đã xin Trung ương cho ông Mười Hương đi cùng vào Nam. Bác Hồ khi ấy chỉ dặn dò đơn giản: “Xem làm được thì nhận và đã nhận thì đừng phụ lòng Trung ương. Đi sao nhớ về vậy”.

Cuối năm 1954, ông lên đường vào Nam. Hoạt động được 4 năm thì ông bị bắt và bị cầm tù trong 6 năm (từ 1958-1963). Khi cuộc đảo chính lật đổ anh em Ngô Đình Diệm xảy ra, lợi dụng tình thế lộn xộn, phía ta đã lo cho ông được ra tù. Ra tù, ông về Bắc, phụ trách tình báo kỹ thuật, chống gián điệp. Năm 1968 chuẩn bị chiến dịch Mậu Thân, chiến trường miền Nam lại xin ông trở vào. Ông làm Trưởng ban An ninh Sài Gòn - Gia Định cho đến tận năm 1975.

Trong cuốn Trần Quốc Hương - Người chỉ huy tình báo có kể lại rằng, sau ngày toàn thắng, trong lần gặp Dương Văn Minh, đồng chí Lê Đức Thọ hỏi: “Những ngày tháng Tư có nhiều lực lượng tác động đến ông. Lực lượng nào tác động mạnh nhất để ông ra tuyên bố sáng 30-4 đó?”. Dương Văn Minh trả lời: “Nhóm họa sĩ Ớt”. Nhóm họa sĩ này chính là người được ông Mười Hương cài vào lực lượng thứ ba để đấu tranh.

Sau ngày thống nhất, người ta biết đến những tên tuổi như Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Ngọc Thảo, Lê Hữu Thúy. Và người ta cũng dần biết được, ông Mười Hương là người đã nhìn ra khả năng của Phạm Xuân Ẩn, định hướng cho ông Ẩn đi học báo chí tại Mỹ thay vì đi theo phò tá người này người kia, cùng lắm chỉ là “đi hầu”. Phạm Xuân Ẩn đang học thì ông Mười Hương bị bắt. Cũng dễ hiểu nếu ông Ẩn không về nữa vì sợ người chỉ huy của mình đã khai ra, về thì khó lòng sống sót. Sau này, Phạm Xuân Ẩn có tâm sự về tình cảnh khi ấy: “Anh làm lãnh đạo chỉ huy, chứ người khác, chắc em không dám trở về”.

Còn nhà tình báo Phạm Ngọc Thảo (nguyên mẫu của nhân vật Nguyễn Thành Luân trong Ván bài lật ngửa) đôi lúc “hăm hở” quá, tuổi trẻ hăng hái muốn làm được nhiều việc cho cách mạng. Ông Mười Hương phải “kiềm” bớt lại, dặn dò Thảo đừng tham việc, phải hướng đến nhiệm vụ lớn hơn tránh rơi vào cái bẫy thử thách của kẻ thù.

Với ông Vũ Ngọc Nhạ, người nhập vai linh mục giống hơn cả linh mục, ông Mười Hương khéo léo hướng cho ông Nhạ khai thác những mâu thuẫn, phân biệt đối xử của gia đình Diệm - Nhu với Công giáo Bùi Chu và Phát Diệm để hoạt động.

Những phân tích ấy rõ ràng tác động rất lớn đến đường hướng hoạt động của các chiến sĩ tình báo. Nhưng sau này, mỗi khi nhắc đến những người cấp dưới của mình, ông luôn dành những lời trân trọng nhất chứ không giành công lao về phía mình. Ông nói, chỉ huy là Trung ương Đảng, là cả một lực lượng cách mạng, ông chỉ là người được giao lại các đầu mối. “Cái chính của tôi là cái việc anh chỉ trỏ, chỉ tay năm ngón thôi. Còn các anh ấy giỏi nên lập được nhiều chiến công lớn, vô cùng quan trọng cho cách mạng”.

Khí tiết người cách mạng

Ông Mười Hương vốn không nói nhiều về mình. Như ông từng chia sẻ trong cuốn Trần Quốc Hương - Người chỉ huy tình báo, ông sợ sự chủ quan. Cuốn sách được nhà báo, nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải viết từ những trải lòng của ông Mười Hương, xuất bản lần đầu năm 2000, tái bản lần một năm 2011. Năm nay, Nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ dự tính tái bản cuốn sách nhân kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống Công an nhân dân (19-8), nhưng cuốn sách vừa chuyển xuống nhà in thì đúng ngày hôm đó (11-6), ông Mười Hương mất.

Là người nắm giữ vai trò quan trọng trong mạng lưới tình báo, dĩ nhiên ông Mười Hương không thể tránh khỏi sự “chăm sóc đặc biệt” của kẻ thù. Ông bị bắt năm 1958 vì một kẻ phản bội đã khai ra ông. Nhưng khi đó và cả sau này, ông luôn có cái nhìn rất nhân văn và toàn diện với những “cán bộ chuyển hướng”. Có thể họ không vững nguyên tắc hoạt động nên bị địch nắm sơ hở. Có thể họ không thắng được đòn cân não của kẻ thù, hoặc sai lầm khi nghĩ rằng có thể trá hàng, lợi dụng được chính sách của Diệm…

Giam ông suốt 6 năm ở Tòa Khâm sứ khét tiếng ở Huế, giam cả trong phòng tối, kẻ thù chẳng những không khai thác được gì từ ông, mà còn phải nể phục. Ngay Ngô Đình Nhu cũng đến đấu lý, rồi phải thừa nhận ông Mười Hương là “tên cộng sản ngoan cố, nhưng những điều hắn nói cũng đáng phải suy nghĩ”.

Ở tù, khi nhận định được kẻ thù đã biết mình là ai, ông Mười Hương chọn cách đấu tranh trực diện thay vì cung khai giả. “Ông có phải tên Hương không?” - đáp lại câu hỏi ấy là một ánh nhìn thẳng: “Đúng. Tôi là Hương. Các ông muốn gì? Tôi biết, tôi bị bắt, các ông có quyền hành hạ, nhưng tôi nói trước là tôi không khai”. Chúng đưa một cán bộ chuyển hướng vào ở cùng để tỉ tê khuyên giải. Ông chỉ nghiêm nghị đáp: “Lúc anh đi kháng chiến, theo Đảng là tự giác ngộ, tự anh làm chứ có ai gí súng vào lưng bắt anh làm không? Đảng không ép gì ta. Đừng trách Đảng. Con đường tranh đấu chông gai, hãy tự mình xử sự cho đúng!”.

Một con người kiên trung nhường vậy, đối mặt với kẻ thù không sợ, mà sau này cũng có lúc phải thăng trầm khi có người nghi vấn ông về thời gian trong tù. Rằng ông là tù nhân quan trọng thế sao không bị giết, không bị đánh đập, lại được thả? Các đồng chí như Trường Chinh sốt ruột cho ông, muốn đứng ra góp tiếng nói giải oan. Nhưng ông Mười Hương ngăn lại, muốn làm theo quy trình của Đảng. Ông là vậy, không nhờ cậy đến ai giải oan cho mình, dù quen thân rất nhiều “cây cao bóng cả”. 

Những việc ông làm, có lẽ cũng là sự chứng minh cho lời nhận xét của Bác Hồ về ông trước khi ông lên đường chi viện cho miền Nam: “Chú ấy đánh giá đối tượng, con người đúng và chú ấy biết dùng người”.

Sau này, tâm sự với đồng nghiệp và bạn chiến đấu, ông đúc kết, làm công an, công tác tình báo và an ninh cái đầu phải lạnh, trái tim phải nóng, và bàn tay phải sạch, như thế thì làm cái gì cũng dễ, làm cái gì cũng được, trăm trận trăm thắng. Khi được mời phát biểu về những vấn đề quan trọng của đất nước, ông nói cái lớn của đất nước là con người. Có giữ được đất nước không, Đảng có mạnh hay không, vấn đề cốt lõi là con người. Ông luôn tâm đắc nhận định của Đảng, rằng nguyên nhân của mọi nguyên nhân là công tác cán bộ. Nhân sự là vấn đề rất lớn. Ông mong muốn có thể phát huy tất cả lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, kích thích người dân mình làm việc hết lòng xây dựng đất nước sao cho không hổ thẹn với truyền thống.

Năm 1954 trước khi vào miền Nam, Bác Hồ đã dặn ông Mười Hương “Đi sao về vậy”. Ông đã làm được hơn cả mong đợi của Bác Hồ. Và hôm nay về với “thế giới người hiền”, nơi có những người mà ông đã góp tay đào tạo họ trở thành huyền thoại, ông vẫn giữ vẹn nguyên khí tiết của một người cách mạng.

Tin cùng chuyên mục