Tái hiện hình ảnh Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế

Việc tái hiện Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế là một hoạt động thể hiện lòng tôn kính và tri ân của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế đối với công lao to lớn của người anh hùng “áo vải cờ đào”

Sáng 11-1 (tức ngày 25-11 năm Đinh Dậu), tại tượng đài vua Quang Trung thuộc di tích núi Bân (phường An Tây, TP Huế), tỉnh Thừa Thiên - Huế long trọng tổ chức lễ dâng hương, kỷ niệm 229 năm Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế Quang Trung (25-11 năm Mậu Thân 1788) và 228 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (ngày 5 tháng Giêng năm Kỷ Dậu 1789).

Tái hiện hình ảnh Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế ảnh 1 Trang nghiêm lễ dâng hương tưởng nhớ vua Quang Trung tại Huế

Trong khuôn khổ buổi lễ, các diễn viên Nhà hát Ca kịch Huế và hàng trăm võ sinh đã tái hiện nghi lễ Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế, đặt niên hiệu là Quang Trung được xây dựng dựa trên tư liệu lịch sử: Năm 1788, nghe tin 29 vạn quân Thanh xâm lược nước ta, đánh chiếm Thăng Long, Nguyễn Huệ khẩn cấp hội bàn với các tướng sĩ và quyết định lên ngôi Hoàng đế để quy tụ lòng dân. Ngọn núi Bân lập tức được san lấp làm đàn tế cáo trời đất khi Nguyễn Huệ lên ngôi, điều binh thần tốc ra trận tuyến đánh giặc.

Ngay tại lễ lên ngôi, vua Quang Trung dõng dạc đọc lời hịch: “Đánh cho để dài tóc. Đánh cho để đen răng. Đánh cho nó chích luân bất phản. Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn. Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”. Dứt lời, nhà vua tuốt gươm khỏi vỏ, giơ cao lên trời thể hiện ý chí quyết tâm chiến thắng giặc xâm lăng, bảo vệ bờ cõi non sông...

Tái hiện hình ảnh Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế ảnh 2 Tái hiện Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế Quang Trung tại núi Bân

Cuộc hành quân thần tốc ra Bắc đánh tan quân xâm lược Mãn Thanh của đoàn quân Tây Sơn dưới sự lãnh đạo của Hoàng đế Quang Trung đã đánh dấu một mốc son lịch sử quan trọng trong quá trình dựng nước và giữ nước vẻ vang của dân tộc Việt Nam.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND TP Huế nhấn mạnh, trong tiến trình lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam, Thuận Hóa - Phú Xuân (Huế) là vùng đất gắn liền với triều đại Tây Sơn, một vương triều đã làm nên những chiến công hiển hách vào cuối thế kỷ 18 mà công lao vĩ đại trước hết thuộc về người Anh hùng dân tộc lỗi lạc Nguyễn Huệ - Quang Trung.

Đô thành Phú Xuân được Nguyễn Huệ giải phóng khỏi ách thống trị, hà khắc của tập đoàn phong kiến họ Trịnh (1786) đã mở ra cho nhân dân Thuận Hóa một trang sử mới. Từ đây Phú Xuân trở thành trung tâm lãnh đạo phong trào Tây Sơn, là điểm xuất phát và bàn đạp để Nguyễn Huệ - Quang Trung tiến thẳng ra Thăng Long đánh tan quân xâm lược phương Bắc, thống nhất đất nước, xóa bỏ cục diện phân liệt Đàng Trong - Đàng Ngoài kéo dài hơn 2 thế kỷ.

Tái hiện hình ảnh Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế ảnh 3
Tái hiện hình ảnh Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế ảnh 4 Biểu diễn võ thuật Tây Sơn tại lễ kỷ niệm

Dâng hương, hoa tưởng nhớ Anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ -  Quang Trung và chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa là một hoạt động thể hiện lòng tôn kính và tri ân của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế đối với công lao to lớn của người anh hùng “áo vải cờ đào”; khơi dậy niềm tự hào, giáo dục và phát huy truyền thống yêu nước vẻ vang của dân tộc đối với thế hệ hôm nay và con cháu mai sau để tiếp bước các thế hệ ông cha trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tin cùng chuyên mục