Tái diễn giết mổ gia súc, gia cầm trái phép

Đến hẹn lại lên, dịp giáp Tết Nguyên đán, tình trạng giết mổ gia súc, gia cầm trái phép trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tái diễn rầm rộ, gây bức xúc trong dư luận.

1 giờ sáng, đường vào những khu giết mổ gia súc, gia cầm trái phép trên địa bàn phường Long Bình khá vắng vẻ. Tại khu phố 5, trong một ngôi nhà có bờ tường rào bao quanh cao khoảng 3m, qua khe hở của cửa sắt, chúng tôi ghi nhận hàng chục người đang thực hiện các công đoạn giết mổ heo thủ công trên nền xi măng ẩm ướt, nhếch nhác, cạnh đó hàng chục con heo đã giết mổ nằm ngổn ngang trên sàn. Đây là lò mổ heo lậu không phép tồn tại khá lâu của ông D.  Chỉ khoảng 30 phút, chúng tôi ghi nhận 8 xe máy chở heo đã giết mổ tại cơ sở này đi giao cho các điểm bán lẻ.

Cơ quan chức năng kiểm tra cơ sở giết mổ dê trái phép ở huyện Trảng Bom 
Ngược về khu phố 4, chúng tôi bám theo chiếc xe máy do một người phụ nữ điều khiển chở 2 giỏ nhựa lớn đi mua gà. Chiếc xe phóng ào ào trên đường vắng rồi thắng gấp, rẽ vào lò mổ không phép của bà H. Trong khuôn viên được tráng xi măng rộng khoảng 100m2 có hàng trăm con gà, vịt ngổn ngang, lông gà, lông vịt và các chất thải được đổ xuống cống rồi theo đường mương chảy ra suối gần đó. Người phụ nữ xuống xe, nhanh chóng xếp gà, vịt đầy 2 chiếc giỏ nhựa sau xe rồi rồ ga chạy đi. Lò giết mổ của bà H. là cơ sở giết mổ lậu gia cầm lớn nhất ở phường Long Bình trong số nhiều lò giết mổ trái phép hoạt động nhộn nhịp thường xuyên. 

Thịt gia súc, gia cầm từ các lò giết mổ trái phép tại phường Long Bình chủ yếu được tập kết và bán sỉ tại khu vực vòng xoay Tam Hiệp, giáp ranh giữa 3 phường: Long Bình, Tam Hiệp và Tam Hòa. Thịt heo, gà được bày trên một tấm bạt lớn trên vỉa hè đoạn giao nhau giữa đường Phạm Văn Thuận và QL 1A. Từ đây, thịt gia súc, gia cầm sẽ được tỏa đi tiêu thụ ở nhiều hướng khác nhau, trong đó nhiều nhất là những khu chợ công nhân ở Bình Dương và TPHCM. 

Ông Trần Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND phường Long Bình (TP Biên Hòa), thừa nhận trên địa bàn phường tái diễn tình trạng giết mổ gia súc, gia cầm trái phép. Do ở phường trước đây chưa có khu giết mổ tập trung nên xảy ra tình giết mổ tự phát. Tuy nhiên, khi có khu giết mổ tập trung thì họ cũng không vào vì chi phí giết mổ cao. Chính quyền đã lập đoàn kiểm tra nhưng do các lò mổ hoạt động tinh vi, mỗi khi cơ quan chức năng đi kiểm tra thì chủ lò tắt điện, đóng cửa. “UBND phường đã rà soát, nắm được danh sách và đang lập tổ công tác ra quân để xử lý dứt điểm việc giết mổ trái phép; qua đó yêu cầu các hộ này phải chuyển vào khu giết mổ tập trung vừa được đưa vào sử dụng tại khu phố 7”, ông Trần Văn Thắng cho biết.

Còn ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Đồng Nai, cho rằng, từ sau đợt thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19 đến nay, tình trạng giết mổ trái phép trên địa bàn diễn biến ngày càng phức tạp. Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 60 cơ sở giết mổ không phép đang hoạt động, tăng gấp 3 lần những năm trước đó.

Trong đó, TP Biên Hòa là nơi có cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trái phép nhiều nhất (20 cơ sở), tiếp đến là huyện Trảng Bom, Vĩnh Cửu… “Trước mắt, để ngăn chặn tình trạng giết mổ trái phép, cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai ra quân trong đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động giết mổ trái phép từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần và đang đề xuất áp dụng mức phạt cao hơn”, ông Nguyễn Trường Giang nói.

Chi cục Chăn nuôi - Thú y Đồng Nai hiện thành lập đường dây nóng 19009424 để tiếp nhận thông tin phản ánh của tổ chức, cá nhân khi phát hiện giết mổ gia súc, gia cầm trái phép, không rõ nguồn gốc.

Tin cùng chuyên mục