Tái cơ cấu sản phẩm nông nghiệp theo tín hiệu thị trường

Không chỉ giữ vai trò liên kết, phát triển nguồn hàng giúp ổn định cung cầu, giá cả hàng hóa quanh năm, các doanh nghiệp (DN) tham gia Chương trình bình ổn thị trường (BOTT) tại TPHCM còn là đầu mối thu mua, tìm đầu ra cho nhiều mặt hàng nông sản có nguy cơ “dội chợ, rớt giá” do lượng hàng cung ứng quá nhiều hoặc xuất khẩu gặp khó khăn. Đợt “giải cứu” dưa hấu, thanh long và cá tra lần này cũng không là ngoại lệ.
Người tiêu dùng mua dưa hấu, hỗ trợ nông sản trong nước
Người tiêu dùng mua dưa hấu, hỗ trợ nông sản trong nước

Chung tay vì cộng đồng

Ngay sau khi Bộ NN-PTNT phối hợp với các bộ ngành chức năng tổ chức hội nghị “Thúc đẩy thương mại và phát triển sản xuất nông sản trước tác động của dịch bệnh virus Corona”, đồng thời chỉ ra nhóm các mặt hàng nông sản đang bị ùn ứ do không xuất khẩu được sang thị Trung Quốc, nhiều hệ thống phân phối trong Chương trình BOTT lập tức vào cuộc.

Đơn vị triển khai sớm nhất việc tổ chức thu mua nông sản và đưa vào hệ thống bán lẻ của mình chính là Tập đoàn Central Retail - chủ đầu tư thương hiệu Big C và GO! Với chương trình “Chung tay hỗ trợ nông dân trồng dưa hấu, thanh long”, kể từ ngày 5-2, Big C và GO! áp dụng bán hàng không lợi nhuận đối với sản phẩm thanh long và dưa hấu nhằm kích cầu tiêu thụ, chung tay giúp bà con nông dân vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail, cho biết, trong những ngày qua, Central Retail đã cử nhân viên thu mua đến các địa phương như Bình Thuận, Gia Lai, Khánh Hòa, Long An, Tiền Giang… thu mua nông sản bị ùn ứ để phân phối trên toàn hệ thống gồm 37 siêu thị Big C và Go! trên toàn quốc. Chương trình sẽ kéo dài liên tục cho đến khi hàng hóa nông sản của bà con các tỉnh, thành này dần đi vào ổn định.

Tại các siêu thị Big C và GO! miền Bắc, dưa hấu ruột đỏ được bán với giá chỉ 6.200 đồng/kg; thanh long ruột đỏ và ruột trắng bán đồng giá 15.500 đồng/kg. Tại các siêu thị Big C và GO! khu vực phía Nam, giá thanh long ruột đỏ miền Tây được bán với giá 10.900 đồng/kg, dưa hấu ruột đỏ 4.900 đồng/kg. Theo dự kiến, Big C sẽ tiêu thụ khoảng 4.000 tấn dưa hấu và thanh long trong khuôn khổ chương trình.

Ngay sau đó, ngày 6-2, Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) cũng phát đi thông tin, hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food trên cả nước bắt đầu giảm giá và bán không lợi nhuận đối với các mặt hàng nông thủy sản để hỗ trợ đầu ra cho nhà sản xuất.

Cụ thể, Saigon Co.op bán hàng không lợi nhuận 3 mặt hàng nông sản là thanh long, dưa hấu và cá ba sa của các tỉnh miền Tây Nam bộ, như thanh long ruột trắng và ruột đỏ có giá từ 4.800 - 9.900 đồng/kg, dưa hấu từ 9.500 đồng/kg, tùy theo khu vực địa lý của siêu thị. Các mặt hàng này được Saigon Co.op chọn lọc và thu mua giá cao từ nguồn hàng của các nhà vườn, HTX khu vực miền Tây Nam bộ, đáp ứng tốt các tiêu chuẩn về ngoại quan, độ trưởng thành, yếu tố vi sinh. Bên cạnh đó, hệ thống siêu thị của Saigon Co.op cũng đang áp dụng giảm giá 20%, còn 44.500 đồng/kg, cho mặt hàng cá ba sa nguyên con (không đầu) đạt chuẩn xuất khẩu. Ngoài ra, Saigon Co.op cũng giảm giá đối với nhiều sản phẩm đang được nhiều người tiêu dùng trên cả nước quan tâm nhằm tăng sức đề kháng trong thời điểm dịch bệnh, trong đó giảm giá nhiều nhất là nhóm hàng thương hiệu Co.op Select như chanh tươi không hạt, chuối tươi loại 1, bưởi da xanh, trứng gà, giò sống, bắp cải, nấm mỡ… với mức giảm giá trung bình 15% - 20% so với giá bán trước đó.

Trái với thông tin thịt heo khan hàng giá cao trên thị trường, hiện lượng thịt heo an toàn, heo VietGAP về các siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food của Saigon Co.op vẫn ổn định và đang áp dụng giảm giá từ 20.000 - 40.000 đồng/kg, tương đương giảm giá 15%, các loại chân bắp giò, các loại xương và sườn heo non. Dự kiến tổng lượng hàng hóa Saigon Co.op phối hợp các nhà cung cấp, đơn vị sản xuất tham gia giảm giá đợt này là 12.000 tấn nông, thủy sản; trong đó có khoảng 6.000 tấn hỗ trợ tiêu thụ cho nông dân miền Tây đang gặp khó đầu ra và hơn 6.000 tấn nhu yếu phẩm, thực phẩm tươi sống.

Tương tự, với các DN bán lẻ khác như Vinmart, MM (Mega Market) cũng đang tổ chức thu mua và thực hiện các chương trình khuyến mãi đặc biệt để đưa các mặt hàng nông sản có chất lượng, giá tốt nhất đến tay người tiêu dùng, nhằm kích cầu tiêu dùng.

Người tiêu dùng hưởng ứng mạnh mẽ

Chiều 7-2, trao đổi với phóng viên Báo SGGP, chị Nguyễn Bạch Mai - khách hàng thành viên, đang mua sắm tại siêu thị Big C An Phú, cho hay, ngay sau khi thông tin hàng loạt xe tải chở hàng nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc bị ách tắc ở cửa khẩu Lạng Sơn, chị nói với gia đình sẽ ngưng sử dụng các loại trái cây nhập khẩu từ nhiều nước như lê, táo, nho, cam, quýt để ủng hộ trái cây trong nước.
“Việt Nam là nước có thế mạnh về nông nghiệp. Hàng nông sản, đặc biệt là trái cây mùa nào trái đó rất tươi ngon, giá lại rẻ. Nhưng điều đáng tiếc, chúng ta chưa sản xuất theo đúng các tiêu chuẩn về chất lượng, chưa đảm bảo được số lượng lớn và ổn định, cũng như chưa xây dựng được thương hiệu để xuất khẩu đến nhiều thị trường thế giới. Chính điều này đã khiến trái cây nói riêng và hàng nông sản Việt Nam nói chung chưa tạo được giá trị gia tăng cao, còn phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc”, chị Bạch Mai chia sẻ.
Cùng quan điểm này, chị Thanh Thảo, nhân viên kế toán của một DN ngành viễn thông, chia sẻ, trái cây ùn ứ, không xuất khẩu được thì người tiêu dùng nội địa được hưởng lợi vì giá bán rất rẻ. Theo đó, dưa hấu và thanh long cũng như cá ba sa là những loại thực phẩm tốt cho sức khỏe. Nhưng nghĩ đến người trồng “một nắng, hai sương”, đằng đẵng nhiều tháng trời chăm bón mới đến ngày thu hoạch thì lại thấy đắng lòng. “Nếu chúng ta cứ mãi giải cứu nông sản, hết trái này lại đến quả kia thì đến bao giờ nông dân mới có thể làm giàu lên được”, chị Thảo nêu vấn đề.
Để hỗ trợ bà con nông dân tìm đầu ra cho nông sản, mới đây Sở Công thương TPHCM đã đi thực tế, làm việc với các tỉnh, thành để nắm lại số lượng và khả năng cung ứng của từng loại sản phẩm. Mặt khác, Sở Công thương TPHCM cũng yêu cầu các DN chế biến, DN phân phối tăng cường thu mua thanh long và dưa hấu tươi đưa vào bán trên toàn hệ thống siêu thị; đồng thời, kêu gọi người tiêu dùng tiếp tục ưu tiên sử dụng trái cây trong nước.
Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, để tránh tình trạng phải giải cứu hàng nông sản thì các tỉnh thành cần nhanh chóng rà soát, có biện pháp căn cơ là tái cơ cấu sản phẩm nông nghiệp theo tín hiệu thị trường. Tăng cường sự kết nối với các DN xuất khẩu, các hệ thống phân phối để sản xuất theo đúng tiêu chuẩn về an toàn, chất lượng và mẫu mã để nâng sức cạnh tranh ngay trong thị trường nội địa và hướng đến xuất khẩu. Chỉ như vậy ngành nông nghiệp mới có thể phát triển theo hướng bền vững.

Tin cùng chuyên mục