Tái cấu trúc KCX-KCN để tăng sức hút đầu tư

Tính đến tháng 9-2019, tổng vốn đầu tư và thu hút đầu tư tại các khu chế xuất - khu công nghiệp (KCX-KCN) trên địa bàn TPHCM chỉ đạt 467,70 triệu USD, giảm 25,49% so với cùng kỳ năm 2018 (627,71 triệu USD).

Nguyên nhân được chỉ ra là do hạ tầng tiếp nhận đầu tư của các khu KCX-KCN không đáp ứng tình hình đầu tư mới hiện nay của doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nói riêng.

Mất lợi thế vì giá thuê cao

Theo ông Đào Xuân Đức, Phó ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM (Hepza), thành phố hiện  có 3 KCX và 16 KCN được thành lập với tổng diện tích 4.532ha. Trong đó, 17 KCX-KCN với hơn 1.200 dự án đã đi vào sản xuất thu hút hơn 290.00 lao động. 

Đến cuối năm 2018, kim ngạch xuất khẩu trong các KCX-KCN lũy kế đạt 66,41 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 15% kim ngạch xuất khẩu chung của toàn thành.

Hàng hóa các KCX-KCN xuất khẩu đến hơn 45 quốc gia trên thế giới. Trong đó, thị trường Nhật Bản chiếm 42,11%. Kế đến thị trường châu Âu chiếm 16,27%, Mỹ 15,44%...

Đồng thời mở ra thị trường mới như các nước Nam Mỹ, châu Phi, Đông Bắc Á và khối ASEAN, góp phần đưa sản phẩm sản xuất tại Việt Nam thâm nhập ngày càng sâu vào thị trường thế giới. Và trong bối cảnh kinh tế mới hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong các KCX - KCN đã có sự chuyển đổi hướng kinh doanh sang tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu nhiều linh kiện sản phẩm cho các tập đoàn kinh tế lớn.

Tuy nhiên, sau thời gian phát triển nhanh, việc thu hút đầu tư phát triển KCX-KCN của thành phố đang nảy sinh nhiều bất cập. Cũng theo ông Xuân Đức đánh giá, nhiều ưu thế trong thu hút đầu tư của thành phố nói chung và KCX-KCN nói riêng đã giảm sút so với một số địa phương lân cận.

Cụ thể, thành phố đang có giá thuê đất cao, trong khi cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng hết nhu cầu đa dạng của nhà đầu tư. Hiện giá thuê đất bình quân tại KCX-KCN trên địa bàn thành phố duy trì ở mức 125 USD/m2/kỳ thuê 40-50 năm. Trong khi đó, tỉnh Đồng Nai có giá thuê đất bình quân chỉ 74 USD/m2/kỳ thuê 40-50 năm; Bình Dương (43,7 USD/m2/kỳ thuê 40-50 năm); Long An (76 USD/m2/kỳ thuê 40-50 năm)…

Tái cấu trúc KCX-KCN để tăng sức hút đầu tư ảnh 1 Một góc Khu Công nghiệp Lê Minh Xuân. Ảnh: CAO THĂNG

các KCX-KCN thành phố luôn cao hơn nhiều địa phương lân cận, nhưng việc lấp đầy không được phân chia theo khu mà hình thành như “da beo” nên gây khó cho các doanh nghiệp hiện hữu muốn mở rộng quy mô đầu tư.

Riêng với những doanh nghiệp mới, cần diện tích lớn để đầu tư cũng không có đủ diện tích để bố trí. Bên cạnh đó, trước bối cảnh phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, những yếu tố đầu vào như lao động giá rẻ, tài nguyên dồi dào… không còn là thế mạnh của thành phố, kéo theo tốc độ tăng trưởng công nghiệp của thành phố bị kéo giảm. 

Ưu tiên công nghệ cao

Dự báo đến cuối năm 2019, tổng giá trị vốn đầu tư vào KCX-KCN của thành phố hơn 12,4 tỷ USD. Trong đó, khu vực nước ngoài 6,8 tỷ USD và khu vực trong nước 5,6 tỷ USD, thấp hơn rất nhiều so với các tỉnh thành lân cận.

Trước thực tế đó, ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, đề nghị cần tái cấu trúc, chuyển đổi mô hình mới cho các KCX-KCN để tăng khả năng thu hút đầu tư theo chiều sâu, phát triển bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế. 

Theo rà soát của Hepza, hiện có nhiều doanh nghiệp trong các KCX-KCN hoạt động kém hiệu quả, thâm dụng lao động, gây ô nhiễm… đã chuyển nhượng lại nhà xưởng cho doanh nghiệp phát triển hạ tầng hoặc các doanh nghiệp, dự án khác hoạt động có hiệu quả cao hơn.

Điển hình tại KCX Linh Trung đã chuyển đổi thành công 7 dự án cũ thuộc những ngành nghề sản xuất như bút viết, gỗ gia dụng nội thất, nón, bao bì nhựa… có tổng vốn đầu tư 34,5 triệu USD, thành dự án mới với ngành nghề sản xuất linh kiện cơ khí chính xác dùng trong ngành chế tạo máy móc công nghiệp, hệ thống tự động hóa, robot; dây cáp điện đấu nối dùng trong robot, máy móc công nghiệp, thiết bị y tế; sản xuất và lắp ráp sản phẩm điện tử, thiết bị nghe nhìn cao cấp có tổng vốn đầu tư 193 triệu USD.

Hoặc tại KCN Tân Tạo và Lê Minh Xuân có 18 doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, đã chuyển nhượng lại đất, thanh lý nhà xưởng cho các doanh nghiệp khác để thành lập dự án mới có cơ cấu ngành nghề theo hướng khuyến khích của thành phố. Trong 18 dự án mới này thì 3 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (từ Nhật Bản, Hàn Quốc) và 15 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn 2.548 tỷ đồng. 

Đại diện Công ty TNHH Tân Thuận (đơn vị quản lý KCX Tân Thuận) cho rằng, việc tái cấu trúc các KCX-KCN là cần thiết. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cần có định hướng rõ nên hạn chế những ngành nghề, lĩnh vực thâm lạm dụng lao động, kết hợp ưu tiên thu hút đầu tư ngành nghề, lĩnh vực công nghệ cao; có năng suất lao động, hàm lượng tri thức...

Riêng về phía chủ đầu tư hạ tầng KCX-KCN cũng cần tính đến yếu tố phát triển cơ sở hạ tầng dịch vụ cho doanh nghiệp, nhà ở chuyên gia, công nhân… Quan trọng hơn, phải trở thành cầu nối gắn kết doanh nghiệp sản xuất, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu, từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Liên quan đến vấn đề này, cũng theo ông Xuân Đức, dự kiến đến năm 2020, thành phố sẽ đưa vào hoạt động 23 KCX-KCN tập trung với tổng diện tích 5.797,62ha.

Các KCX-KCN tập trung đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước; trong đó ưu tiên doanh nghiệp có công nghệ sản xuất hiện đại, giá trị gia tăng cao; tăng năng lực xuất khẩu, tạo nguồn thu ngoại tệ; góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội theo xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa vùng ngoại thành.

Tin cùng chuyên mục