Tắc mạch, hoại tử do tiêm filler

Ngày 18-2, Bệnh viện Da liễu TPHCM cho biết, vừa tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân nam 24 tuổi (ngụ TP Thủ Đức) bị tắc mạch, hoại tử dái tai do tiêm chất làm đầy (tiêm filler). Bệnh nhân đến khám trong tình trạng dái tai bầm tím, đau nhức.

Theo lời bệnh nhân, do muốn có dái tai dài, dày, to nên cách đó mấy ngày có nhờ một người bạn (làm nhân viên spa) mua filler với chi phí hơn 1 triệu đồng về nhà tiêm. Sau tiêm 1 ngày dái tai bắt đầu đau nhức, căng cứng nên anh đã thông báo với bạn và được tiêm giải, uống kháng sinh, kháng viêm nhưng tình trạng không thuyên giảm. Tại Bệnh viện Da liễu TPHCM, qua thăm khám, BS CK2 Phạm Thị Thanh Giang, Khoa Thẩm mỹ da, nhận định, bệnh nhân bị tắc mạch và loét hoại tử một phần dái tai. Nguyên nhân có thể do người tiêm thực hiện sai kỹ thuật nên tiêm vào mạch máu hoặc do filler là hàng trôi nổi, rẻ tiền, không đảm bảo chất lượng.

Trước đó, Bệnh viện Da liễu TPHCM cũng tiếp nhận một trường hợp tai biến do tiêm filler không rõ nguồn gốc vào dái tai. Sau tiêm, vành tai có màu sắc không đồng nhất nên nạn nhân đã nhờ bạn tiêm thuốc giải nhưng không khôi phục được tình trạng ban đầu. Đầu năm 2022, bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều trường hợp đến tiêm filler chỉnh sửa đường nét khuôn mặt theo phong thủy, tướng số. Những vị trí mà khách hàng muốn chỉnh sửa theo phong thủy như tiêm dái tai; tạo hình sống mũi cao, thẳng; làm đầy hõm thái dương; tạo hình bờ môi căng mọng.

 “Tiêm chất làm đầy tạo gương mặt như ý muốn là phương pháp làm đẹp được nhiều khách hàng lựa chọn vì nó mang lại hiệu quả tức thời, không phải đụng đến dao kéo, không mất thời gian nghỉ dưỡng. Tuy nhiên phương pháp này đòi hỏi người tiêm phải được đào tạo, huấn luyện bài bản, nắm vững cấu trúc giải phẫu vùng tiêm, đặc biệt là hệ thống mạch máu phức tạp bên dưới. Nếu thực hiện sai kỹ thuật có thể gây ra các tai biến nghiêm trọng”, BS Thanh Giang khuyến cáo.

Tin cùng chuyên mục