Tác giả Yang Phan: Văn học tuổi 20 giúp tôi tự tin hơn

Giải thưởng Văn học tuổi 20 lần 7 vừa khép lại bằng lễ trao giải diễn ra vào ngày 24-5. Tác giả Yang Phan (28 tuổi) là một trong hai tác giả đoạt giải nhì (không có giải nhất). Thực tế, Yang Phan không phải là người mới của văn chương, với tên thật là Phạm Anh Tuấn (đang sống và làm việc tại TPHCM), đã có một số tác phẩm được xuất bản từ trước đó.
Tác giả Yang Phan nhận giải nhì tại lễ trao giải Văn học tuổi 20 lần 7
Tác giả Yang Phan nhận giải nhì tại lễ trao giải Văn học tuổi 20 lần 7

PHÓNG VIÊN: Bước đầu gây ấn tượng bằng hai tiểu thuyết trinh thám Đánh đổi và Bẫy với cái tên Phạm Anh Tuấn, việc có thêm tên Yang Phan, hẳn là có lý do nào đó?

Tác giả YANG PHAN: Tôi từng có ý định sử dụng tên Phạm Anh Tuấn để viết trinh thám hay những đề tài mang tính gai góc. Còn Yang Phan, tôi muốn hướng đến dòng văn học đại chúng nhiều hơn. Trong thời gian từ 2015-2019, tôi vẫn tiếp tục gửi bản thảo dưới cái tên Phạm Anh Tuấn, trong đó có hai bản thảo gửi về Văn học tuổi 20 lần 6, nhưng đều không được xuất bản. 

Tại lần 7, tôi cũng kiên trì gửi hai bản thảo. Bản thảo đầu gửi vào năm 2019, tôi vẫn giữ tên là Phạm Anh Tuấn, nhưng không được tuyển chọn. Đến năm 2021, khi gửi Vụn ký ức, tôi quyết định dùng tên Yang Phan. Tôi muốn thử vận may bằng cái tên Yang Phan và quả nhiên, cái tên này đã mang đến cho tôi may mắn.

* Hai lần tham gia, mỗi lần đều gửi hai tác phẩm, có vẻ như anh đang đặt quyết tâm và kỳ vọng khá cao với giải thưởng này. Văn học tuổi 20 có ý nghĩa gì với anh? 

Giải thưởng giúp tôi tự tin hơn. Từ trước tới nay, tôi vẫn nghĩ là văn chương của mình sẽ không được giới phê bình đón nhận. Tôi rất ngưỡng mộ văn phong của Nguyễn Ngọc Tư hay các nhà văn đương đại Việt Nam vì văn phong của họ rất thuần Việt, còn tôi lại không có được điều đó. Tôi cũng không phải là tác giả ăn khách. Chính vì điều đó, tôi bị chênh vênh giữa hai dòng văn học chính thống và đại chúng. Và Văn học tuổi 20 giúp tôi giải quyết những vấn đề trên. Tôi nghĩ quan trọng là mình cứ viết đi đã. Đôi khi có thể do mình suy nghĩ nhiều quá, còn độc giả lại không quan tâm đến điều đó mà chỉ quan tâm đến tác phẩm. 

Anh nói, giải thưởng tạo ra một bước đệm, vì trước đó chưa dám thể nghiệm những đề tài mới. Sự rụt rè này xuất phát từ đâu khi anh từng ít nhiều tạo được dấu ấn với hai tiểu thuyết về trinh thám?

Lâu nay, tôi vẫn nghĩ những đề tài quá u tối sẽ không phù hợp với tiêu chí của NXB Trẻ và cuộc thi này. Cho đến khi đọc tập truyện Lũ chim thích chọn cành khô của Mai Thanh Nga - một trong 12 tác phẩm vào chung khảo cuộc thi lần 7, tôi nhận ra không phải vậy. Trong tập truyện này, có nhiều truyện ngắn khai thác góc khuất của con người, của đời sống một cách trực diện. Tôi nhận ra giải thưởng rất cởi mở và mình có thể thử nghiệm. 

Sau Vụn ký ức, tôi nhận ra văn học chính thống cho phép mình được khai thác sâu hơn với nhiều đề tài khác nhau. Điều này sẽ khó hoặc không thể khai thác được đối với dòng văn học đại chúng. Sau giải thưởng này, tôi thấy mình tự tin để thể nghiệm, tìm đến những đề tài gai góc, hay mang tính phổ quát hơn như sự tồn tại của con người, mối quan hệ giữa con người và tự nhiên… 

Sau khi đoạt giải, anh dành lời tri ân đến khá nhiều tên tuổi văn chương như Nguyễn Ngọc Tư, Patrick Modiano, Kazuo Ishiguro, Marguerite Duras, Alice Munro… Đây là những nhà văn yêu thích, hay có ảnh hưởng đến anh?

Họ là những nhà văn có ảnh hưởng đến tôi. Thực ra, Vụn ký ức được tôi viết hai lần. Như chia sẻ, tôi cảm giác mình không hợp với dòng văn học chính thống, không thuần Việt nên tôi có nói với người bạn của mình khi sáng tác là cần phải “make-up” cho nó. Tôi chọn những đề tài mang tính phổ quát, đọc tác phẩm của các nhà văn trên rồi học hỏi từ họ cấu trúc, cách khai thác những đề tài. Lúc viết xong, tôi cảm thấy tác phẩm của mình vẫn còn vụng và non. Sau đó, tôi và người bạn đã cùng dỡ tung bản thảo đầu tiên, thêm chất Yang Phan vào để trở thành Vụn ký ức sau này. 

Ai bắt đầu đến với văn chương cũng sẽ ảnh hưởng bởi một nhà văn yêu thích nào đó. Việc học hỏi từ các nhà văn đi trước là điều cần thiết nhưng cũng có nguy cơ trở thành cái bóng của họ. Anh nghĩ sao về vấn đề này?  

Thực ra bây giờ tôi không lo mình giống ai hết, vì tôi tự tin sau 10 năm sáng tác. Trước đó, lúc bắt đầu viết văn từ năm học lớp 9, tôi bị ảnh hưởng bởi nhà văn Stephenie Meyer, rồi Phan Hồn Nhiên, Marc Levy… Dần dần, khi lớn lên, tính cách bắt đầu hình thành, cộng thêm sự trải nghiệm thì tôi càng nhận thức rõ hơn về mình cũng như văn chương. Từ năm thứ hai ở trường đại học, tôi bắt đầu đọc tác phẩm của các nhà văn trong nước nhiều hơn. Tôi có quan điểm, đọc và học hỏi từ họ. Tôi nghĩ, mình hoàn toàn có thể học hỏi Nguyễn Ngọc Tư, Patrick Modiano, hay một ai đó, nhưng điều quan trọng ở đây là mình phải viết làm sao để ra được Yang Phan. 

Đoạt giải, mà lại giải cao ở Văn học tuổi 20 đồng nghĩa với việc anh đã lọt “tầm ngắm” của độc giả lẫn giới chuyên môn. Liệu anh có một cam kết nào đó cho hành trình văn chương sắp tới? 

Tôi rất thích câu nói của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, rằng: “Giải thưởng là câu chuyện của ngày hôm qua”. Giải thưởng giống như một sự công nhận khiến mình vui và hạnh phúc; còn bây giờ, ngày hôm nay tôi đã trở thành một con người khác rồi. Yang Phan của ngày hôm qua đã nhận giải với Vụn ký ức và cũng đã xong rồi. Giờ đây, tôi sẽ phải đi con đường của mình. Và con đường sắp tới có thể sẽ có khen, chê nhưng tôi vẫn sẽ học hỏi và viết đều đặn. Tôi vẫn nghĩ, nếu không còn duyên với sách, tôi vẫn có thể sáng tác trên mạng, có nhiều không gian để viết.

Tin cùng chuyên mục