Sức trẻ xây dựng đô thị thông minh

Hôm nay 2-1, TPHCM tuyên dương 12 gương mặt công dân trẻ tiêu biểu TPHCM năm 2019. Trong 12 gương mặt ấy, có người sinh ra và lớn lên ở TPHCM, có người ở nơi khác về đây học tập và làm việc. Song, họ có cùng điểm chung là đã và đang cống hiến sức trẻ, trí tuệ, nhiệt huyết của mình để cùng thành phố hướng đến những giá trị tốt đẹp nhất.

Đóng góp trí tuệ  

Ngay từ khi là sinh viên năm 1 Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Hoàng Trung Hiếu (23 tuổi) đã lân la ở phòng LAB quan sát các thầy cô và anh chị khóa trên nghiên cứu khoa học. Sự cuốn hút của những đề tài, những giả thuyết có thể trở thành hiện thực trong cuộc sống đã chinh phục cậu sinh viên trẻ.

Năm 2 đại học, Hiếu đăng ký tham gia vào các nhóm nghiên cứu ở trường. Kể từ đây, cậu sinh viên trẻ đã kế thừa và phát triển nhiều dự án mang tầm quốc tế, đem về những công trình có thể ứng dụng hiệu quả tại Việt Nam.

Hầu hết các công trình nghiên cứu của Hiếu đều tập trung vào ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) phục vụ cuộc sống. Trong đó, công trình “Xử lý hình ảnh camera giao thông” với bài toán tái định danh phương tiện giao thông và phát hiện sự kiện bất thường trong video giám sát giao thông có ý nghĩa lớn trong phục vụ thành phố thông minh. Hệ thống giúp theo vết các phương tiện giao thông, dựa vào hình dáng và các đặc điểm nhận dạng, từ đó phát hiện các sự cố bất thường xảy ra trên đường phố một cách tự động, góp phần đảm bảo an ninh trật tự.

Từ nền tảng đó, Hoàng Trung Hiếu tiếp tục nghiên cứu công trình “Phân đoạn đối tượng trong video cho phép tách tự động các đối tượng (xe, phương tiện giao thông, người, đồ vật…) từ video”. Kết quả của phương pháp này cho phép tổng hợp để tạo ra các video mới, vừa có tiềm năng trong điện ảnh, giải trí, vừa có ý nghĩa trong việc xây dựng hệ thống camera thông minh phục vụ giám sát giao thông tự động, hệ thống bảo vệ với các camera an ninh giúp phát hiện những hành vi hay sự kiện bất thường.

Sức trẻ xây dựng đô thị thông minh ảnh 1 Hoàng Trung Hiếu (thứ 2 từ trái qua) cùng nhóm nghiên cứu khoa học tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM. ẢNH: THU HƯỜNG

Nói về lý do các nghiên cứu của mình đều hướng đến đô thị thông minh, Hiếu chia sẻ: “Những năm gần đây, TPHCM nỗ lực xây dựng đô thị thông minh và đang trong cuộc đua với nhiều nước phát triển trên thế giới trước thềm của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Là người đam mê nghiên cứu, tôi thấy trách nhiệm, nghĩa vụ của mình, của người trẻ trước hết phải cống hiến trí tuệ, kiến thức của mình cho chính thành phố nơi mình được đào tạo, được nuôi dưỡng ước mơ”. 

Nâng cao chất lượng trong y tế

Bên cạnh 2 công trình nghiên cứu để hỗ trợ giao thông thông minh được công bố trong các hội nghị hàng đầu thế giới, công trình “Phương pháp mới trong phân loại ảnh nội soi đường ruột” của Hoàng Trung Hiếu lại có ý nghĩa lớn trong y tế thông minh.

Chuỗi hình ảnh như một “trợ lý” đắc lực cho bác sĩ trong chẩn đoán hình ảnh, giúp sàng lọc và phát hiện các bệnh thường gặp, các điểm giải phẫu trong ảnh nội soi và hỗ trợ đưa ra đề xuất hình ảnh ở khu vực có nguy cơ bị bệnh cao, qua đó công việc của bác sĩ hiệu quả hơn, tăng số lượng bệnh nhân được điều trị.

Cũng với mục tiêu nâng cao chất lượng y tế trong thời đại công nghiệp 4.0, bác sĩ Phạm Quang Thông (34 tuổi, Khoa Giải phẫu bệnh, Bệnh viện Chợ Rẫy) đã có 17 công trình, bài báo khoa học đăng tải trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước.

Nổi bật là công trình nghiên cứu vừa được đăng trên Tạp chí Y khoa và Ung thư Á - Âu về đột biến gen EGFR và mối liên quan với các biểu hiện lâm sàng của ung thư phổi không tế bào nhỏ. Nghiên cứu giúp cho việc điều trị trúng đích ở các bệnh nhân đột biến loại gen này, giúp họ có thời gian sống còn lại tốt hơn. 

Đề tài mà bác sĩ Thông làm chủ nhiệm mang tên “Đặc điểm giải phẫu bệnh và biểu hiện của Synaptophysin và GFAP trong u nguyên bào ống tủy” là một trong những đề tài nhanh chóng được ứng dụng rộng rãi trong bệnh viện từ năm 2015. Nhờ đó, các bác sĩ giải phẫu bệnh đã chẩn đoán chính xác hơn cho trên 100 bệnh nhân mắc loại bệnh ác tính hiếm gặp này.

Hiện Trung tâm điều hành chỉ huy đô thị thông minh đã tích hợp hơn 1.000 camera ở các sở ngành. Việc tích hợp camera về một đầu mối và ứng dụng các công trình nghiên cứu của Hoàng Trung Hiếu sẽ là phương tiện hữu hiệu để thành phố quản lý trật tự an toàn giao thông và tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

“Bắt đầu dù muộn còn hơn là không bắt đầu” là phương châm của bác sĩ trẻ Quang Thông. Ngay từ khi về công tác tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bác sĩ Quang Thông đã chủ động tham gia phụ giúp các đồng nghiệp đi trước thực hiện ý tưởng của họ, từ đó mày mò học hỏi, có những suy nghĩ riêng, tỉ mẩn ghi chép tổng hợp số liệu… làm tiền đề cho những công trình khoa học của riêng mình sau này.

Làm việc tại Khoa Giải phẫu, công việc chính của bác sĩ Thông và đồng nghiệp là phân tích tế bào từ các mẫu bệnh phẩm để tìm thông tin về các loại bệnh. Chẳng hạn về bệnh ung thư, qua xét nghiệm tế bào sẽ phát hiện ung thư loại gì, giai đoạn mấy… giúp ích cho các bác sĩ trong giải phẫu và điều trị. Hiện bác sĩ trẻ này đang thực hiện nghiên cứu về u tương bào - một loại tế bào miễn dịch nhưng đột biến và trở thành tế bào ung thư tấn công vào xương. 

Bác sĩ Thông được đơn vị đánh giá là người có nhiều công trình nghiên cứu chuyên môn về chẩn đoán ung thư, một bí thư chi đoàn tích cực. Không chỉ “bắt đầu”, người thanh niên ấy còn tiến lên từng bước vững chắc nhờ sự nỗ lực từng ngày của bản thân, góp sức mình cho sự phát triển của ngành y tế trong thời đại công nghiệp 4.0.

Gương mặt công dân trẻ tiêu biểu TPHCM năm 2019

Ngoài Hoàng Trung Hiếu, Phạm Quang Thông, gương mặt công dân trẻ tiêu biểu TPHCM năm 2019 còn gọi tên các bạn trẻ khác có nhiều thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực, tích cực tham gia hoạt động xã hội và có nhiều đóng góp cho sự phát triển của thành phố. Đó là:

PGS-TS Đào Nguyên Khôi (34 tuổi), Phó Trưởng khoa Môi trường - Trường Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM, đã công bố khoảng 60 bài báo trong nước và quốc tế về các nghiên cứu khoa học, trong đó nhiều công trình nghiên cứu về công tác quản lý môi trường và biến đổi khí hậu.

Phạm Tường Vân Khánh (14 tuổi), Liên đội phó Trường THCS An Lạc (quận Bình Tân), 7 năm liền là học sinh giỏi, thành viên đội tuyển Cờ tướng TPHCM, đã đạt nhiều thành tích cao trong giải Cờ tướng trẻ toàn quốc.

Lê Đức Anh (33 tuổi), Phó Giám đốc xưởng chế biến thực phẩm thuộc Công ty Cholimex, có nhiều sáng kiến cải tiến trong lao động làm lợi cho doanh nghiệp hơn 2,5 tỷ đồng/năm, là “Người thợ trẻ giỏi toàn quốc” và đoạt Giải thưởng Tôn Đức Thắng 2019. 

Nguyễn Ngọc Hương (28 tuổi), Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thiên nhiên Việt, với sản phẩm khởi nghiệp là các loại bột rau sấy lạnh, vừa đoạt giải nhất cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn toàn quốc năm 2019. 

Ngô Quốc Anh (32 tuổi), chuyên viên Phòng Kinh tế quận Bình Thạnh, có nhiều sáng kiến, giải pháp hỗ trợ người dân trong việc đăng ký kinh doanh, ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính và có giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công mức độ 3, 4 vượt chỉ tiêu thành phố đề ra. 

Nguyễn Thị Thu Diễm (28 tuổi), Bí thư Đoàn phường Long Phước (quận 9), có nhiều giải pháp tiêu biểu nâng chất lượng hoạt động phong trào Đoàn và thu hút thanh niên đến với tổ chức.

Thượng úy Trần Lê Bảo (28 tuổi), công tác tại Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an TPHCM, đã cùng đồng đội phá nhiều chuyên án ma túy, thu giữ số lượng lớn heroin, ma túy đá, thuốc lắc.

Huỳnh Như (28 tuổi), vận động viên Trung tâm Thể dục thể thao quận 1, Đội trưởng đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam, vừa đoạt huy chương vàng SEA Games 30, vô địch bóng đá nữ Đông Nam Á 2019, tích cực tham gia các hoạt động gây quỹ vì người nghèo. 

Nguyễn Thị Hoa (29 tuổi) và Tchiu Hiển Phước (28 tuổi), diễn viên xiếc Nhà hát nghệ thuật Phương Nam, giành nhiều giải cao tại các liên hoan xiếc quốc tế tại Việt Nam và một số quốc gia như Tây Ban Nha, Nga, Kazakhstan, Pháp với tiết mục “Khoảnh khắc tình yêu”.

THU HƯỜNG

Tin cùng chuyên mục