Sức sống trong lòng công chúng

Xét tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân (NSND), nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) là vấn đề được đông đảo công chúng và nghệ sĩ thuộc nhiều thế hệ đặc biệt quan tâm. Việc xét tặng danh hiệu thể hiện sự ghi nhận, là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần của Nhà nước với đội ngũ văn nghệ sĩ. Song những năm gần đây, cứ tới mùa xét tặng là lại có lời ra tiếng vào.

Người thì cho là cần mở rộng hơn nữa để động viên, khuyến khích, tạo không khí phấn chấn cho người làm nghệ thuật. Nhưng cũng không ít ý kiến lại đề nghị nên siết chặt thêm tiêu chí để danh hiệu chỉ dành cho những nghệ sĩ thật sự xuất sắc, có cống hiến; rằng quý là ở chỗ chất lượng chứ không phải là kẹo ngọt mà chia cho hết thảy… 

Việc tranh cãi là điều không tránh khỏi, bởi xét tặng danh hiệu luôn là những cân nhắc khó khăn, thêm nữa, với người làm nghệ thuật thì các tiêu chí mang tính định lượng lại không dễ, thậm chí đâu đó còn có ý kiến nên tạm dừng việc xét tặng. Cũng bởi vậy mà gần đây, bàn về Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), có đề xuất cho rằng, bên cạnh việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho các nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật thì cũng nên mở rộng việc phong tặng danh hiệu này cho chỉ đạo nghệ thuật, chỉ huy dàn nhạc, biên đạo, quay phim, nhạc sĩ, họa sĩ, soạn giả, nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà văn, kiến trúc sư... đã khiến nhiều người ngỡ ngàng.

Tất nhiên, không chỉ văn nghệ sĩ mà sự quan tâm, khích lệ động viên kịp thời cho những cố gắng, nỗ lực của bất cứ người lao động nào đều là điều rất nên làm, song mở rộng đối tượng xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cho các lĩnh vực trên, liệu có thực sự cần thiết và đem lại hiệu quả như mong muốn? 

Với người sáng tạo trong văn học - nghệ thuật thì tinh hoa được thể hiện ở chính những “đứa con” tinh thần là tác phẩm văn chương, là bản nhạc, bộ phim, là những bài thơ, bức họa… Việc tặng thưởng cho các tác phẩm cũng chính là cách tôn vinh tác giả. Hàng năm, số lượng các giải thưởng văn học - nghệ thuật tính ra có thể đến hàng trăm, bởi ngoài các giải thưởng của các hội văn học - nghệ thuật, một số ban, bộ, ngành, địa phương thì các cơ quan truyền thông, doanh nghiệp cũng tổ chức các giải thưởng riêng. Theo định kỳ, việc xét tặng Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh cho các tác giả có tác phẩm, cụm tác phẩm, công trình, cụm công trình văn học - nghệ thuật xuất sắc cũng được tổ chức. Đó là những minh chứng sinh động cho thấy các thành phần sáng tạo trong nghệ thuật, cụ thể là các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ… luôn nhận được sự quan tâm và ghi nhận kịp thời những nỗ lực trong hành trình sáng tạo, cống hiến.

Đời sống văn học - nghệ thuật có dòng chảy rất riêng, không bị lệ thuộc bởi những tiêu chí cứng nhắc hay khuôn mẫu gò bó nào. Việc định ra được những tiêu chí xét tặng danh hiệu sao cho công bằng, xác đáng trong mỗi lĩnh vực văn học - nghệ thuật là điều không hề đơn giản. Thậm chí còn có những lo ngại, việc đưa ra danh hiệu mới có thể vô tình làm nảy sinh những tranh cãi, hiềm khích, giống như quả táo vàng của nữ thần bất hòa lăn ra trong bàn tiệc trong thần thoại Hy Lạp, cũng không phải là không có cơ sở. 

Nhiều năm qua, không có danh hiệu, thậm chí không có giải thưởng, người làm văn học, nghệ thuật vẫn miệt mài, đam mê sáng tạo và cống hiến. Từ đó, nhiều tác phẩm có giá trị đã ra đời và có sức sống lâu bền trong lòng công chúng. Hơn ai hết, chính các văn nghệ sĩ đều hiểu rõ cái đích lớn nhất là sống được trong lòng công chúng bằng chính tài năng, tác phẩm của mình. Đó mới là là sự tưởng thưởng lớn nhất.

Tin cùng chuyên mục